Khi hành khách và lực lượng chức năng cùng phối hợp
Những ngày vừa qua, liên tiếp xe khách chở quá số người quy định, “tranh thủ” nhồi nhét khách trước nhu cầu vào Nam khá cao của người dân đã bị lực lượng CSGT tỉnh lập biên bản, buộc sang xe rồi mới được tiếp tục hành trình vào Nam. Tiền phạt chở người quá quy định (900 ngàn đồng/khách chở quá), cộng với chi phí nhà xe phải chịu để sang xe cho khách tiếp tục hành trình vào Nam thì “tiền cá đã quá tiền cơm”. Từ mùng 4 Tết đến nay, có 3 trường hợp xe khách chở quá số người quy định (vượt khoảng 20 người/xe) bị phạt với số tiền trên 20 triệu đồng/xe, trong đó có 1 xe còn bị tạm giữ ngay tại Bến xe Trung tâm Quy Nhơn.
Ông Đặng Văn Ái, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết thêm, kể từ khi Sở GTVT công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin về tình hình giao thông, vận chuyển khách trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi, Sở đã nhận các cuộc gọi của người dân phản ánh về việc nhà xe tự ý nâng giá vé, xe nhồi nhét thêm khách. “Người dân phản ánh đến đâu thì chúng tôi thông báo cho lực lượng chức năng đến đó, kiên quyết xử lý các nhà xe vi phạm. Như, sau khi nghe người dân thông báo nhà xe tự ý nâng giá vé, sáng 27 tháng Chạp (15.2) Sở GTVT đã tổ chức cuộc họp và buộc hơn 20 nhà xe, bến xe ký cam kết không nâng giá vé từ nay đến sau Tết Nguyên đán. Hoặc khi nhận được thông tin xe dù nhét khách, tôi đã thông báo ngay với CSGT và thanh tra giao thông để kiểm tra xử lý”, ông Ái khẳng định.
Những năm vừa qua, tình hình giao thông sau Tết đã đi vào trật tự, nền nếp hơn, phần vì lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt các xe làm sai quy định nghiêm minh và ráo riết hơn, nhưng phần khác đến từ ý thức của hành khách. Hễ xe nào chất lượng kém, nhét khách... thì sẽ bị khách “cạch” lần sau, bảo nhau đừng nên đi xe đó nữa, và gọi điện thông báo trực tiếp với cơ quan chức năng. Việc này, hành khách không chỉ góp phần hạn chế những tồn tại của nạn xe dù, nhét khách mà còn được nhà xe “tôn trọng” hơn.
Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ hết tình trạng nhà xe tự nâng giá vé. Ký cam kết là vậy, nhưng đến phút chót khách lên xe, nhà xe viện cớ giá nhân công dịp Tết cao, chi phí dịch vụ đắt đỏ, và nhất là đánh vào tâm lý bằng giá nào cũng phải đi, nên đòi khách chi thêm. Một sinh viên về quê ăn tết kể chuyện, trên chuyến xe từ TP Hồ Chí Minh về Tây Sơn, nhà xe tự động tăng thêm 50.000 đồng/vé so với giá vé đã thông báo ngày hôm trước. Khi hành khách tỏ ý bất bình, cự cãi thì phụ xe giở võ “cùn”: “Không đi thì mời bà xuống để cho người khác đi”. Và quả thật khi khách vừa xuống thì lập tức có khách khác lên ngay. Đến đây, anh sinh viên này thở dài, biết rằng điều đó là phi lý nhưng bởi mình cần về quê nên đành chấp nhận.
Một thanh tra giao thông cũng xác nhận, từ Tết đến nay ông nhận được gần chục cuộc điện thoại về việc này, và lực lượng chức năng chỉ kiểm soát được việc giá vé bán ở trong bến, còn ngoài bến thì chịu. Thiết nghĩ, trong trường hợp này, hành khách phải tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách thông báo ngay với lực lượng chức năng về xe vi phạm và dũng cảm đứng ra tố cáo nhà xe, hoặc công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng thì chắc hẳn tình trạng này sẽ giảm.
NGUYỄN SƠN