Sóng vẫn đập vào eo biển
Sóng vẫn đập vào eo biển là bài thơ nổi tiếng của Nhà thơ Lê Văn Ngăn, xuất hiện từ trước giải phóng 30.4.1975. Ngay sau khi ra đời, bài thơ được đăng trên tờ Ðối diện, số 33, tháng 3.1972. Bài thơ từng bị địch tịch thu, nhưng sau đó lại được đọc trên Ðài Giải phóng và đăng trên tờ Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Mới đây, Sóng vẫn đập vào eo biển được nhà thơ đưa vào tập Thơ Lê Văn Ngăn, do Nhà xuất bản Thuận Hóa phát hành đầu năm 2015.
1.
Tôi thầm hỏi có phải em đang gửi lòng mình qua sóng biển
nhắn cho tôi biết
rằng nỗi đau đớn em vẫn còn mang nặng
Quy Nhơn Quy Nhơn đồng ruộng mía phía Tây
phất phới vườn bông gòn
những đầm nước mặn
im bóng cửa nhà
Quy Nhơn Quy Nhơn trên thảm nước xanh rờn của thuyền đánh cá và chim én
Buổi sáng hay chiều hôm từng chuyến phi cơ
tìm lòng em đáp xuống
dù em chỉ hiện ra bằng một dấu hiệu, ngọn đèn xanh, cánh cờ đo chiều gió
dù nắng rực rỡ trên các đỉnh đồi
dù mây tháng mười, không ngừng nghỉ, bay về một nơi khác
dù trên cao tôi nhìn thấy em
bình lặng
bày ra từng con đường, từng động mạch, những mái nhà rêu phủ, những chiếc áo cánh trên sợi dây phơi
chẳng phải em thiếu kín đáo, nhưng tôi biết em muốn gửi tới một điều gì
Quy Nhơn Quy Nhơn từng đêm bão cát thổi qua lòng em
và tôi, lặng lẽ dưới mái nhà
căng lòng mình ra như tấm áo
trên tấm áo ấy, bão cát chỉ gây ra lời hy vọng
che chở được em
giờ đây, đoàn quân xâm chiếm, theo từng nhịp cánh quạt ngừng, đổ bộ trên quê hương tôi
đã đặt trước mặt tôi những trại giam
giờ đây tôi không gần được em, nhưng tôi tin
nếu khi trở về thì khi nào tôi đến
em sẽ mở lòng em ra
Lòng em, những mái nhà tranh im lìm, nơi đó một quãng đời cũ
em còn cất giữ
và nếu một cuộc săn đuổi khác bắt đầu
em sẽ tự xé rách lòng em, che dấu những người bất khuất, những người đã gọi em
Quê hương quê hương, nơi trái tim tôi rung động dưới bầu trời sao
nơi tôi muốn nhắm mắt dưới lòng đất quen thuộc
lòng em, không chịu dừng chân ở ngã ba rẽ về liên tỉnh
không muốn rút mình bên này các ranh giới trước tham vọng của kẻ thống trị, em còn muốn
tiếng sóng nơi em bắt nhịp với còi tàu Long Biên
và những vườn hoa bưởi
những vại nước lấm tấm bông cau
cũng có mùi hoa gạo
cho nên tiếng bom nổ ở miền Bắc
dù không nói, tôi cũng biết lòng em chấn động
2.
Sóng vẫn đập vào eo biển, chiều nay hay ngày trước
và lòng tôi, theo tiếng sóng của em, cũng chạy dài theo bãi cát
lang thang quanh những vùng yên lặng
dừng chân ở chiếc quán đông người
sóng vẫn đập vào eo biển
tiếng sóng dịu dàng và cương quyết
tiếng sóng chất chứa những gì khiến tôi xác tín một điều
vâng, điều ấy
chẳng có sức mạnh nào lay chuyển được
giữa những khung cửa đầy bóng tối, hàng me cao
giữa mùi bánh nướng báo tin một ngày quang đãng
giữa tiếng xe thổ mộ lúc bình minh, vẫn còn những kẻ phản bội em
vẫn còn những kẻ từng sống bên em, nay đã mặc cho những kẻ xâm chiếm dày vò
vẫn còn những kẻ man trá, những kẻ thỏa hiệp, những kẻ dã tâm yêu hết mọi giống nòi
khi bạo lực còn bắt tay nhau
khi bạo lực còn dẫn quân đi nhục mạ quyền làm người
khi ấy, bằng chất liệu gì để rửa sạch thân em
đây là điều tôi dứt khoát
quê hương quê hương, nơi trái tim tôi rung động dưới bầu trời sao
chết cho tình yêu
đấy là việc của con người
bao nhiêu năm ở gần em, những chiếc phi cơ đáp xuống buổi mai
rời khi trời tối
bao nhiêu năm, những chiếc xe lam, những thỏi đường mới lọc, những bàn tay trong những bàn tay
bao nhiêu năm em chưa trả lời cho tôi biết
nhưng tôi tin
dù nơi nào, trong ngục tù hay giữa cánh đồng
bằng tín hiệu của sóng biển
em vẫn cần gọi tôi về, lấy thân làm vật cản che chở em
3.
Quy Nhơn Quy Nhơn, đồng ruộng mía phía Tây
những cửa hàng lấm bụi, những chiếc ga tạm hoang tàn,
những người định cư, những người tứ chiếng
nơi em
quê hương chẳng phải điều trừu tượng
điều ấy, tôi giữ trong lòng
và đi xa em. Tiếng sóng vẫn đập vào eo biển.
L.V.N
(Thơ Lê Văn Ngăn, NXB Thuận Hóa)