Giải thưởng Ðào Tấn - Xuân Diệu lần thứ IV (2006 - 2010):
Vài cảm nhận văn chương nghệ thuật
Cứ 5 năm một lần, Bình Ðịnh lại tổ chức xét tặng Giải thưởng Ðào Tấn - Xuân Diệu. Ðược mời tham gia Hội đồng chung khảo giải thưởng lần này, thoạt tiên tôi đã hơi “choáng” khi Ban tổ chức giao cho một thùng to bự, bên trong đựng toàn các tác phẩm văn học đã qua vòng sơ khảo. Ðọc cho hết “thùng chữ” này đã vất vả, lại phải chọn ra, rồi nhận xét từng tác phẩm một, quả là công việc nặng nhọc.
Nhưng, thật lạ, khi bắt đầu đọc “bồ chữ” này, tôi đã cảm thấy hứng thú, rồi cứ như bị hút vào, công việc đọc và ghi chép nhận xét trôi chảy luôn một mạch. Nhận xét đầu tiên là Bình Định thuộc tỉnh “giàu”, khi sở hữu những cây bút văn xuôi có thể khiến các tỉnh khác phải thèm muốn. Với văn học một địa phương, bao giờ số lượng những người làm thơ cũng nhiều hơn các nhà viết văn xuôi. Có thể vì viết văn xuôi mất công hơn, khó hơn, mà xác suất thành công cũng thấp hơn, nên ít người đủ kiên nhẫn để theo đuổi nó. Bình Định có những cây bút truyện ngắn vững tay nghề, nhiều đột phá như Lê Hoài Lương, Nguyễn Mỹ Nữ, Trần Văn Bạn, Trần Thị Huyền Trang…
Khi đọc tác phẩm ở lần xét giải này, tôi lại phát hiện thêm một tác giả văn xuôi Bình Định mà tôi rất trân trọng: Huỳnh Kim Bửu. Anh nhỏ nhẹ kể với chúng ta về văn hóa làng, về mảnh đất An Nhơn bên bờ sông Côn với những trầm tích văn hóa lịch sử chồng chất lên nhau, cứ như chạm vào đâu cũng gặp những tinh hoa của quá khứ, những tinh hoa đang có nguy cơ bị lãng quên, mai một. Quyển “Nơi con sông Côn chảy qua” của Huỳnh Kim Bửu, theo tôi, là một của quý. Và hiếm. Chỉ thật tiếc, và thật buồn, khi giải A được Hội đồng xét giải nhất trí 100% trao cho Huỳnh Kim Bửu, thì anh đã ra đi vĩnh viễn vào ngày mùng 6 Tết Quý Tỵ. Trước anh Bửu, nhà văn Hà Giao cũng đã ra đi khi chưa biết tác phẩm sưu tầm, biên dịch và chú giải về trường ca Bana của mình nhận được Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu. Hai nhà văn đã mất, nhưng tác phẩm của họ thì còn lại. Cũng còn lại, là con đường khó nhọc mà họ đã dấn thân đi, với hy vọng sẽ có những người tiếp bước.
Có một trường hợp khá lạ, và cũng thật đáng tiếc, là cụm tác phẩm hội họa của cố họa sĩ Nguyễn Anh Hộ. Vì sao, có những người mãi khi họ mất đi, ta mới chợt nhận ra tài năng của họ? Như thế có muộn quá không? Serie tranh sơn dầu “Làng bên trời” của họa sĩ Nguyễn Anh Hộ ban đầu được họa sĩ Đặng Mậu Tựu - thành viên Hội đồng xét giải phụ trách mảng Mỹ thuật - xếp vào mức giải Khuyến khích. Lý do: họa sĩ Tựu chỉ nhận được những bức ảnh chụp các bức tranh này, và qua ảnh, thì “màu” các bức tranh gần như “chết” hẳn. Thật khó để thẩm định cho chính xác. Nhưng khi cả Hội đồng cùng được xem những bức tranh này qua máy chiếu hình chính xác màu sắc, thì mọi người đều ồ lên: những bức tranh vẽ những người dân tộc với gam đỏ chủ đạo của họa sĩ Nguyễn Anh Hộ đẹp một cách kỳ lạ! Mọi “tội” làm “xấu” tranh của họa sĩ Hộ là ở… cái máy ảnh. Chắc do nghèo, họa sĩ đã không thể sắm cho mình một cái máy ảnh xịn, nên ảnh chụp không chuẩn màu.
Sau “sự cố” này, đã có vài thành viên Hội đồng đề nghị “chuyển” từ giải Khuyến khích lên thẳng giải A cho serie tranh của Nguyễn Anh Hộ. Nhưng có lẽ do chưa kịp chuẩn bị về tâm lý, nên sau khi bỏ phiếu, tác phẩm Nguyễn Anh Hộ thiếu 2 phiếu để “đạt chuẩn” giải A. Đành phải xếp vào giải B trong sự nuối tiếc của rất nhiều người. Qua việc này, có thể thấy sự công tâm và cả sự cẩn trọng của Hội đồng, và càng thấy Bình Định không thiếu những tài năng nghệ thuật. Nơi suối vàng, cố họa sĩ Nguyễn Anh Hộ - một họa sĩ cam chịu nghèo khổ để theo đuổi nghệ thuật - chắc sẽ hài lòng phần nào. Từ một số trao đổi và lên kế hoạch, chùm tác phẩm “Làng bên trời” sẽ có dịp trình làng tại một phòng triển lãm ở Hà Nội trong năm nay. Dù tác giả đã ra đi vĩnh viễn, nhưng tác phẩm của anh vẫn tiếp tục cuộc hành trình nơi cõi nhân gian, bên Trời và giữa Người.
* * *
Sau cuộc xét giải, mấy anh em thành viên Hội đồng đã nói vui với các anh lãnh đạo tỉnh, là Bình Định đừng tiếc tiền trao giải, nếu số lượng giải thưởng lần này lớn. Không phải tỉnh nào cũng có cơ hội trao nhiều tiền như thế cho một kỳ giải thưởng của tỉnh. Đơn giản, vì phải có người, có tác phẩm xứng đáng đoạt giải, thì mới trao được giải chứ! 3 giải A cho Thơ, 3 giải A cho Văn xuôi, và nhiều giải A cho các bộ môn văn học nghệ thuật khác, đó là niềm tự hào của một vùng đất được mệnh danh là “Đất võ trời văn” như Bình Định. Nó chứng tỏ lực lượng sáng tác của Bình Định là đông và mạnh, điều này quả không dễ để có. Nhưng khi đã có rồi, thì đừng để mất, đừng để mai một.
THANH THẢO
2 ảnh trong bài viết này đều là các tác giả đạt giải B và đều được ông DươngTấn Sinh trao tặng. Nếu như một trong 2 ảnh này được thay bằng các tác giả nhận giải A và được ông Mai Thanh Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng thì sẽ thuyết phục và giá trị hơn rất nhiều.