Tháp Bánh Ít nằm trong “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời”
Tháp Bánh Ít được đưa vào cuốn sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” của một nhóm tác giả người Anh. Đây cũng là công trình kiến trúc cổ duy nhất của Việt Nam lọt vào cuốn sách này.
Tôn vinh tháp Bạc
Cuốn sách là một công trình của nhiều tác giả, do cây bút chuyên viết về kiến trúc Mark Irving làm Tổng Chủ biên, Quintessence xuất bản (Anh). Các tác giả của cuốn sách, đa phần là những giáo sư, kiến trúc sư, nghiên cứu sinh, những cây bút chuyên viết về kiến trúc đến từ nhiều nơi trên thế giới, đã khảo sát các công trình kiến trúc từ cổ, trung đến cận, hiện đại khắp nơi trên thế giới; từ đó chọn ra các thành tựu kiến trúc vĩ đại nhất của thế giới. Ngoài những công trình kiến trúc quy mô lớn, cuốn sách còn giới thiệu một số công trình kiến trúc thể hiện nét độc đáo của các nền văn hóa như lều yurt ở Mông Cổ hay những căn nhà của những người. Nói vậy để thấy tầm bao quát của cuốn sách này với cả những công trình kiến trúc đã rất quen lẫn những viên ngọc kiến trúc hãy còn ít được biết đến dọc suốt Đông - Tây.
Phần viết về tháp Bánh Ít do Stephen Anthony Murphy, một nhà khảo cổ học, từng làm việc tại Anh, Ireland, Pháp, Thái Lan, Singapore và Nhật Bản, đã nhận bằng Tiến sĩ về khảo cổ học Đông Nam Á tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi, Đại học London, Anh, chắp bút. Phần viết về Bánh Ít nằm ở phần đầu, trong những công trình kiến trúc từ cổ đại đến trước Phục hưng.
Tháp Bánh Ít - viên ngọc quý của kiến trúc Chăm. Ảnh: Đào Tiến Đạt
Giới thiệu về tháp Bánh Ít, cuốn sách viết: “Tháp Bánh Ít, một cụm tháp gồm bốn tháp, còn được biết đến với tên gọi là tháp Bạc, là một trong số những di tích kiến trúc Chăm tiêu biểu nhất hiện tồn. Vương quốc Champa đã có một thời phát triển rất thịnh vượng ở Nam và Trung Việt Nam từ thế kỷ II về sau và đạt đến đỉnh cao trong suốt thế kỷ IX. Tiếp nhận Ấn Độ giáo như quốc giáo, người Chăm cũng tiếp nhận mô hình kiến trúc Ấn Độ để tạo nên một mô hình kiến trúc rất độc đáo tại Việt Nam. Điều này được minh chứng rõ nhất bằng quần thể các kalan (đền tháp) mà tháp Bạc là một ví dụ điển hình. Thật ngữ kalan hàm chỉ ngôi tháp trung tâm của một khu đền và là nơi đặt ở mẫu vật thờ chính - ở đây là tượng thần Shiva của Ấn Độ giáo. Tuy nhiên, do sự suy yếu dần của vưong quốc Chăm từ thế kỷ thứ X trở về sau nên công trình tháp Bạc đã không thể hoàn thiện bằng đường nét sắc sảo của những trụ và cột ốp tuyệt đẹp trong nghệ thuật kiến trúc Chăm giai đoạn sớm. Thay vào đó, tháp Bánh Ít tự giới hạn bằng những mô-típ đơn giản hơn. Tuy thiếu đi sự trang trí hoàn thiện đến tinh xảo nhưng bù lại, tháp lại mang một dáng nét kiến trúc rất độc đáo. Để tạo nên dấu ấn nổi bật này, kalan và tháp yên ngựa gần đó được xây trên đỉnh một ngọn đồi trong khi hai tháp nhỏ hơn được xây thấp hơn ở về phía Nam và phía Đông của kalan. Tiếp đó, phối cảnh ngọn đồi hình bậc thang, tạo hiệu ứng tổng thể như một hình chóp, vừa mang tính biểu trưng của mô hình đền - núi (núi vũ trụ Meru trong Bà La Môn Giáo - P.V). Những cuộc chiến liên miên đã đặt dấu chấm hết cho Vương quốc Chămpa. Khoảng đầu thế kỷ XIII, vương quốc này đã bị Khmer thôn tính” (trang 66).
