Vân Canh: Ðổi thay qua 4 năm thực hiện Nghị quyết Ðảng bộ huyện
Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ XVII (NK 2010-2015) đề ra, 4 năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Vân Canh đã đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trên từng ngành, lĩnh vực. Nhờ vậy, kinh tế của huyện có bước tăng trưởng khá, bình quân đạt 6,8%/năm, mức sống dân cư trên địa bàn tăng đáng kể.
Trên lĩnh vực kinh tế, huyện đã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục có sự chuyển dịch đúng hướng. Điểm nổi bật nhất là trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung và trang trại chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Diện tích lúa hàng năm của huyện ổn định 1.750 ha, năng suất bình quân 47 tạ/ha. Chăn nuôi phát triển với tổng đàn bò trên 15.000 con, trong đó 50% là bò lai; đàn dê 1.560 con; đàn heo 9.000 con và đàn gia cầm trên 50.000 con. Nhiều mô hình kinh tế vườn đồi và kinh tế trang trại phát triển, tạo ra giá trị hàng hóa khoảng 6,2 tỉ đồng/năm, tạo việc làm cho 1.000 lao động. Về lâm nghiệp, được sự hỗ trợ của Dự án trồng rừng WB3, bình quân mỗi năm huyện trồng được khoảng 1.900 ha rừng nguyên liệu giấy; tổng giá trị hàng hóa sản xuất lâm nghiệp đạt trên 111 tỉ đồng/năm.
Từ năm 2010 đến nay, huyện Vân Canh đã triển khai đầu tư xây dựng nhiều dự án hạ tầng, với tổng nguồn vốn trên 216 tỉ đồng (chưa kể nguồn vốn của Trung ương, tỉnh trực tiếp làm chủ đầu tư), từ đó đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương, như: Hồ chứa nước Ông Lành, hồ Quang Hiển, đường giao thông từ Canh Thuận đi Canh Liên, cầu vượt sông Hà Thanh qua các xã Canh Vinh, Canh Hiển, Canh Hiệp, Canh Thuận. Đến nay, 100% số xã có đường đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông; hơn 40% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa sạch sẽ, không lầy lội vào mùa mưa, tạo nên diện mạo mới ở nhiều vùng quê.
Công tác xóa đói giảm nghèo được huyện quan tâm thực hiện có hiệu quả, từ đó nâng cao đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của dân cư. Những con số chứng minh cho kết quả này là thu nhập bình quân đầu người đạt trên 15 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo còn 39,2%, mỗi năm giảm 5,36%; 80% thôn, làng có điện lưới quốc gia; 90% thôn, làng có công trình nước sinh hoạt.
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể đạt những kết quả nhất định, trong đó công tác phát triển đảng viên mới luôn vượt chỉ tiêu đề ra cả về số lượng và chất lượng, tỉ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đều vượt chỉ tiêu đề ra.
Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ huyện, Vân Canh đã thực hiện đạt và vượt 62% các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, 17% chỉ tiêu xấp xỉ đạt. Kết quả này đến từ sự lãnh đạo sát sao của tỉnh, sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền huyện, xã, sự đồng thuận cao của nhân dân các dân tộc, đặc biệt là khai thác được những tiềm năng, lợi thế của địa phương phát triển KT-XH, giữ vững an ninh quốc phòng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Vân Canh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục trong thời gian đến, nhất là cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển nhưng thiếu vững chắc và sức cạnh tranh kém; chất lượng giáo dục, y tế còn có mặt hạn chế; ANTT có thời điểm còn diễn biến phức tạp; hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.
Đảng bộ huyện Vân Canh đang tìm cách khắc phục khó khăn, lãnh đạo thực hiện tốt các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đã đề ra. Ông Lê Bá Thành, Bí thư Huyện ủy, cho biết: “Ngay từ những ngày đầu năm 2015, Huyện ủy đã triển khai các giải pháp phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng theo hướng vừa phát huy được những thế mạnh sẵn có, vừa thích ứng được với những cái mới của đời sống hiện đại, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, tạo tiền đề tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII trong năm nay, rút ngắn dần khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi”.
HẠNH PHÚC