Nước sạch Mỹ Chánh: Canh cánh nỗi lo
Chưa tới mùa hè nắng nóng nhưng xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) đã “nóng” nỗi lo nước sạch, nhất là với hàng ngàn hộ dân ở các thôn An Xuyên 1, An Xuyên 2, An Xuyên 3, An Hòa, An Hoang, Công Trung, Thượng An…
Khổ vì thiếu nước sạch
“Ba năm trở lại đây, từ khi Nhà máy Nước sạch xã Mỹ Chánh “cúp” nước, 287 hộ dân thôn chúng tôi không còn nước sạch để dùng” - ông Trần Cảnh Triệu, Trưởng thôn An Xuyên 1, nói. Và hệ quả là, người dân phải mua 500 đồng/can nước để tắm giặt; còn nước ăn uống phải mua tận xã Cát Minh (huyện Phù Cát) 1.000 đồng/can. Năm ngoái, do nắng hạn gay gắt, nước uống thiếu, huyện phải điều xe chuyển nước về “cứu trợ”…
Giếng khoan của ông Hai Thức (thôn An Xuyên 1) lấy được nguồn nước mằn mặn, tạm xem là nước sạch, dù chỉ để tắm giặt, nên lâu nay thành địa chỉ lấy nước của nhiều người dân thôn An Xuyên 1 mỗi khi trời nắng nóng. “Càng nắng nóng, bà con càng đến lấy nước nhiều; ngày ít cũng đến cả trăm can. Với những người lấy nhiều, tui cũng thu một ít để trả tiền điện, còn những người lấy ít thì xem như miễn phí luôn” - chị Trần Thị Nhung, con gái ông Hai Thức, cho biết.
Nhà mới xây to rầm nhưng lại thiếu nước sạch. Vậy là anh Dương Cường (thôn An Xuyên 1) phải đào một cái hầm cạnh nhà sâu 2,4m, đưa mô-tơ và bắt ống nước xuống hầm để… hứng nước từ công trình nước sạch của xã. Thời gian đầu, anh Cường còn hứng được 1-2 xô, nhưng đến nay thì không kiếm ra một giọt… Vậy là cả gia đình hiện cũng phải xài nước sạch mua từ Cát Minh.
157 hộ dân thôn An Xuyên 3 cũng trong tình cảnh tương tự như ở thôn An Xuyên 1. Anh Lê Minh Sơn, Trưởng thôn An Xuyên 3, bày tỏ: Hồi kéo hệ thống nước sạch vào nhà, ai cũng mừng ra mặt. Nhưng giờ, người xe đạp, người chạy xe máy xuống tận Cát Minh lấy nước về nấu nướng, sinh hoạt. Ở phía bắc thôn, nhiều hộ còn chèo sõng vượt hơn 500m qua thôn Trung Xuân để lấy nước từ giếng công cộng. Khi giếng này khô thì mua nước từ công trình nước sạch của ông Long được xây dựng nhiều năm qua.
Bốn giờ chiều 3.3, trên đường về trung tâm xã Mỹ Chánh, tận mắt chứng kiến cảnh nhiều người dân các thôn An Mỹ (xã Mỹ Cát), An Xuyên 1, 2, 3 (xã Mỹ Chánh)… ai cũng chở phía sau can nhựa đựng nước ngược về Cát Minh, chúng tôi tự hỏi, nỗi vất vả của người dân Mỹ Chánh rồi sẽ còn lớn đến thế nào khi mùa khô đến.
Để Nhà máy Nước sạch Mỹ Chánh phát huy hiệu quả
Ông Lưu Trọng Đạo, Chủ nhiệm HTX Điện - Nước xã Mỹ Chánh, cho biết: Nhà máy Nước sạch xã Mỹ Chánh được xây dựng từ năm 2002, công suất thiết kế ban đầu là 900m3/ngày đêm, phục vụ cho 3.100 hộ dân thuộc 16 thôn trong xã và hàng trăm hộ dân thôn An Mỹ (xã Mỹ Cát). Tuy nhiên, do thiết kế không đúng kỹ thuật, không đảm bảo mực nước ngầm để bơm nên từ khi đưa vào sử dụng, công trình chỉ khai thác đạt 50% công suất thiết kế, cung cấp nước cho trên dưới 1.000 hộ. Khi mùa khô hạn đến, mực nước ngầm giảm mạnh, công trình chỉ khai thác được 30% công suất thiết kế, số hộ được dùng nước cũng giảm theo. Đó là chưa kể, hệ thống máy bơm liên tục bị cháy, hỏng; khu xử lý nước không có bể lắng để tách phèn theo quy trình, nước khai thác xối trực tiếp vào bể lọc nên bể lọc thường bị tắc nghẽn, khiến chất lượng nước không được đảm bảo, thường bị đục và ố phèn.
Cũng theo ông Đạo, gần đây, Nhà máy xây lại một giếng mới nhưng vẫn chỉ đạt công suất chưa tới 150 m3/ngày đêm, còn ba giếng kia hiện vẫn nằm im không hoạt động nên chỉ cung cấp nước cho khoảng 600 hộ dân các thôn An Lương, An Hoang, Trung Xuân, An Hòa, Thượng An mà thôi; còn hàng ngàn hộ dân của hàng chục thôn khác vẫn phải mua nước để dùng.
Hiện nay, mực nước sông Cạn đang thấp dần, mực nước trong giếng bơm cũng xuống thấp. Đến mùa khô hạn, việc Nhà máy ngừng hoạt động là khó tránh khỏi.
Trao đổi với chúng tôi về giải pháp để khắc phục tình trạng này, ông Trần Văn Sang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, cho biết: Trước mắt, bằng nguồn vốn xã hội hóa, chúng tôi đang có kế hoạch đầu tư 50 triệu đồng để đập Bờ Mun trên dòng Sông Cạn, dài 84m, cao 1,2m, mặt rộng đập 6m, tích nước đảm bảo mạch nước ngầm cho Nhà máy hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, đó chỉ làm phương án chữa cháy trong mùa khô năm nay. Về lâu dài, địa phương cần hỗ trợ kinh phí để đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhà máy hoạt động trở lại và thực sự phát huy hiệu quả.
XUÂN LỘC
Sao các cấp chính quyền không tổ chức đấu thầu khoan giếng cho người dân sử dụng nhỉ. Cơ sở chúng tôi chuyên khoan giếng đá phục vụ nước tưới tiêu, sinh hoạt. Cơ sở khoan giếng đá Thành Lợi ĐC: 305 Nguyễn Thái Học, Quy Nhơn, Bình Định ĐT: 098 344 38 09