Vì đó là mẹ...
Đến hết cuộc đời, mẹ vẫn là điểm tựa duy nhất và cuối cùng cho những đứa con đã trưởng thành.
1.
Khẽ nâng đứa con trai râu ria đã bạc trong hình hài một đứa trẻ lên 5, bà Đỗ Thị Dĩ (75 tuổi, ở xóm 1, thôn Phú An, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn) xót xa: “Hạnh phúc lớn nhất của tôi là được nhìn thấy nó “đi” trước mình”. Rồi người mẹ ấy nói như thanh minh, mẹ nào không mong con mình sống thọ, hạnh phúc, nhưng nó nằm như vậy đã 40 năm nay. Mình còn khỏe còn lo được, chỉ sợ nay mai già yếu không lo nổi nữa, hoặc chết trước nó, mấy đứa con không chăm em chu đáo thì tội quá.
Bà Nguyễn Thị Thêm bên cậu con trai và đứa cháu nội bị bại não.
“Nó” là đứa con trai út của bà, tên Lê Đức Thương, 43 tuổi, bị bại não khi mới lên 3. Nhưng bà tự đổi buồn làm vui khi nói nhà có bốn đứa con thì ba đều phương trưởng, biết thương mẹ thương em. Nhưng các con còn có cuộc sống riêng của chúng nên bà không muốn phiền. Gắng lo cho “thằng út” đến đâu thì hay đến đó, dẫu căn bệnh tiền đình không còn làm bà hoa mắt, nhức đầu đến mức buông rơi muỗng khi đang đút cháo cho con. Bà thương con bằng cách gắng uống thuốc đều đặn, để có đủ sức chăm thằng út.
2.
Thấy chúng tôi đến, con đầu của anh Nguyễn Thanh Hải, 36 tuổi, ở tổ 23, khu vực 3, phường Trần Phú (Quy Nhơn) ngồi trên xe lăn bập bẹ: “Chơi, chơi”. Bà nội của cháu tên Nguyễn Thị Thêm, giải thích: “Nó nói vậy là mời vào chơi đấy”. Thằng bé nghe vậy lại cười ngây ngô, thi thoảng nghiến răng kèn kẹt, nhớt dãi chảy ướt áo. Vợ anh Hải mất cách đây 4 năm sau cơn đau tim, không kịp đợi đến đợt phẫu thuật tim miễn phí.
Nói đến con trai, cháu nội, bà Thêm khóc: “Lấy vợ sinh con thì đứa đầu bị tật nguyền, sinh đứa con gái sau được mấy năm vợ lại mất. Phải chăng số tui khổ nên con phải khổ theo”. Người con trai vội nói: “Sao má lại trách mình. Hồi giờ tụi con nhờ má chứ nhờ ai nữa. Má buồn, đau xuống đấy thì lấy ai chăm cháu”. Anh Hải hiện làm công nhân thời vụ ở cảng Quy Nhơn, công việc lúc có lúc không. Lúc không có việc, anh làm thuê đủ nghề.
Bà Thêm đã 71 tuổi, đi đứng khó khăn do bị cụt mất một chân, nhưng hàng ngày vẫn phải lo nấu ăn, giặt giũ cho cả nhà, chăm cháu tật nguyền. “Tôi gắng cáng đáng hết việc nhà để thằng Hải lo kiếm tiền nuôi cả nhà. Ngặt nỗi, thằng bé nặng gần 60 cân mà mỗi khi cho ăn đều phải ẵm ngửa nên tay tôi mỏi rã rời”, bà tâm sự.
3.
Với người mẹ, không hạnh phúc nào hơn khi được nhìn thấy con khôn lớn, trưởng thành, và được nhờ con, nhờ cháu lúc xế chiều. Tiếc thay, những người mẹ như bà Dĩ, bà Thêm không thể có được hạnh phúc ấy. Có lẽ, đến lúc xuôi tay nhắm mắt họ khôn nguôi thắc thỏm nỗi lo chúng sẽ ra sao khi không còn điểm tựa là mình.
Tôi vẫn nhớ hoài hình ảnh hai bà mẹ mái đầu bạc trắng ở thị xã An Nhơn ngồi dỗ dành, đút cho con tâm thần từng miếng cơm, ngụm nước. Còn đứa con trai điên loạn chẳng thể phân biệt được nổi ai, khi có nhu cầu bản năng chỉ biết kêu theo quán tính: “Má cơm, má nước”. Rồi khi lên cơn điên hung hãn, lại sẵn sàng kéo tóc, kề dao vào cổ người đã mang nặng đẻ đau. Nhưng bất chấp gánh nặng đeo mang và lời khuyên của mọi người là gửi con vào trung tâm tâm thần, những người mẹ này đã và vẫn ân cần săn sóc con bằng tình mẫu tử. Bởi, như họ đã tâm sự: “Đâu có ai chăm con bằng mẹ. Mẹ nào lại nỡ xa con dù con chẳng biết gì”.
4.
Còn tôi, chợt nghĩ dẫu cho con có trưởng thành khôn lớn bao nhiêu vẫn luôn cần đến mẹ. Về nhà không thấy mẹ lúi húi sau cổng rào hoặc thấp thoáng trong bếp lại thấy bồn chồn, bất an. Mẹ đi đâu dăm bữa nửa tháng, bỗng dưng con thấy lóng ngóng khi chuẩn bị bữa ăn, chẳng biết hũ đường để nơi nào, chai mắm ở đâu vì ngày thường việc đó đều có mẹ lo cho cả. Rồi khi mẹ chẳng còn đủ sức để làm nổi công việc nặng nhọc, chỉ cần nhìn mẹ nằm võng chơi với cháu, con vẫn thấy vững tâm hơn khi có mẹ ở bên. Chỉ cần mẹ lặng im nghe con trút hết những gút mắc, tâm sự ở đời.
Bởi đơn giản vì đó là mẹ. Và con luôn cần mẹ bên đời.
HOÀNG LAN