“…Tất cả những gì còn lại hôm nay là dấu tích của một ngôi đền, những kiệt tác điêu khắc độc đáo và đầy bí ẩn …”
C.Noppe và J.-F.Hubert, Nghệ thuật Việt Nam (2003)
Việc tháp Bánh Ít được đưa vào cuốn sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” là sự tôn vinh xác đáng và một lần nữa khẳng định giá trị độc đáo của tháp Bánh Ít. Về quy mô, đây là cụm tháp có quy mô lớn với nhiều công trình đền đài khác nhau hiện tồn. Về nghệ thuật, ở Bánh Ít, ta vừa gặp tấm áo choàng điêu khắc duyên dáng của phong cách trước, lại vừa xuất hiện các yếu tố đặc trưng của phong cách Bình Định trong nghệ thuật Chăm. Đặc biệt, kiến trúc nằm ở phía Nam tháp chính mái cong dài hình yên ngựa rất độc đáo, như sự mô phỏng ngôi nhà mái dài cổ truyền của cả khu vực Đông Nam Á thời xưa. Ngoài ra, tháp Tháp Bánh Ít còn có ý nghĩa lớn trong việc tìm hiểu mối quan hệ nghệ thuật giữa Việt và Chàm, giữa Indnesia và Chàm.
Để viên ngọc quý của kiến trúc Chăm tỏa sáng
Cuốn sách “1001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” được một Việt kiều Bình Định gửi tặng Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng. Ngay sau đó, chiều 7.3, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã trực tiếp khảo sát tháp Bánh Ít.
Tại quần thể tháp Bánh Ít, Chủ tịch UBND tỉnh đã khảo sát cụ thể từng ngôi tháp trong bốn tháp trong quần thế Bánh Ít, tìm hiểu kỹ về niên đại, nét độc đáo trong kiến trúc của từng ngôi tháp cũng như cảnh quan tổng thể của tháp Bánh Ít; các dấu ấn của từng thời kỳ trùng tu, tôn tạo cũng như các công trình phụ trợ đã và đang được xây dựng tại quần thể di tích này.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng khảo sát tháp Bánh Ít. Ảnh: Hoàng Tuấn
Trao đổi với P.V Báo Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc quy hoạch tổng thể tháp Bánh Ít và quy hoạch này phải thông qua các cơ quan chức năng trong đó có Cục Di sản Văn hóa. Đồng thời, nếu muốn phát huy giá trị độc đáo của ngôi tháp, nhất thiết phải có kế hoạch đầu tư các hạng mục phụ trợ. Có thể nghiên cứu để phục dựng nhà dài để vừa trở thành công trình giới thiệu với du khách về tổng thể 14 tháp Chăm hiện tồn trên đất Bình Định, nhấn mạnh đến việc Bình Định là địa phương duy nhất trong cả nước có không gian văn hóa Chăm với một hệ di tích Chăm từ dân sự đến tôn giáo hoàn chỉnh. Nhà dài cũng sẽ là nơi trưng bày các hiện vật tiêu biểu của văn hóa Chăm. Bên cạnh đó, cần đầu tư thêm các dịch vụ nhằm phục vụ cho du khách khi đến tham quan cụm tháp này...
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cũng cho rằng, thời gian tới, trên cơ sở quy hoạch tổng thề, cần khai thác hợp lý cảnh quan. Trong đó, một số hạng mục phụ trợ có thể nghiên cứu sử dụng chất liệu đất nung để hòa hợp với màu sắc và chất liệu di tích. Bên cạnh đó, nghiên cứu kỹ thuật để gỡ các mảng xi măng trám bên trong lòng tháp nhằm khôi phục vẻ đẹp nguyên gốc của chất liệu gạch mộc trong lòng tháp.
“Tháp Bánh Ít là một công trình kiến trúc quý, hiếm, có giá trị nghệ thuật lớn cần được trân trọng, giữ gìn và phát huy xứng tầm. Đồng thời, phải có kế hoạch quảng bá vẻ đẹp của tháp Bánh Ít nói riêng cũng như không gian văn hóa Chăm Bình Định nói chung một cách thật bài bản, hiệu quả” - Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
LÊ VIẾT THỌ
Tôi đã đến tham quan tháp nhiều lần và rất ngưỡng mộ một công trình cổ kiến trúc rất độc đáo, tuyệt vời do người Chăm để lại. Tháp Bánh ít sau khi tôn tạo đã mất đi tính nguyên vẹn của công trình cổ xưa như: Trước đây trên nóc của tháp có một lỗ trống để lấy ánh sáng và thông gió rất thoáng đã tồn tại hàng nghìn năm. Sau khi tôn tạo bị đổ bê tông bịt kín lỗ trống thì ánh sáng và thông gió không còn nữa, bị ẩm mốc, tối ... cần phải trả lại tính nguyên vẹn ban đầu của nó. Khôi phục vẻ đẹp nguyên gốc của tháp.
Ta nói nhiều rồi nhưng có ai nghe đâu, kiểu hăng hái chọc ngoáy này, hăng hái chọc ngoáy nọ như Bình Định trong mấy năm nay thì chỉ mấy năm nữa nhìn vào các tháp Chàm tưởng là mấy lò gạch