Sau một giấc mơ
Truyện ngắn của NGUYỄN PHƯƠNG THÁI
Ngoài kia, mấy cụ già hàng xóm đã trở dậy ho húng hắng, tiếng dội nước óc ách, tiếng vo gạo loạt soạt, tiếng bát đĩa va vào nhau… Liên mở to đôi mắt, xoay đầu nhìn quanh, bốn bức tường kín mít, căn gác trọ tối om không tia sáng nào lọt vào trong được. Cô hoàn hồn rồi thở phào nhẹ nhõm: “Thì ra đêm qua chỉ là một giấc mơ!”.
Quy Nhơn trở lạnh, những cơn mưa bất chợt đến bất chợt đi, hệt như đang đỏng đảnh dỗi hờn, làm cho bầu trời u ám mãi không thôi. Cô không ngủ nướng như mọi hôm nữa, cô trở dậy bật điện, khoác thêm chiếc áo ấm bước ra bên ngoài. Cô bắt đầu nhớ lại giấc mơ đêm qua. Đó là “ác mộng”. Và cơn “ác mộng” đó đã ám ảnh cô suốt từ bé đến giờ. Cô lặng nghe cái giá lạnh vô hình đang thấm dần vào da thịt, rồi len lỏi qua từng ngõ ngách đến tận sâu thẳm tâm hồn. Ngoài kia, mưa lại rơi. Tiếng mưa chùng xuống nghe như tiếng đàn lỗi nhịp, rồi tựa như ai đó đang thổn thức. Phải chăng, mỗi khi trời mưa là lúc đó có một thiên thần đang khóc? “Không biết giờ này mẹ có khỏe không? Những đòn roi ngày nào có khiến người nhói đau mỗi khi trở trời?”- Liên thầm nghĩ.
Đêm qua cô lại mơ, mơ một giấc dài về người đàn bà nhẫn nhục và giàu đức hy sinh ấy. Giấc mơ cứ như thật, thật đến nỗi làm cô thấy quặn lòng… Người mẹ bảo các con chạy đi, rồi cố gắng níu chân người cha lại. Không làm gì được, người cha với lấy một khúc gậy thật to, đập thẳng vào đầu người đàn bà khốn khổ. Người đàn bà từ từ ngã xuống đất. Liên chỉ kịp kêu lên hai tiếng “Mẹ ơi!” rồi tỉnh giấc, nhưng hồn vía thì vẫn thất lạc đâu trên mây! “Nếu giấc mơ kéo dài thêm nữa, không biết mình còn chứng kiến thêm cảnh tang thương gì?” - Cô lẩm bẩm.
Bên ngoài, chiếc áo mây xám xịt vẫn vây kín nền trời, khiến cả Quy Nhơn như chìm trong mịt mù và giá lạnh. Liên nghe hơi lạnh bất chợt lùa vào tay áo, cô khẽ rùng mình… Ngược dòng thời gian đưa hồn tìm về quá khứ. Lúc ấy cô là con bé khù khờ, nhút nhát. Và đâu đó hiện hữu bóng dáng của một người đàn bà đang hì hục quay từng thùng nước đổ vào bể một cách cực nhọc. Dưới chiếc nón lá đã gần rách nát, khuôn mặt bà hằn sâu những nếp nhăn. Xách được thùng nước lên khỏi miệng giếng bà thở hổn hển, đưa bàn tay chai sần phồng rộp lau nhưng giọt mồ hôi đang nhễ nhại trên mặt, rồi lại tiếp tục công việc của mình. Chồng bà ở đâu lù lù xuất hiện, đôi mắt hoang dại, mặt hằm hằm dữ tợn, miệng chửi rủa, rồi tiện tay vơ hết mấy thứ cạnh đấy ném thẳng về phía bà. Bà không biết đây là lần thứ mấy trăm lão ấy vô lý như thế. Bà im lặng giả lơ. Khi thùng nước tiếp theo vừa lên khỏi miệng giếng, bà cảm thấy có gì đó đang chảy dài trên đầu rồi lăn xuống mặt, ướt đẫm và nhồn nhột. Cứ ngỡ là mồ hôi nên bà đưa tay lên lau vì sợ làm nhòe mắt, nhưng bà giật điếng người vì trên bàn tay bà toàn là máu. Hoảng hốt bà chỉ kịp kêu lên: “Mấ..y…y… c…on… ơi!..”, giọng đứt quãng, run run đến tội nghiệp. Và máu, và nước mắt, và mồ hôi hòa quyện thành một màu đau đớn làm lem luốc cả mặt mũi bà. Một thanh tre đã xuyên thủng chiếc nón lá và găm vào đầu. Trong nhà chỉ còn ba đứa trẻ, chị Ái, Liên và thằng Út. Thằng Út khóc bù loa lên vì sợ mẹ chết. Chị Ái cuống lên chạy tìm lá bông bay giã với muối cầm máu cho mẹ. Còn Liên, đứng chết lặng một chỗ, chân nó không nhấc lên được, cứ như còn xác mà không hồn, đến khóc nó cũng không khóc nổi. Mãi đến lúc vết thương của Bà Năm được cầm máu, bà không còn rên la nữa nó mới dám lại gần. Hơn bất kì ai nó sợ bà chết, hay chịu bất cứ tổn thương gì, nên nó không dám đối diện và sợ phải đối diện.
