Bình Định chỉ có… 1 doanh nghiệp KH&CN
Dù trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp (DN) đang hoạt động như một DN khoa học và công nghệ (KH&CN), nhưng đến nay chỉ có duy nhất Công ty cổ phần Phân bón và Dịch vụ tổng hợp Bình Định (Biffa) được cấp giấy chứng nhận là DN KH&CN.
“Đòn bẩy” sản xuất và thương hiệu
Biffa là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu sản xuất thử nghiệm phân sinh hóa trên nền than bùn Bình Định” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (thuộc Sở KH&CN) thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước. Năm 2000, Biffa phát triển thành DN chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phân bón và dịch vụ đa ngành nghề; trong đó, các sản phẩm chính đều được hình thành từ kết quả ứng dụng đề tài, dự án KH&CN. Đến nay, Biffa đã thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu, như: sản xuất phân bón qua lá Biffa 101, phân hữu cơ Biffa-S từ nguyên liệu bã bùn mía của nhà máy đường Bình Định, công nghệ sản xuất phân bón NPK…
Giai đoạn 2007-2010, DN thực hiện các dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi (Bộ KH&CN); đồng thời thành lập các công ty trực thuộc chủ động tổ chức sản xuất kinh doanh để ứng dụng kết quả của dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa an toàn chất lượng cao tại Bình Định”, đưa ra thị trường sản phẩm gạo an toàn chất lượng cao thương hiệu Vạn Phước; cùng với nhà máy vật liệu xây dựng Bình Phú công suất hơn 20 triệu viên gạch/năm từ dự án “Xây dựng mô hình lò nung liên tục kiểu đứng tiết kiệm năng lượng tại Bình Định”.
Ngày 26.7.2013, Biffa được cấp Giấy chứng nhận là DN KH&CN. Không chỉ làm “đòn bẩy” cho sản xuất, thương hiệu sản phẩm của Biffa trên thị trường cũng ngày càng được khẳng định, sản lượng sản xuất, tiêu thụ tăng 30%. DN đã xây dựng các đăng ký sở hữu trí tuệ cho tên thương hiệu các sản phẩm, giải pháp sáng chế; đồng thời chuyển giao công nghệ cho một số DN ở TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long và Tây Nguyên…
Ông Võ Tuấn Toàn, Giám đốc Biffa, khẳng định: “Chúng tôi xác định, đổi mới công nghệ để phù hợp với tình hình phát triển, đáp ứng nhu cầu thị trường là yếu tố then chốt giúp DN phát triển và tăng trưởng ổn định, tìm được cơ hội phát triển sản phẩm mới, như than sinh học Biochar”.
Năm 2013, Biffa tiếp cận vốn và đầu tư nghiên cứu công nghệ sản xuất than hoạt tính chất lượng cao từ cây bạch đàn rừng trồng; kết quả đã đạt giá trị xuất khẩu hơn 10 tỉ đồng. Đặc biệt, sau khi hoàn thiện công nghệ này, Công ty đã kế thừa và nghiên cứu sản xuất thành công than sinh học Biochar (một loại cacbon hữu cơ sinh học được nhiệt phân ở nhiệt độ thấp để chuyển hóa các phụ phẩm nông lâm nghiệp như vỏ cà phê, trấu, rác thải hữu cơ… thành phân bón sinh học rất tốt cho nông nghiệp). Bộ KH&CN đã thẩm định và hỗ trợ Biffa dự án sản xuất thử.
Nhiều “rào cản” để phát triển DN KH&CN
Theo tiến sĩ Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN, chứng nhận DN KH&CN theo Nghị định 80/2007 ngày 19.5.2007 là chính sách ưu đãi của Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, tạo lập DN. DN KH&CN được hưởng nhiều ưu đãi như miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm, giảm 50% trong 9 năm và hưởng thuế suất thu nhập DN 10%; được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, sử dụng thiết bị nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, sử dụng dịch vụ miễn phí của các cơ sở ươm tạo công nghệ và những ưu đãi, tư vấn sở hữu trí tuệ…
Dù có nhiều ưu đãi hấp dẫn, song cũng không thể phủ nhận những ràng buộc từ các tiêu chí, hoạt động đến cả cơ chế chính sách dành cho DN KH&CN trở thành “rào cản” khiến DN chưa mấy mặn mà. Theo đó, để được công nhận là DN KH&CN, các đối tượng thành lập DN phải hoàn thành ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả KH&CN được sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp thuộc các lĩnh vực: công nghệ thông tin - truyền thông; công nghệ sinh học; công nghệ năng lượng mới; công nghệ vũ trụ và một số công nghệ khác do Bộ KH&CN quy định; chuyển giao công nghệ hoặc trực tiếp sản xuất trên cơ sở công nghệ đã ươm tạo và làm chủ nói trên...
Ông Võ Tuấn Toàn cho biết thêm: “Trong các tiêu chí cấp phép DN KH&CN, quan trọng nhất và khó đạt nhất là thực tiễn ứng dụng sản phẩm KH&CN vào đời sống (với tỉ trọng doanh thu hàng năm của sản phẩm đạt trên 70% so với tổng doanh thu của Công ty)”.
Khó khăn mà ông Toàn đưa ra gặp ở hầu hết DN khi phần lớn DN đều có quy mô nhỏ. Trong khi đó, một DN khác có nhiều sản phẩm phát triển từ các công trình nghiên cứu được tiêu thụ trong và ngoài nước, nhưng không đăng ký DN KH&CN để được hưởng ưu đãi với lý do… ngại thủ tục rườm rà. “Rào cản” này khiến nhiều DN có tiềm lực, hoạt động như một DN KH&CN, vẫn chưa đăng ký thành lập.
“Sở KH&CN đang xây dựng chương trình phát triển DN KH&CN; trong đó ưu tiên các vấn đề về thông tin, tuyên truyền, làm “cầu nối” để các DN tiếp cận công nghệ mới. Trong năm nay, chúng tôi sẽ trình UBND tỉnh xem xét, quyết định để xúc tiến hỗ trợ phát triển DN KH&CN trong tỉnh” - ông Lê Công Nhường cho biết.
THU HIỀN