Triển lãm mỹ thuật Mừng Đảng, Mừng Xuân thị xã An Nhơn: Tín hiệu vui
Trong các ngày từ 27.2 đến 4.3, tại Nhà văn hóa thị xã An Nhơn đã diễn ra Triển lãm mỹ thuật Mừng Đảng, Mừng Xuân Ất Mùi 2015 (do Phòng VH-TT thị xã An Nhơn thực hiện), với sự góp mặt 26 tác phẩm của 15 tác giả trong và ngoài thị xã, đã để lại ấn tượng đáng ghi nhận.
1.
Triển lãm mỹ thuật Mừng Đảng, Mừng Xuân là hoạt động thường niên của thị xã An Nhơn vào dịp đầu năm mới. Các tác giả mang tranh dự Triển lãm chủ yếu là những họa sĩ chuyên nghiệp, các giáo viên yêu thích hội họa ở thị xã. Bên cạnh đó, Triển lãm còn có sự góp mặt của một số họa sĩ Chi hội Mỹ thuật (thuộc Hội VHNT tỉnh), các sinh viên đang theo học Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Tranh dự Triển lãm có đề tài phong phú, phản ánh nhiều khía cạnh cuộc sống. Trong đó, phong cảnh quê hương được nhiều họa sĩ quan tâm. Quê hương trong tâm thức của mỗi nghệ sĩ luôn sâu nặng và được thể hiện qua tác phẩm, đem đến người xem những đồng cảm đáng ghi nhận. Quê hương là những ký ức tuổi thơ như “Hồn quê” (sơn dầu - Vi Triều), “Tuổi thơ” (sơn dầu - Phạm Thị Huyền). Quê hương cũng ngọt ngào và đầy thi vị với “Hoàng hôn trên hồ Núi Một” (sơn dầu - Quốc Hùng) và ghi dấu văn hóa vùng miền Tây Nguyên với “Dấu ấn Tây Nguyên” (sơn dầu - Chơn Hiền) hay “Huyền thoại Tây Nguyên” (in độc bản - Lê Duy Hồng).
Nền văn hóa Champa từ lâu đã đi vào tiềm thức của người Bình Định nói chung và người An Nhơn nói riêng, không gian văn hóa đó đã được các họa sĩ tái hiện lại với vẻ đẹp huyền bí. Trong các tranh thuộc mảng đề tài này có thể kể đến “Quần thể Champa” (sơn dầu - Quốc Hùng), hay sức sống mãnh liệt của đời sống tâm linh của người Chăm qua các tác phẩm “Lửa thần linh” (sơn dầu - Xuân Quang), “Champa qua góc nhìn thời gian I, II” (sơn dầu - Đình Lữ). Tranh tĩnh vật cũng là đề tài được các họa sĩ yêu thích, nhất là trong những dịp xuân về như “Tĩnh vật” (Thái Hợp), hay chào đón Xuân Ất Mùi với “Ba con dê” (Lê Duy Khanh).
2.
Phần lớn các tác phẩm đạt chất lượng cao, giành được nhiều tình cảm của người thưởng lãm lại là những tác phẩm của những họa sĩ - giáo viên ở An Nhơn. Trong đó, bức “Tĩnh vật” của Thái Hợp đã cho thấy một cây cọ giàu cảm xúc về sắc màu; “Champa qua góc nhìn thời gian I”, “Champa qua góc nhìn thời gian II” của Đình Lữ gợi cho người xem một không gian huyền thoại, một thế giới tâm linh huyền bí xa xưa qua cách sử dụng gam màu trầm và cách xử lý chất liệu một cách nhuần nhuyễn. “Hồn quê” (Vi Triều) và “Tuổi thơ” (Phạm Thị Huyền) với gam màu tươi sáng là sự chăm chút trên từng nét cọ, cũng thể hiện một tình cảm tươi mới, cảm xúc ngọt ngào về tuổi thơ. Điều này cho thấy sự trưởng thành của đội ngũ họa sĩ trẻ ở An Nhơn.
Cùng với đội ngũ họa sĩ tỉnh, các họa sĩ, điêu khắc gia trẻ tuổi của các huyện bạn cũng góp mặt đã làm cho Triển lãm thêm phần phong phú và đa dạng về chất liệu và thể loại, với các gương mặt như Xuân Quang với tác phẩm “Hiphop” (sơn mài ), Trần Vũ Luận với “Mặt trời của mẹ” (đá), Chân dung ngày ấy (nhựa tổng hợp), Xuân Trường với “Mộng xuân thì” (đá). Đây cũng là những nghệ sĩ tuổi đời còn rất trẻ, triển vọng còn tiến xa hơn trên đường nghệ thuật.
3.
Từ một hoạt động đơn lẻ thực hiện mang tính phong trào ở một địa phương, đến nay Triển lãm mỹ thuật Mừng Đảng, Mừng Xuân thường niên của An Nhơn đã lớn mạnh và có sức lan tỏa. Triển lãm không chỉ là nơi gặp mặt họa sĩ của thị xã, mà còn là mái nhà chung của nhiều họa sĩ tỉnh nhà, trưng bày tác phẩm nghệ thuật, thể hiện tình cảm, tâm tư, khát vọng của người nghệ sĩ đối với cuộc sống.
Dù không tránh khỏi những hạn chế, nhưng Triển lãm mỹ thuật Mừng Đảng, Mừng Xuân Ất Mùi được công chúng yêu nghệ thuật quan tâm, có thể xem là tín hiệu vui cho sự phát triển đời sống văn hóa nghệ thuật của vùng đất mệnh danh là “Đất vua” của quê hương Bình Định.
Bùi Thy Tịnh