Sáng nay, khai mạc LHP Cannes: Cuộc “đối đầu” của điện ảnh Pháp - Mỹ
LHP Cannes năm nay được khai mạc vào đêm 15.5 (theo giờ địa phương, tức sáng 16.5 theo giờ VN) với màn chiếu phim The Great Gatsby của đạo diễn Australia Baz Luhrmann. Sự kiện này mở màn cho 12 ngày chiếu phim, trong đó có 19 phim tranh giải Cành cọ Vàng.
Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình nhận thấy ở hạng mục tranh giải chính năm nay phim của nước “chủ nhà” chiếm quá nhiều: 6 phim.
Trước ngày khai mạc LHP, du khách đã nườm nượp tới bãi biển Croisette. Các nhà phê bình từ khắp thế giới gặp nhau tay bắt, mặt mừng.
Không khí tại LHP Cannes không thay đổi nhiều, luôn là sự hào nhoáng và vui chơi. Những người mẫu chân dài ngà ngà say chuệch choạng đi giữa các nhà báo dễ bị kích động do uống quá nhiều cà phê. Đội ngũ an ninh làm việc rất chặt, còn không gian thì luôn “inh tai” với tiếng nhạc techno phát ra từ những chiếc xế hộp và hộp đêm dựng tạm trên bãi biển. Chỉ có một thứ duy nhất thay đổi là các bộ phim.
Cuộc đua của các đạo diễn Mỹ nổi tiếng
Cannes vốn nổi tiếng là LHP thanh thế và cầu kỳ nhất thế giới. 19 phim tham gia tranh giải Cành cọ Vàng năm nay đã được các nhà tổ chức lựa chọn từ 1.800 phim.
Năm nay là năm thứ 2 liên tiếp, Giám đốc nghệ thuật LHP Cannes Thierry Fremaux chọn nhiều phim Mỹ.
Hạng mục giải chính được coi là một cuộc đối đầu giữa điện ảnh Pháp và Mỹ, khi Mỹ có 5 phim tham gia tranh giải (trong khi năm 2011 chỉ có 1 đại diện duy nhất) và Pháp là 6 phim.
Nhà phê bình Mỹ Glenn Heath Jr. nhận định: “Không giống năm ngoái, tranh giải năm nay đều là các đạo diễn nổi tiếng của Mỹ, như anh em nhà Coen, Alexander Payne, Steven Soderbergh, Jim Jarmusch và James Gray. Phim The Immigrant của Gray và Only Lovers Left Alive của Jarmusch cùng phim A Touch Of Sin của nhà làm phim Trung Quốc Giả Chương Kha là những tác phẩm điện ảnh mà tôi đang háo hức khám phá”.
Phim The Immigrant, kể câu chuyện về một cô gái điếm Ba Lan ở New York trong những năm 1920, được xem là một hướng làm phim mới của đạo diễn Gray. Trong khi, phim Only Lovers Left Alive, kể về những con ma cà rồng. Nhân vật chính do Tilda Swinton thủ vai được đánh giá là lạ và độc đáo.
Nhiều nhà quan sát thấy rằng, không thỏa đáng khi nước chủ nhà Pháp lại đưa quá nhiều phim của các đạo diễn Pháp vào hạng mục tranh giải chính. “Tôi thấy lạ khi có quá nhiều phim Pháp tranh giải năm nay trong khi nền điện ảnh nước này đang đuối. Tôi thấy thất vọng khi không có bất cứ nhà làm phim Australia hay New Zealand nào được chọn tranh giải” - Helen Barlow, nhà phê bình Australia viết cho tờ báo mạng SBS.
Trong khi đó, một số nhà phê bình lại tán dương cách lựa chọn phim tham gia tranh giải năm nay. Mehdi Omais, cây bút của tờ Metro bản tiếng Pháp, nói: “Tôi muốn xem tất cả các phim tham gia tranh giải”. Tuy nhiên, Omais thấy tiếc khi danh sách không có phim Nymphomaniac của đạo diễn Lars Von Trier, câu chuyện hấp dẫn mô tả "hồ sơ" tình dục của một phụ nữ.
Baz Luhrmann "về cội"
LHP Cannes 2013 diễn ra từ ngày 15 đến 26.5. Bộ phim ngắn 16:30 của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy (Việt Nam) sẽ được trình chiếu tại “Góc phim ngắn” (không phải là một hạng mục tranh giải) của LHP Cannes lần này.
Có lẽ Baz Luhrmann sẽ không đạo diễn phim The Great Gatsby nếu tác phẩm điện ảnh này không dành cho LHP Cannes. Đối với Luhrmann, việc chiếu phim The Great Gatsby khai mạc LHP Cannes lần thứ 66 là một cuộc trở lại đầy cảm xúc. Nói theo một cách khác, LHP là “nơi sinh” của Luhrmann, nơi đưa ông trở thành một nhà làm phim quốc tế.
Năm 1992, Luhrmann, lúc đó mới 29 tuổi, đã hoàn thành dự án điện ảnh đầu tay của mình, mang tựa đề Strictly Ballroom. Đây là bộ phim có kinh phí thấp (3 triệu USD dàn dựng), kể về một nghệ sĩ khiêu vũ phấn đấu gây dựng sự nghiệp ở Australia. Phim được dàn dựng theo một vở kịch của Luhrmann. Phải chật vật lắm Luhrmann mới tìm được kinh phí dàn dựng phim và thật buồn là nó không giành được sự quan tâm ở Australia. Một nhà phát hành đã đánh giá đây là “phim dở nhất mà ông từng xem”.
Khi Luhrmann và vợ sắp cưới là Catherine Martin lái xe trên bờ biển Australia để “xả” nỗi buồn thất bại, ông được nhận điện thoại từ LHP Cannes mời tham gia chiếu phim ở hạng mục Uncertain Regard.
Kể từ đây, số phận đã mỉm cười với Luhrmann và sau đó ông đã tới LHP danh giá nhất thế giới. “Đó là sự khởi đầu cuộc đời làm phim của tôi” - Luhrmann nói.
Strictly Ballroom đã đến với khán giả LHP Cannes năm đó trong suất chiếu nửa đêm. Luhrmann không ngờ rằng phim đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt, họ vỗ tay như sấm. Các nhà phát hành đổ xô đến mua bản quyền chiếu phim và hãng Miramax đã chiến thắng. Sau đó, phim đã đoạt giải của ban giám khảo trẻ và nhiều giải thưởng của Viện Điện ảnh Australia.
Luhrmann tiếp tục có mối quan hệ gắn bó với Cannes, khi bộ phim Moulin Rouge của ông, do Nicole Kidman và Ewan McGregor thủ vai chính, được chọn chiếu khai mạc LHP năm 2002.
Đối với Luhrmann, đưa phim The Great Gatsby tới LHP Cannes năm nay tức là ông đã khép lại một vòng tròn lớn, được bắt đầu với phim Strictly Ballroom.
Theo Thethaovanhoa.vn