Khi vết thương ngoài da chưa kịp lành hẳn và vết thương lòng chưa nguôi ngoai thì trận đòn tiếp theo lại hằn trên da thịt người đàn bà đáng thương ấy. Chẳng biết hôm ấy chồng bà ra ngoài làm gì và gặp ai mà khi về nhà mặt lão lại đầy sát khí. Lão lại gây chuyện bằng cách đập phá đồ đạc trong nhà, và chửi rủa. Lão cứ đập phá, chửi rủa rồi đay nghiến. Cho đã tay, cho sướng miệng, cho thỏa cơn bực bội của riêng lão. Nhà cửa tan hoang như vừa có chiến tranh, mà cuộc chiến ấy chỉ xảy ra với cái gia đình nhỏ bé ấy. Mấy đứa con sợ xanh mặt, nháo nhác, mỗi đứa một nơi tìm chỗ ẩn nấp. Lão túm được vợ, đẩy bà ngã xuống đất. Liên không dám lại gần, nó sợ, rất sợ. Nó chợt thấy mình là đứa con tệ mạt và khốn nạn nhất. Nhưng nó còn quá nhỏ để nghĩ ra cách nào đó có thể làm mẹ nó bớt khổ hơn. Mẹ vẫn thường bảo với tụi nó rằng: Nếu ly dị với người chồng ấy bà sợ tụi nó không cha, chúng bạn chê cười, người đời khinh rẻ. Nên bao nhiêu lần trăng mọc rồi lại lặn, mẹ nó vẫn sống bên người chồng tàn ác và vô lý ấy.
Rồi nó lại mơ, mơ về một gia đình bình yên, hạnh phúc. Đêm sáng trăng năm ấy, Liên không còn nhớ rõ nguyên do tại sao cha nó lại đánh mẹ nó, nhưng hình ảnh mẹ nó lúc ấy vẫn ám ảnh nó suốt. Mãi sau này mỗi khi nhắm mắt lại hình ảnh đó vẫn hiện lên, khiến không ít lần nó phải giật mình hoảng sợ. Mái tóc đen dài của mẹ nó bị cha nó quấn từng vòng trong bàn tay rồi lôi đi, hệt như lôi một con vật, mặc cho bà van xin cha vẫn không buông thả. Tim nó ngừng đập, người nó bất động, chỉ có hai con mắt là trố ra, trợn ngược rồi rưng rưng nước. Nó có cảm giác như mình đang xem phim chứ không phải sự thật, và cảnh quay đó cứ chậm dần, hệt như đang cố tình cho người xem nhìn rõ hơn…
Cơn gió vô tình mang rét mướt ghé ngang qua làm Liên rùng mình trở về với thực tại. Cô không muốn nhớ nữa, vì nhớ cả ngày cũng không hết chuyện về người mẹ đáng thương của cô. Mưa càng lúc càng dày hạt. Liên mở cửa sổ, thò đầu ra ngoài, nhìn mưa rơi. Những hạt mưa cứ chao nghiêng, lả lơi theo chiều gió hệt như chúng đang hòa vào nhau cùng nhảy một vũ điệu hết sức ăn ý. Mưa mang đến cho mỗi người một vùng trời riêng biệt, và với Liên cũng vậy. Nên mỗi khi trời đổ mưa cô lại thấy buồn, một nỗi buồn miên man. Lúc này giấc mơ đêm qua lại hiện rõ mồn một trong trí nhớ, khiến cho nỗi khát khao trong cô lại trỗi dậy. Cô đã mơ, đang mơ, và sẽ mơ một giấc mơ rất dài. Đó chắc chắn không phải là cơn “ác mộng” mà đêm qua cô gặp phải.
N.P.T