Tác giả “Sóng vẫn đập vào eo biển” đã giã biệt trần gian
Dường như cái tựa “Sóng vẫn đập vào eo biển” đã gắn bó với nhà thơ Lê Văn Ngăn như một định mệnh. Anh bước vào làng thơ từ lâu lắm, lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, bôn ba qua cuộc chiến tranh, rồi về giữa lòng hòa bình với đa dạng những cung bậc ố ái hỉ nộ của số phận, của cơ duyên. “Quy Nhơn Quy Nhơn, đồng ruộng mía phía Tây - phất phới vườn bông gòn - những cửa hàng lấm bụi, những chiếc ga tạm hoang tàn, những người định cư, những người tứ chiếng - nơi em - quê hương chẳng phải điều trừu tượng - điều ấy, tôi giữ trong lòng - và đi xa em. Tiếng sóng vẫn đập vào eo biển”.
Nhà thơ Lê Văn Ngăn (bìa phải), Nguyễn Thanh Mừng (giữa) và nhạc sĩ Huy Du.
Quy Nhơn ấy có trong anh từ ngày tuổi trẻ, đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, lúc anh xa quê nhà ở Huế để rồi vào đây với rất nhiều thử thách cũng như rất nhiều hy vọng. Sau giải phóng, anh và tôi gặp mặt trong những cuộc rượu anh em, đã hồi tưởng những cảnh vật, con người, mùi vị Quy Nhơn, sắc mầu Quy Nhơn, âm thanh Quy Nhơn của thời quá vãng với những chia sẻ chân thành của người trong cuộc. Dù không ít đắng cay nhưng Quy Nhơn đã níu giữ anh lại, với mái nhà đầm ấm, những đứa con ra đời và từng bước trưởng thành, những người bản địa có tấm lòng bao dung, hào hiệp. Với Lê Văn Ngăn, một trái chuối thêm vào trong bữa ăn đạm bạc ngày hàn vi lênh đênh ở trọ làm gia sư cũng trở thành một lý do để anh tin vào Quy Nhơn, thơm ngát tận đến tâm sự cuối đời.
Quy Nhơn xưa có tiếng nổ rung chuyển Lầu Việt Cường. Quy Nhơn xưa có đầm đìa tang thương của Mậu Thân 1968. Quy Nhơn xưa có Trịnh Công Sơn “ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về, trời cao níu bước sơn khê”. Những điều này, cũng trở lại trong câu chuyện ở quán Thu Vàng ngày kỷ niệm 396 năm Quy Nhơn và 100 năm thành phố tỉnh lỵ, 1998, có anh và tôi tiếp người phương xa trở lại.
Quy Nhơn xưa có Trần Quang Long, bạn anh hừng hực “con xin nguyện cuộc đời-dùng chính quả tim làm trái phá- sống chết một lần thôi”. Bài thơ nổi tiếng “Thưa mẹ, trái tim” ấy sau này đưa vào “Tuyển tập Thơ Bình Định thế kỷ XX”, em Thắng - con trai nhà thơ liệt sĩ - gọi điện cám ơn, tình cờ lúc ấy anh và tôi đang ở Sài Gòn, thế là thêm một cuộc hạnh ngộ đầy cảm động. Lúc Hội Văn nghệ Dân gian vào tập huấn, tình cờ trong câu chuyện GS Trần Quốc Vượng mới cho biết Trần Quang Long là anh em chú bác với ông và ông “đặt hàng” ngay cho anh Ngăn một bài viết về nhân vật này. Quy Nhơn xưa có tiếng nhạc bi hùng: “Ôi Tổ quốc ta đã nghe lời réo gọi, trong tiếng hờn trong máu lửa ngập trời, từng giây nghe đau thương xót xa đầy trong cơn thê lương, lời xưa vang đâu đây chí kiêu hùng muôn phương tung bay…”. Tôi cũng đưa anh Ngăn lên nhà tác giả và trở lại với ký ức kiêu hùng đó trong một bài viết về nhạc sĩ La Hữu Vang.
Quãng thời gian anh và tôi cùng đảm nhiệm công Việc Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Định và Tạp chí Văn nghệ Bình Định, chúng tôi có điều kiện chia sẻ với nhau nhiều lần trong ngày, trên từng chuyến đi họp hành, thực tế sáng tác… Tôi ấn tượng mãi về năm xưa, khi tôi liên hệ được với Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân để có hai suất đi trại sáng tác Nha Trang viết về đề tài người lính. Anh Ngăn thì chỉ muốn đi với tôi. Mà còn một nhà thơ nữa cũng muốn có mặt trong đội hình, nên tôi không nỡ nào. Hơn nữa, tôi còn lên khai mạc Trại sáng tác Đà Lạt. Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng thấy anh em văn nghệ sĩ Bình Định lên trước, bèn đến hỏi: “Lê Văn Ngăn có lên không?”. Anh em trả lời không có trong danh sách. Anh Hạng hỏi tiếp: “Nguyễn Thanh Mừng có lên không? Anh em bảo sẽ. Thế là nhà điêu khắc khẳng định: “Dứt khoát có anh Ngăn rồi”. Quả đúng vậy thật. Tối đó, trên đường tôi ghé ngang Nha Trang và “cuỗm” nhà thơ từ phố biển lên ngay miền cao nguyên kỷ niệm, lúc rượu ở nhà điêu khắc gia Phạm Văn Hạng mới mở nắp còn nóng hôi hổi. Ở đây, những câu chuyện xưa về đất và người Quy Nhơn được thắp lên, từ anh linh vị hoàng đế lẫy lừng Quang Trung - Nguyễn Huệ đến những võ sư đương đại, từ những tuyệt tác trước 1975 đến những tài hoa vừa bừng sáng.
