An Lão: Nỗ lực ngăn chặn tệ nghi kỵ cầm đồ, thuốc độc
Với những nỗ lực của địa phương trong việc vận động nhân dân thực hiện lối sống văn hóa, đồng thời quản lý, giáo dục trên 30 đối tượng có liên quan đến các vụ việc nghi kỵ cầm đồ, năm 2014, trên địa bàn huyện An Lão không có vụ nghi kỵ cầm đồ, thuốc độc nào nghiêm trọng xảy ra.
Giải thích về tệ cầm đồ, thuốc độc, thượng tá Nguyễn Duy Ánh, Phó Trưởng CA huyện An Lão, cho biết: “Theo quan niệm của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở An Lão, khi nói đến “đồ” là nói đến một điều gì đó mang tính huyền bí dẫn đến chết chóc. Một khi trong gia đình nào đó có người đau ốm hoặc vật nuôi chết thì người nhà nghĩ ngay đến sự không an lành, nghe lời thầy cúng (bà dâu), từ đó dẫn đến nghi ngờ, gây mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân… Việc này nếu không phát hiện sớm và có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi kịp thời thì hậu quả xảy ra là khó lường”.
Chính quyền, cộng đồng cùng nỗ lực
Huyện An Lão có hơn 29.000 người, gồm 3 dân tộc là Kinh, H’re và Bana, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 1/3 dân số. Nhìn chung, đời sống của đồng bào DTTS ở đây vẫn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, còn lưu giữ những tập tục lạc hậu. Đã có một thời gian dài, tệ nghi kỵ cầm đồ, thuốc độc xảy ra ở nhiều thôn, làng vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, mà hệ lụy của nó là những vụ phá hủy tài sản công dân, đánh đập, đâm chém gây chết người, tạo ra nhiều mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ nhân dân…
Thực hiện kế hoạch của UBND huyện An Lão về “Phòng ngừa, ngăn chặn tệ nghi kỵ cầm đồ trong vùng đồng bào DTTS”, năm qua, các ngành chức năng của huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn có hiệu quả tệ nghi kỵ cầm đồ, thuốc độc ở 41 thôn, làng đồng bào DTTS.
Đảng bộ, chính quyền và các hội, đoàn thể ở huyện An Lão có nhiều nỗ lực trong vận động, tuyên truyền, thuyết phục, hòa giải nâng cao ý thức của người dân trong việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng dân cư mang đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Đặc biệt, vai trò của các già làng, các tổ hòa giải ở cơ sở đã phát huy tác dụng tích cực.
Kết quả khả quan
Năm 2014, toàn huyện An Lão có 72% thôn, làng đạt danh hiệu văn hóa, tăng 14% so với năm 2013. Đặc biệt, trên địa bàn huyện không có vụ nghi kỵ cầm đồ, thuốc độc nào nghiêm trọng xảy ra.
Kết quả này đến từ việc người dân địa phương “thấm” các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, nhiệt tình hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, từng bước đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, trong đó có tệ nghi kỵ cầm đồ, thuốc độc trong vùng đồng bào DTTS.
Đây còn là kết quả trực tiếp từ việc huyện An Lão đã tiến hành khảo sát, lập danh sách quản lý, giáo dục 20 đối tượng từng tham gia các vụ nghi kỵ cầm đồ và 12 đối tượng ít nhất có 1 lần bị nghi cầm đồ do có lối sống thiếu chuẩn mực, thường xuyên uống rượu say, phát ngôn bừa bãi gây mâu thuẫn, hiểu lầm trong nội bộ nhân dân.
Năm 2015, huyện An Lão tiếp tục thực hiện có hiệu quả “Đề án phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tệ nghi kỵ cầm đồ trên địa bàn huyện An Lão giai đoạn 2011-2015” và Chỉ thị số 11/CT-HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tư tưởng nghi kỵ cầm đồ trên địa bàn huyện An Lão”.
Già làng Đinh Xuân Bền, ở thôn 2, xã An Hưng, bộc bạch: “Nghi kỵ cầm đồ, thuốc độc là một hủ tục lạc hậu có từ rất lâu đời, ăn sâu tư tưởng của đồng bào DTTS ở huyện An Lão, nhất là trong cộng đồng người H’re. Vì thế muốn xóa bỏ hủ tục này không phải là chuyện một sớm, một chiều mà phải có thời gian để vận động thuyết phục, làm thay đổi ý thức của mỗi người dân”.
HOÀNG NAM QUỐC