TP Quy Nhơn: Các hoạt động vui xuân đậm nét văn hóa truyền thống
Trước và trong Tết Ất Mùi, Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn đã tổ chức nhiều hoạt động vui xuân gắn với bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống.
1.
Cuộc thi làm bánh chưng, bánh tét lần đầu tiên được Trung tâm VH-TT-TT phối hợp với Hội Chữ thập đỏ TP Quy Nhơn tổ chức, đã nhận được sự chung tay góp sức của 17 cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị ủng hộ 62 triệu đồng kinh phí tổ chức. 48 nghệ nhân làm bánh đến từ 16 phường, xã trên địa bàn TP đã tung ra “bí quyết” để có được những chiếc bánh thơm ngon tặng người nghèo. Đêm 28 tháng Chạp (16.2), khoảng sân của Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn bập bùng ánh lửa cùng những câu chuyện Tết của các thế hệ già trẻ bên nồi bánh chưng sôi sùng sục. Chị Đặng Thị Phương Thảo, nhà ở phường Trần Hưng Đạo, tâm sự: “Cảnh gói bánh, nấu bánh cùng mọi người trong phường đem đến cảm giác thân thuộc như hồi còn nhỏ gia đình tôi vẫn còn duy trì việc tự làm bánh ăn Tết. Tôi cũng rất vui khi được tham gia tạo nên những món quà ý nghĩa tặng người nghèo”.
Sáng 29 tháng Chạp, bánh được vớt ra bày bàn bốc hơi nghi ngút, khiến nhiều người nôn nao muốn nếm thử. Ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn, cho biết: “Từ sản phẩm do các đơn vị tham gia cuộc thi và sự ủng hộ kinh phí các cá nhân, doanh nghiệp đặt làm bánh thêm, đã có tổng cộng 1.600 cây bánh tét, chiếc bánh chưng tặng cho hơn 300 hộ nghèo trên địa bàn thành phố”. Trên đường đi bán vé số, bà Nguyễn Thị Bảy (75 tuổi) tranh thủ ghé lại nhận 4 chiếc bánh chưng, bánh tét. Theo chân bà Bảy về ngôi nhà nhỏ hẹp trong con hẻm quanh co ở khu vực 6, phường Lê Lợi, thấy bà trân trọng đặt chiếc bánh lên bàn thờ chồng và con trai đầu là liệt sĩ Nguyễn Văn Phục. “Tôi ngày nào cũng phải đi bán vé số, mong kiếm vài ba chục ngàn nuôi con gái bị tâm thần, con trai bị tai nạn cụt chân. Nhà rất khó khăn, nên có được những chiếc bánh tình nghĩa để chưng lên bàn thờ ngày Tết là quý lắm”, bà Bảy xúc động tâm sự.
2.
Sáng 17.2 (29 tháng Chạp), tại quảng trường đường Nguyễn Tất Thành, Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn cũng đã tổ chức khai mạc Hội thi “Dựng nêu đón Tết cổ truyền lần II - Xuân Ất Mùi 2015”. Ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT TP, cho biết: “Hội thi tiếp tục hưởng ứng thực hiện chương trình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, vừa là hoạt động thiết thực để chuyển tải thông điệp văn hóa mang đậm tính nhân văn và sâu sắc của người Việt là cầu mong một năm mới phúc, lộc, may mắn, hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà”. Tham gia Hội thi dựng nêu có 15 phường, xã trên địa bàn TP Quy Nhơn. Phòng Văn hóa - Thông tin còn phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Quy Nhơn vận động thêm hai cơ sở tôn giáo tín ngưỡng trên địa bàn là chùa Hiển Nam và chùa Lộc Uyển cùng hưởng ứng phục dựng cây nêu tại nơi thờ tự.
Đến động viên anh em dựng nêu, ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong, cho biết: “Dựng cây nêu là hoạt động rất ý nghĩa ngày Tết, nên phường tích cực hưởng ứng tham gia. Điều khó là tìm vật liệu tre đã được phường Nhơn Phú giúp đỡ, chúng tôi phân công các thành viên tìm hiểu kỹ về cách dựng nêu theo truyền thống của người Việt Nam để có thể chuẩn bị các vật treo trang trí trên cây nêu cho đúng và đẹp”.
3.
Nằm trong hoạt động phục vụ người dân vui xuân, trong hai đêm 24 - 25.2, Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn tổ chức Hội thi hô hát bài chòi dân gian. 11 phường, xã trên địa bàn thành phố tham gia Hội thi. Nhờ đầu tư tập luyện, đội bài chòi xã Nhơn Hải đã thực hiện đầy đủ các nghi thức, hô hay, xứng đáng đoạt giải Nhất Hội thi.
Nghệ nhân Minh Đức, thành viên Ban giám khảo Hội thi, nhận xét: “So với dịp Tết năm ngoái, lực lượng các phường, xã tham gia Hội thi năm nay đông và biểu diễn sinh động hơn. Nhiều hiệu trẻ, già đã thể hiện được khả năng hô hát bài chòi trong hội thi”.
Thành công của Hội thi không chỉ nhờ tham gia tích cực của các đơn vị, mà còn là sự ủng hộ của khán giả. Trong hai đêm diễn ra Hội thi đánh bài chòi cổ, nhiều người đã mua thẻ tham gia chơi nên các đơn vị dự thi có thêm tự tin, hứng khởi để biểu diễn phục vụ bà con vui xuân.
HOÀI THU