Làm giàu từ biển
Hơn 20 năm vươn khơi bám biển, vượt qua nhiều khó khăn, vất vả, ngư dân Trần Kim Trung (sinh năm 1980), ở làng biển Lâm Trúc 2, xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn) sở hữu một cơ ngơi khá “hoành tráng”. Hiện nay, sau một cơn tai biến nặng, anh không còn được ra khơi bám biển, nhưng anh vẫn quản lý đội tàu cá “khủng” của mình.
Một thuyền trưởng trẻ
Ở tuổi 35, ngư dân Trần Kim Trung được nhiều người biết đến không chỉ là một trong những tỉ phú trẻ, mà còn là một thuyền trưởng giỏi nghề, vững vàng bậc nhất của nghề đánh bắt xa bờ ở địa phương. Trên 20 năm bám biển, hiện gia sản của anh là ngôi biệt thự khang trang vừa mới xây dựng trong năm 2014 trị giá trên 3 tỉ đồng, cùng 3 ô tô đời mới làm dịch vụ cưới hỏi, tham quan du lịch. Đặc biệt anh là chủ sở hữu 3 chiếc tàu lớn chuyên khai thác hải sản ở các vùng biển xa, có tổng công suất 2.260 CV.
Đến nay, biển đã mang lại cho anh nhiều của cải vật chất, song ký ức tuổi thơ nhọc nhằn ngày ấy bên làng biển nghèo Hoài Thanh vẫn luôn lưu mãi trong tâm trí anh. “Hồi đó gia đình tôi rất nghèo, lại có tới 6 anh em nên cuộc sống kinh tế luôn thiếu trước, hụt sau; các anh và tôi đều phải nghỉ học giữa chừng. Năm 14 tuổi, tôi được một người bà con tốt bụng trong thôn cho đi bạn để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Có thể nói, những nhọc nhằn, gian khó, hiểm nguy của cuộc mưu sinh trên các con tàu đánh bắt xa bờ không có điều gì tôi chưa nếm trải”- anh Trung tâm sự.
Là người làm thuê nhưng anh luôn nuôi chí làm chủ. Sau một thời gian dài đi bạn, năm 19 tuổi anh trở thành một thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm. “Cứ làm thuê mãi thì biết khi nào mới thoát được nghèo. Bằng mọi cách phải có chiếc thuyền, có ngư cụ riêng thì mới khá lên được”. Suy tính kỹ lưỡng mọi bề xong, anh cùng với người anh kề vay mượn bà con, người thân đóng mới, đưa vào hoạt động chiếc thuyền gỗ công suất 39 CV cùng các ngư cụ cần thiết, tổng trị giá gần 200 triệu đồng. Giỏi nghề, lại cần cù làm lụng, chăm chỉ tích góp, anh không chỉ trả hết nợ vay sắm tàu mà còn tích lũy chút ít...
Lão ngư Trần Học (70 tuổi) ở làng biển Hoài Thanh, đánh giá: “Chú Trung không những đi biển, làm kinh tế giỏi mà còn có biệt tài sửa máy thủy”. Dù chưa qua trường lớp kỹ thuật nào, nhưng với tình yêu và khát vọng bám biển làm giàu, anh mày mò, tự học để làm chủ những kỹ thuật liên quan đến nghề, dù là nhỏ nhất.
Điều khiến không ít người thú vị khi đối diện với thuyền trưởng trẻ này là bên cạnh kinh nghiệm học được từ thế hệ trước, anh còn tích lũy vốn kiến thức khoa học để bổ trợ cho nghề. Trung khẳng định: “Cách nhìn trời, nhìn mặt biển mà đoán thời tiết của ông cha ngày trước truyền lại là những kinh nghiệm vô cùng quý báu giúp cho chúng tôi tránh được nhiều sự cố trên biển. Song, nếu mình sử dụng và phát huy hết khả năng của thiết bị, phương tiện hiện đại thì trình độ đánh bắt sẽ tốt rất nhiều, việc làm giàu từ biển sẽ nhanh và bền vững hơn”.
Biển không phụ người
Trong đời đi biển của mình, ngư dân Trần Kim Trung cùng anh em đi biển nhiều lần “chìm nổi” vì những khổ ải nơi đại dương, có lúc tưởng như sắp mất cả sinh mạng và phương tiện mưu sinh. Nhưng rồi bằng tình yêu nghề và lòng quyết tâm bám biển, anh Trung đã gầy dựng lại để tiếp tục bám biển, vươn khơi.
Sự kiên cường bám biển của anh đã được biển đền đáp khi liên tiếp có những chuyến biển bội thu giúp anh thực hiện hoài bão sắm tàu công suất lớn để vươn khơi xa. Năm 2006, anh vay vốn ngân hàng cộng với tiền dành dụm mạnh dạn mua lại chiếc tàu xa bờ 168 CV, và cùng lúc nâng cấp công suất 2 con tàu lên 730 CV để thực hiện khát vọng vươn khơi, làm giàu.
