Cần “mạnh tay” hơn!
Tuần này, một trong những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm là việc đề xuất tăng nặng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT), phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông, cản trở người thi hành công vụ; trong đó, dư luận đặc biệt chú ý đến nội dung đề xuất tịch thu phương tiện vi phạm giao thông liên quan đến việc vi phạm nồng độ cồn, chở quá tải, xe máy đi vào đường cao tốc…
Được biết, năm 2014 là năm lần đầu tiên số người chết vì TNGT ở nước ta giảm xuống mức dưới 9.000 người/năm. Đây được xem là sự chuyển biến tích cực, là kết quả của nhiều giải pháp mạnh được triển khai thực hiện của các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, ngay khi vừa bước sang năm 2015 thì tình hình lại diễn biến phức tạp. Ngay trong mấy ngày nghỉ Tết dương lịch số người thiệt mạng trên các tuyến đường đã tăng đột biến (104 người trong 4 ngày), khiến dư luận không khỏi bất an, cơ quan quản lý lo lắng. Đặc biệt, diễn biến TNGT còn tiếp tục diễn biến rất phức tạp với số người chết vì TNGT đã tăng cao trong dịp Tết Ất Mùi, khi có tới 317 người chết trong 9 ngày, bình quân 35 người/ngày. Theo số liệu thống kê, trong tháng 2.2015 cả nước có gần 800 người chết, gần 1.800 người bị thương vì TNGT.
Trước tình trạng TNGT diễn biến ngày càng có chiều hướng phức tạp, gây nhiều thiệt hại về tính mạng và tài sản, Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng rất cần phải có các chế tài mạnh, quyết liệt để ngăn ngừa hiệu quả hơn. Ủy ban ATGT Quốc gia đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giao Bộ GT-VT phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 171 /2013/NĐ-CP.
Cụ thể, kiến nghị chế tài tịch thu ôtô và tước giấy phép 2 năm nếu lái xe có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1ml khí thở; người vi phạm phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi được cấp lại giấy phép lái xe; chế tài này cũng áp dụng cho cả người vi phạm lái mô tô, xe gắn máy (xe máy điện) và các loại xe tương tự mô tô, xe gắn máy.
Đối với các trường hợp lái ôtô và các loại xe trên đường mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn đến 50mg/100ml máu hoặc đến 0,25 mg/ml khí thở sẽ bị phạt tiền từ 8-15 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 6 tháng; nếu người lái xe có nồng độ cồn từ 50 - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4mg/ml khí thở sẽ phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng và tước giấy phép 1 năm, đồng thời phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi được cấp lại giấy phép lái xe.
Với hành vi lái mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, xe thô sơ trên đường cao tốc (đường chỉ dành cho ô tô), sẽ áp dụng chế tài tịch thu phương tiện.
Với vi phạm xe chở hàng vượt tải trọng trên 150%, chế tài phạt người lái xe 25 triệu đồng/lần vi phạm và áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe trong 1 năm, phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi được cấp lại giấy phép lái xe. Đối với chủ xe là cá nhân sẽ bị phạt 40 triệu đồng/lần vi phạm và 80 triệu đồng/lần vi phạm đối với chủ xe là tổ chức (sẽ bị tịch thu xe nếu không nộp tiền phạt).
Hiện nay, các đề xuất trên đang được trình cho các cơ quan thẩm quyền xem xét, quyết định. Tuy nhiên, qua báo chí và dư luận xã hội điều có thể ghi nhận được là đa số người dân bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ việc các cơ quan chức năng có các biện pháp chế tài “mạnh tay” hơn để lập lại trật tự ATGT, kéo giảm số người chết vì TNGT trên thực tế càng nhiều càng tốt vì đây là một tổn thất rất lớn của xã hội.
H.Đ