Trao đổi về bài viết “Quy định làm khó người dân”:
Cần sự phối hợp, đồng tình của các tổ chức, cá nhân
Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung quy định: “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc, áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện”. Luật BHYT sửa đổi, bổ sung cũng nêu rõ: Không thực hiện việc tham gia BHYT tự nguyện riêng lẻ cho người dân kể từ ngày 1.1.2015. Khi cả hộ gia đình tham gia BHYT, mức đóng sẽ được giảm dần từ thành viên thứ 2 trở đi.
Cách xác định thành viên của hộ gia đình như sau: Đối với người sống trong cùng hộ gia đình, không có tên trong sổ hộ khẩu nhưng có đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên thì vẫn thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc của hộ đó. Đối với người có tên trong sổ hộ khẩu nhưng không có mặt tại địa phương và có khai báo tạm vắng từ 12 tháng trở lên theo quy định của pháp luật thì không được tính là đối tượng tham gia BHYT của hộ gia đình đó.
Như vậy, bài viết “Quy định làm khó người dân” - Báo Bình Định số 5646 ra ngày 24.2.2015 - có 2 vấn đề cần trao đổi. Thứ nhất, trường hợp gia đình nêu trong bài viết có 5 người, 3 người thường trú tại xã Cát Hanh (Phù Cát), 2 người đang sinh sống, làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Nếu 2 người sống tại TP Hồ Chí Minh có đăng ký tạm trú trên 12 tháng tại một gia đình ở nơi mình sống thì được mua thẻ BHYT theo hộ gia đình đó tại TP Hồ Chí Minh.
Trong trường hợp 2 người này không đăng ký tạm vắng tại Phù Cát thì phải mua cho tất cả 5 người có tên trong hộ khẩu ở Phù Cát. Trường hợp này, tuy mua thẻ BHYT ở Bình Định nhưng 2 người sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh vẫn được quyền đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở một cơ sở y tế tuyến xã và tương đương hoặc một bệnh viện tuyến huyện và tương đương ở TP Hồ Chí Minh gần nơi sinh sống, làm việc. Khi đó, toàn bộ chi phí khám chữa bệnh của 2 người này sẽ do BHXH Bình Định thanh toán cho BHXH TP Hồ Chí Minh qua phương thức thanh toán đa tuyến.
Thứ hai, Nhà nước khẳng định tính chất ưu việt của chính sách BHYT khi quy định những người già từ 80 tuổi trở lên, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ và cấp miễn phí thẻ BHYT. Nếu chỉ những người thường xuyên đau ốm mua thẻ BHYT thì chính sách BHYT sẽ không còn mang tính cộng đồng, nhân đạo, lấy số đông bù số ít không may bị ốm đau, tai nạn, bệnh tật.
Các nội dung của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung đều hướng đến quyền lợi của người dân tham gia BHYT, với mục tiêu lâu dài là đảm bảo an sinh xã hội. BHXH Bình Định rất mong nhận được sự phối hợp của các tổ chức, cá nhân trong công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, đưa chính sách đi vào cuộc sống.
BẢO HIỂM XÃ HỘI BÌNH ĐỊNH