Tìm hiểu một số thuật ngữ bài chòi
Những năm gần đây, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và Sở VH-TT&DL, Hội đánh bài chòi được phục hồi, ngày càng quen thuộc với lớp trẻ. Thế nhưng, vẫn còn vướng mắc trong số đông lớp trẻ: Một là, tại sao gọi “Hô bài chòi”? Hai là, vì sao còn gọi “Hô thai”? và cuối cùng hiện nay hầu hết gọi “Hát” bài chòi. Tại sao một bộ môn có 3 cách gọi?
Hô bài chòi
Điều dễ hiểu đối với ai đã đến Hội đánh bài chòi đều thấy “anh Hiệu” (Người lên tín hiệu) rút từng thẻ bài, giọng vang cao hô tên để người chơi ngồi trên chòi nhận biết. Ví dụ: “Hô là tứ cẳng nầy!” Hay “Hô là ông ầm nầy!”..., đó gọi là “Hô bài chòi” đúng nghĩa thực tại của nó.
Hô thai
Để khắc phục cái nghèo nàn hô tên thẻ bài chỉ vỏn vẹn trong 5 từ như vừa nói ở trên, sau nhiều năm, các “Hiệu” bài chòi đã chuyển mỗi tên thẻ bài thành 2 vế thơ lục bát.
Ví dụ: Khởi đầu:
“Hai mà một hai a…
Một hai bậu nói rằng không!
Hỏi dấu chân là chân ai đứng bờ sông người hai người!
Hô là tứ cẳng nầy!” (2 người bốn dấu chân)
Vậy là trong 2 vế lục bát ấy đã ẩn chứa tên của một thẻ bài mà trong dân gian gọi cái ẩn đó là “Thai”. Thai trong cụm từ ghép hàm hiểu “Thai nghén”, vì khi anh “Hiệu” mở ra tên thẻ bài thì xem đó như một lần sinh nở. Nhưng không dừng ở đó mà còn gọi “Thai” tiếp đến cả trang thơ lục bát để “Anh Hiệu” kể chuyện dân gian hay bất kỳ nội dung mẩu chuyện nào trong đời sống đều được thai nghén tên một thẻ bài. Ví dụ bài “Giữ gìn khi đẻ chửa” phổ biến kinh nghiệm cho chị em sắp lấy chồng qua nhiều điều khắc khổ phải kiêng cữ không những trong 9 tháng 10 ngày cưu mang mà cả khi đã sinh con. Ấy vậy mà:
“…Lớn lên nó lại khiến hư
Rủ đi lục tỉnh (6 tỉnh Nam bộ thời xưa) muốn từ (bỏ) mẹ cha.
Chữ rằng cốt nhục (xương thịt) sinh ra
Uổng công nuôi dưỡng mẹ cha bồng ẵm bồng
Hô! Là bát bồng nầy!”
Vậy là tên thẻ bài “Bát bồng” được “Thai” trong câu chuyện “Giữ gìn khi đẻ chửa” với cả trang thơ lục bát như đã nói trên. Cũng có ý kiến hỏi trong thời kỳ nầy ngoài gọi “Thai” lại còn gọi “Hô bài chòi”? Đúng vậy! Lúc ấy bài chòi đã đi vào sáng tạo theo hướng diễn xướng thì tùy phút chốc tâm lý người xem nặng về bên nào? Nếu đến Hội bài chòi với mục đích chính bói lộc đầu xuân thì gọi “Thai” và chờ kết quả. Ngược lại có lúc đam mê theo câu chuyện với giọng lên xuống nhặt thưa của “anh Hiệu” trong nhịp trống chiến reo giòn làm trong lòng bừng dậy không khí hội xuân thì nhớ lại mối tình đầu gọi 3 tiếng “Hô bài chòi”. Vậy là sự được, thua, chờ may, tránh rủi của “Thai” ngày một mờ dần, nhường lại sự sáng tạo hấp dẫn cho “Hô bài chòi” định vị mãi đến ngày “Hát” bài chòi ra đời.
Hát bài chòi
Tháng 8.1952, Đoàn Văn công Liên khu V trong đó có bộ phận Bài chòi được Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung bộ thành lập tại thôn Hội Tĩnh, xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân. Sau 2 năm bằng kiểu hô bài chòi “Sân khấu chiếu” (trải chiếu làm biên ranh sân khấu) với nội dung kháng chiến chống Pháp đi phục vụ các chiến trường miền Tây, cuối năm 1954 Đoàn tập kết ra miền Bắc.
Năm 1956, Đoàn thành lập bộ phận nghiên cứu gồm các nhạc sĩ, tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn tiêu biểu bàn phát triển sân khấu bài chòi, trước hết là bằng cách bổ sung các làn điệu dân ca (trong phạm vi Nam Trung bộ) như: Lý thương nhau, Lý năm canh, trong dân ca lao động có Lý đồng nai, Hò kéo lưới v.v… Ngoài ra, các nhạc sĩ như Võ Bài, Văn Cận, Nguyễn Cung Nghinh, Hoàng Lê… từng ấp yêu dân ca quê nhà đã rút chất liệu trong các điệu kể cả các điệu bài chòi bằng phương pháp nhạc Tây phương tạo dựng những bài ca (ca khúc) dân ca mới như Chiêu quân, Trách hoa, Tình duyên cung oán… Tất cả hội nhập với bài chòi tiến lên một sân khấu dân tộc hiện đại. Tuy nhiên, bài chòi vẫn là thế chủ công nhưng đứng giữa sự hỗ trợ đắc lực của đồng đội dân ca nên đã vào chung tên gọi “Hát” - Hát bài chòi. Vì không thể Hô Lý 5 canh, Hô Lý thương nhau…, hoặc một sân khấu mà Hô lẫn trong Hát.
Tóm lại, từ hô tên thẻ bài ở hội phục vụ người chơi ngồi chòi gọi là “Hô bài chòi” đến “Thai” giấu tên thẻ bài trong thơ lục bát, sau đó tồn tại 2 cách gọi “Thai - Hô” rồi lại về “Hô”, cho đến năm 1956 trong bước phát triển sân khấu kịch Hát bài chòi của Đoàn ca kịch Liên khu V đến nay đã thành tên gọi phổ biến trong đại bộ phận khán giả.
(Theo Trang thông tin điện tử Sở VH-TT&DL)