Hai câu chuyện không vui đầu năm
Chuyện thứ nhất là chuyện về tai nạn giao thông:
Trong dịp Tết Ất Mùi vừa qua, một trong những “nốt trầm” đáng buồn trong bức tranh xuân đầy sắc màu tươi vui, đến lúc này còn ám ảnh nhiều người là số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT)tăng đáng kể. Theo số liệu thống kê (chưa đầy đủ) của các cơ quan chức năng, cả nước đã có tới 317 người thiệt mạng trong 9 ngày nghỉ tết. Ở Bình Định, tuy không quá “nóng” như các địa phương khác nhưng cũng đã có 10 người thiệt mạng do TNGT.
Một trong những điểm cần lưu ý là TNGT tăng chủ yếu xảy ra ở khu vực nông thôn trên các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ và đường liên thôn, liên xã chứ không phải trên các tuyến quốc lộ như các năm trước. Một điểm nữa cũng cần quan tâm là mặc dù có khuyến cáo hàng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các chế tài xử phạt cũng đã tăng lên, các cơ quan liên tục tăng cường ra quân tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường…, nhưng tình trạng lái xe sau khi uống nhiều rượu bia vẫn xảy ra khá phổ biến, nhất là ở các vùng nông thôn. Và hệ lụy của những hành vi bất cẩn hay coi thường pháp luật này đã “nhãn tiền” bằng con số nêu trên.
Trước tình hình trên, ngay sau Tết, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe và lập lại trật tự về an toàn giao thông trên phạm vi cả nước. Tăng cường các biện pháp ngăn ngừa là cần thiết nhưng nếu các cá nhân không ý thức về việc tuân thủ pháp luật, bảo vệ bản thân thì khó mà khắc phục được vấn nạn này.
Chuyện thứ hai là câu chuyện về các lễ hội:
Theo quy luật của tự nhiên, Tết đã qua nhưng xuân vẫn còn. Đã thành thông lệ, mùa xuân cũng là mùa lễ hội của rất nhiều lễ hội dân gian mang nét đẹp văn hóa truyền thống, giàu ý nghĩa nhân văn nhằm tri ân tổ tiên, những người có công với đất nước, dân tộc hay cộng đồng dân cư. Qua hoạt động của lễ hội, mọi người có thêm hiểu biết, cảm nhận sâu sắc hơn về lịch sử và truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tình trạng “lạm phát” lễ hội theo xu hướng thực dụng khiến cho không ít lễ hội bị biến tướng làm mất đi ý nghĩa tích cực và giá trị nhân văn, truyền thống ban đầu của nó. Theo số liệu thống kê của ngành văn hóa, hàng năm cả nước diễn ra gần 8.000 lễ hội dân gian lớn nhỏ. Trong đó, có những lễ hội được tổ chức không xuất phát từ nhu cầu chính đáng của người dân địa phương, không mang giá trị văn hóa tín ngưỡng đã và đang làm mất đi vốn quý cần được bảo vệ.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương trong cả nước tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc giảm tần suất tổ chức các lễ hội, ngày hội, nhất là những lễ hội có quy mô lớn; tổ chức lễ hội, ngày hội phải quán triệt phương châm tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, lãng phí; đặc biệt là việc tổ chức lễ hội, ngày hội phải phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán của từng địa phương…
Năm nay là năm trong cả nước có rất nhiều lễ hội của đất nước và địa phương sẽ diễn ra. Vì thế, công tác quản lý lễ hội và việc xây dựng văn hóa lễ hội nhằm phát huy những giá trị nhân văn của lễ hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là giải pháp thiết thực để phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của lễ hội Việt Nam, tạo động lực tinh thần cho toàn xã hội trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
H.Đ