“Nam tiến” sau Tết
Cả năm bôn ba, vất vả nơi đất khách quê người, Tết là dịp để những người làm việc xa gia đình đoàn tụ với người thân. Sau Tết, họ lại hối hả vào Nam, tiếp tục những ngày tháng lao động xa nhà.
Mới mùng 3 Tết nhưng anh Đặng Tiên Trực (trú xã Cát Tường, huyện Phù Cát) đang làm việc cho một công ty chế biến hàng xuất khẩu tại Long An đã tất bật chuẩn bị đồ đạc vào Nam để tránh bị kẹt xe. Anh Trực tâm sự: “Cả năm đi làm xa nhà, về được 3 ngày Tết nên dành trọn thời gian sum họp với gia đình”.
Còn anh Trần Văn Lâm (29 tuổi, trú xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) mùng 6 mới vào lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Năm nay, anh định ở nhà lâu hơn để làm lại chứng minh nhân dân, nhưng do công ty cần nhân công làm việc đầu năm nên đành phải lên đường sớm. Hiện anh Lâm đang công tác tại một công ty môi trường ở TP Hồ Chí Minh, lương mỗi tháng hơn 6 triệu đồng. Hai năm gần đây, anh vừa lo cho em gái đang học ở đây, vừa lo cho mẹ thường xuyên đau ốm ở quê nên khá khó khăn, vất vả.
Sáng mùng 6 Tết, tại bến xe huyện Phù Cát, có rất đông người làm việc ở Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai… đợi xe xuất bến. Chị Bùi Thị Duyên (20 tuổi, quê xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) - chuẩn bị vào Bình Dương làm việc, tâm sự đang làm công nhân cho một công ty giày da tại Khu công nghiệp Sóng Thần. Công việc hơi vất vả và nhất là phải đi làm xa nhà, nhưng bù lại chị có được số tiền kha khá phụ giúp ba, mẹ. Chị sợ nhất là mỗi lần bắt xe về nhà và đón xe đi vào Nam lao động trong mỗi dịp Tết.
Cùng đợi xe vào sáng mùng 6 Tết có bà Trần Thị Hồng (quê xã Cát Lâm, huyện Phù Cát) tiễn 2 con gái vào Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) làm việc. Bà Hồng kể: “Hai con gái tui làm công nhân ở Thủ Đức gần 3 năm nay. Tụi nó đi làm xa nhà tui cũng lo lắng, nhưng nhờ đó mà nhà tui đỡ khổ hơn. Số tiền hàng tháng tụi nó gửi về cũng đủ trang trải gia đình và nuôi em đang học ở Đà Nẵng”.
Nỗi lòng của bà Hồng có lẽ là nỗi lòng chung của nhiều bậc cha, mẹ có con đi làm xa quê.
C.MINH