Anh Trung chia sẻ : “Thời gian đầu tôi cũng gặp nhiều khó khăn, vì phải lo chi trả tiền lãi ngân hàng, lại phải lo mưu sinh để đảm bảo đời sống anh em thợ bạn. Nhưng rất may mắn là từ kinh nghiệm học được từ những người đi trước, cộng với sự nhiệt tình, cố gắng của mấy anh em khi đi biển đã giúp tôi vượt qua khó khăn”. Từ một ngư dân, ban đầu chỉ có chiếc thuyền chưa vượt quá 50 CV, trở thành ông chủ của 2 chiếc tàu cá công suất lớn, tổng giá trị trên 5 tỉ đồng, là nhờ anh Trung cùng các ngư dân liên tục vươn khơi bám ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. “Nghề biển tuy vất vả, bù lại có nhiều cơ hội làm giàu. Nhiều chuyến vươn khơi trở về chở hàng chục tấn hải sản, thu lãi vài trăm triệu đồng”. Nếu gặp mưa thuận gió hòa, tàu có thể vươn khơi 8-10 chuyến”/năm-anh tâm sự.
Nhờ những chuyến biển được mùa, đến năm 2010, anh tiếp tục đóng thêm 1 chiếc tàu mới có công suất 800 CV, trị giá trên 3 tỉ đồng với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, chịu được sóng gió cấp 7, cấp 8 nên có thể đi biển quanh năm, kể cả mùa biển động. Tất cả không chỉ thể hiện quy mô, năng lực lớn trong nghề khai thác hải sản, mà còn cho thấy bản lĩnh và tầm nhìn xa trông rộng của một ngư dân trẻ.
Không quên những ngày gian khó
Từ một thanh niên nghèo, giờ anh đã trở thành một trong những ngư dân tỉ phú ở làng biển Lâm Trúc 2, Hoài Thanh. Đặc biệt, không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình mình, trong hành trình hơn 20 năm bám biển, anh đã tạo công ăn việc làm cho gần một trăm lao động ở địa phương cả trên biển, lẫn trên bờ với mức thu nhập bình quân 3,5 - 7 triệu đồng/tháng. Trong số đó, có 5 bạn nghề được anh dìu dắt cho mượn hàng trăm triệu đồng sắm mới phương tiện để hành nghề riêng. Ngoài ra, anh còn có những chế độ hỗ trợ khác để tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo đời sống thuyền viên; động viên anh em yên tâm lao động, tích cực tham gia đánh bắt xa bờ tại những ngư trường trọng điểm là Trường Sa và Hoàng Sa để góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.
Ngư dân Phạm Văn Phương, ở thôn Cửu Lợi Đông, xã Tam Quan Nam, thuyền viên tàu cá của anh Trung, cho biết: “Tôi đi bạn cho tàu anh Trung hơn mười năm nay. Chúng tôi đều rất khâm phục anh về sự nỗ lực vượt qua nghèo khó. Tuy còn trẻ nhưng anh luôn học hỏi và có nhiều kinh nghiệm đi biển. Do vậy mà trong các chuyến biển, tàu luôn đầy cá. Nhờ đó, anh em chúng tôi cũng có thu nhập khá để trang trải, phụ giúp gia đình”.
Ông Võ Xuân Phúc, Bí thư chi bộ thôn Lâm Trúc 2 - xã Hoài Thanh, cho biết: “Trung là một thanh niên rất chịu khó, giàu nghị lực, vượt khó, làm giàu chân chính bằng trí óc và sức lao động của mình. Gia đình anh là một trong những hộ gia đình gương mẫu đi đầu trong các hoạt động xã hội ở địa phương, nhiều năm liền được UBND xã công nhận là gia đình văn hóa. Ngoài ra, anh còn quan tâm chia sẻ nhiều kinh nghiệm đi biển cho các thanh niên ở làng biển này”.
Hàng năm, vào những dịp lễ, Tết, anh đều có những phần quà cho anh em thuyền viên ăn tết. Thường thì ngày mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng Âm lịch, tại cửa biển Tam Quan, đội tàu của anh tổ chức “mở biển”, ra quân đánh bắt xa bờ. 3 con tàu của anh vẫn tiếp tục hành trình trên những vùng biển Tổ quốc, giúp anh gửi tình yêu của mình đến với biển đảo quê hương.
Chia tay anh Trần Kim Trung, chúng tôi vẫn còn đọng mãi những lời tâm sự từ đáy lòng của anh: “Mình đi biển thì mong ước được đánh bắt trên vùng biển của mình, bảo vệ được ngư trường, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc mình. Dẫu tay không, tàu gỗ, nhưng chúng tôi không sợ bão táp, phong ba hay những thế lực xâm phạm chủ quyền khác”.
Bài và ảnh: DIỆP BẢO SƯƠNG