Nhà thơ Lê Văn Ngăn (thứ ba, từ trái sang) và các bạn thơ trên núi Đá Bia.
Một cảnh tượng khác không thể nào quên là cảnh tôi đưa GS Trần Quốc Vượng và nhà thơ Lê Văn Ngăn ra uống rượu với Cù Lao Xanh. Một cuộc thăng hoa không bút nào tả xiết, mà mới năm rồi tôi cùng đoàn sáu sở, ngành ra công tác ở đây, nhiều cán bộ xã và bà con còn nhắc lại đầy thương mến. Trong một bài thơ mang tên “Cocktail biển Đông”, từ một việc rất thật: “Tôi cùng hai ông già một ông sử một ông thơ - Nắm tay nhau dập dềnh trong thuyền thúng- Nắm tay nhau chuyếnh choáng trên cát vàng - Một ông hát Tình ca rền vang - Một ông huýt gió The Blue Danube”, tôi đã sảng khoái bật lên: “Góc biển chân trời ơi có bí ẩn gì đâu - Tất thảy quá bình yên như chưa hề giông tố - Tôi vất bớt những lố bịch cravat comple giữa một ông áo thun một ông quần ngố - Vất hết lạc lõng ngôn từ phơi nhiễm diễn văn - Để bồng bềnh trong mandala tình yêu và biển cả - Nghe trầm tích cảng thị Cri Vinaya nồng nàn trang hải sử - Bóng xưa những con tầu chở từ vườn Lâm Tỳ Ni những bông sen vàng - Từ địa đàng Eden những mùa táo đỏ - Mùi vang nho châu lục quê nhà Kha Luân Bố - Trái đất quá mảnh khảnh dưới sức nặng tình yêu - Chưa thiếu chưa thừa lại chưa bao giờ đủ - Sàn nhảy thần Shiva - Thánh thót giọt mồ hôi vũ trụ”. Bản thân nội lực thơ ca và cách sống của anh đã gây không ít cảm hứng cho xung quanh. Hôm trước Tết Ất Mùi, ngồi với nhà văn Đỗ Chu và nhà thơ Ngô Thế Oanh, cũng lấy chuyện Lê Văn Ngăn ra san sẻ, và anh Oanh phát hiện rằng Lê Văn Ngăn là nhà một trong những nhà thơ đương đại được các nhà thơ khác làm thơ tặng tương đối nhiều.
Lê Văn Ngăn là nhà thơ hiện đại tiêu biểu ở xứ sở này với sức sáng tạo tiềm ẩn đầy nội lực, một giọng thơ đầy phong cách và bản lĩnh. Đời thơ anh lại cống hiến them một ví dụ cho truyền thống hội tụ, kết tinh, giao lưu và lan tỏa của miền đất Bình Định - Quy Nhơn vốn đã phát triển mạnh mẽ từ thời Thơ Mới. Chỉ với “Sóng vẫn đập vào eo biển” của gần nửa thế kỷ trước, tiếng sóng ấy đã mở ra một bầu trời thơ cao rộng: “sóng vẫn đập vào eo biển - tiếng sóng dịu dàng và cương quyết - tiếng sóng chất chứa những gì khiến tôi xác tín một điều - vâng, điều ấy chẳng có sức mạnh nào lay chuyển được - vâng, điều ấy giữa những khung cửa đầy bóng tối, hàng me cao - giữa mùi bánh nướng báo tin một ngày quang đãng - giữa tiếng xe thổ mộ lúc bình minh, vẫn còn những kẻ phản bội em - vẫn còn những kẻ từng sống bên em, nay đã mặc cho những kẻ xâm chiếm dày vò - vẫn còn những kẻ man trá, những kẻ thỏa hiệp, những kẻ dã tâm yêu hết mọi giống nòi - vâng, điều ấy khi bạo lực còn bắt tay nhau - khi bạo lực còn dẫn quân đi nhục mạ quyền làm người - khi ấy, bằng chất liệu gì để rửa sạch thân em - đây là điều tôi dứt khoát - quê hương quê hương, nơi trái tim tôi rung động dưới bầu trời sao - nơi tôi muốn nhắm mắt dưới lòng đất quen thuộc - chết cho tình yêu - đấy là việc của con người”.
Nhà thơ Lê Văn Ngăn tuổi Quý Mùi, sinh ngày 15.1.1944. Quê quán:
Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Tham gia phong trào học sinh, sinh viên yêu nước, Huế trước 1975. Tốt nghiệp Đại học Báo chí. Từng là phóng viên Đài Phát thanh Huế; Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Định; Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Định.
Tác phẩm chính: Trên đồng bằng (thơ, 1967), Vào mộtthời im bóng (thơ, 1974), Viết dưới bóng quê nhà (thơ, 2008), Thơ Lê Văn Ngăn (NXB Thuận Hóa, 2015).
Giải Nhì cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1991. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
NGUYỄN THANH MỪNG