Bảo tồn hay cố chấp?
Vậy là, mặc cho Tổ chức Động vật châu Á (AAF) nhiều lần gửi văn bản đề nghị hủy bỏ và hơn hết là bất chấp sự phản đối kịch liệt của một bộ phận dư luận tiến bộ trong xã hội cùng những phân tích thiệt hơn giữa việc tiếp tục duy trì hay chấm dứt, nghi lễ chém lợn trong Lễ hội Chém lợn của làng Ném Thượng, Khắc Niệm, Tiên Du, Bắc Ninh vẫn diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng rồi.
Chém lợn là lễ hội truyền thống được xem là độc đáo bậc nhất ở làng Ném Thượng, nhằm tưởng nhớ một vị tướng quân của làng dưới thời Lý (có tên là Lý Đoàn Thượng) đã chém lợn mở tiệc khao quân, đồng thời cầu cho một năm mới an lành, may mắn. Lễ hội Chém lợn đã có tuổi đời 800 năm, đến nay vẫn được duy trì tổ chức hàng năm. Tổ chức lễ hội này, người làng Ném Thượng muốn thông qua một phong tục, tục lệ đặc sắc của địa phương để giáo dục, nhắc nhở con cháu tưởng nhớ tiền nhân, vị thành hoàng làng đã có công đánh giặc ngoại xâm chứ không có ý xem đó là sự tung hô một hành vi đồ tể. Vì vin vào bề dày và ý nghĩa trên mà những người, những nhà tổ chức quyết tâm giữ lại lễ hội bị đánh giá là kém nhân văn, nhân đạo này.
Dẫu vin vào lý lẽ nào, thì ở Lễ hội Chém lợn, điều hiện thực phơi bày dễ thấy nhất trước mắt vẫn là cảnh con người chém giết động vật rất dã man trước sự phấn khích của người xem. Trong số những quan điểm, ý kiến bảo vệ cho việc tiếp tục duy trì Lễ hội Chém lợn, nổi lên ý kiến của một nhà nghiên cứu văn hóa trong nước. Nhà nghiên cứu này nhìn nhận hành vi chém lợn như một sự diễn xướng độc đáo, tái hiện, thể hiện lớp văn hóa cổ xưa chứ không đơn thuần theo nghĩa đen là hành vi đồ tể. Và ông cho rằng, việc kêu gọi hủy bỏ tục lệ này thể hiện tâm lý tự ti, mặc cảm đối với chính nền văn hóa của dân tộc mình (!?).
Trong quan điểm bảo vệ duy trì Lễ hội Chém lợn, có vẻ như những khái niệm “văn hóa”, “truyền thống”, “phong tục” đã được đưa ra làm bình phong, lạm dụng và biện hộ cho những hành vi phản cảm, kém nhân văn. Cần phải nhận thức một điều rằng, văn hóa và truyền thống cũng thay đổi, tiến hóa theo thời gian. Những gì tiến bộ, đẹp, hay, phù hợp với xu hướng của thời đại, của xã hội mới sẽ được duy trì, phát huy, ngược lại, những điều không còn phù hợp, bị xem là lạc hậu, hủ tục phải được sàng lọc, thay đổi, loại bỏ. Và nếu một phong tục truyền thống nào đó của một dân tộc đến lúc bị đa số cộng đồng người dân của chính nước đó lẫn dư luận quốc tế lên án, thì phải lấy tinh thần cầu thị làm trọng, thẳng thắn nhìn nhận để sửa đổi trên tinh thần hòa hợp với chuẩn văn hóa chung. Biết mặc cảm, tự ti về những điều không đúng, không hay, không đẹp của bản thân để tiến bộ sẽ đáng quý hơn việc khư khư bảo thủ, cố chấp, thậm chí là bất chấp để bảo tồn một nét văn hóa “ao làng” bị cho là đi ngược với chuẩn văn hóa, văn minh của thế giới!
KHẢI THƯ