Cồn Chim ký sự
Nằm cách TP Quy Nhơn chừng 15 cây số, xóm Cồn Chim (thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) như một “ốc đảo” lọt thỏm giữa bốn bề xanh ngắt - xanh nước, xanh trời và xanh rừng ngập mặn. Cồn Chim hôm nay đang chuyển mình với bao đổi thay đáng mừng.
Cồn Chim là một dải đất nổi lên cao giữa đầm Thị Nại. Quanh cồn, các loại cây đưng, đước, sú vẹt… sinh sôi, tạo nên một vùng trù phú, màu mỡ cho tôm, cua, cá trú ngụ; cho cò, le le, sếu… quần tụ. “Lúc đầu, một số người đi đánh lưới chọn cồn làm nơi nghỉ chân khi trưa nắng hoặc ẩn nấp khi sóng gió. Dần dần, không ít người chọn đất cồn làm nơi sinh sống, để thuận lợi cho nghề đánh bắt thủy, hải sản”, ông Trần Đức An, Trưởng thôn Vinh Quang 2 khái quát về quá trình hình thành nên xóm Cồn Chim.
Quá khứ hào hùng
“Ốc đảo” cách bờ chừng 5 phút đi đò này mang trong mình một quá khứ đau thương và hào hùng. Theo bà Nguyễn Thị Lành, 67 tuổi- cư dân lâu năm của xóm, đồng thời cũng là người lính tham gia bảo vệ quê hương năm nào - Cồn Chim luôn phải hứng chịu những trận mưa bom, bão đạn của địch mỗi ngày. Hôm nào cũng vậy, sau những chuyến càn quét, rải bom ở các nơi khác, máy bay địch lại bay ngang cồn và nã những loạt đạn, bom cuối cùng xuống mảnh đất nhỏ xíu này. Thế nhưng, sở hữu rừng ngập mặn dày đặc, Cồn Chim trở thành căn cứ địa vững chắc cho cách mạng. Cũng như cây rừng ngày đêm che chở bộ đội, người dân Cồn Chim cũng tham gia cách mạng.
Bà Lành nhớ lại: “Hồi ấy, số hộ ở Cồn Chim không vượt quá con số 30 nhưng ý chí cách mạng thì lớn lao lắm! Hầu hết người Cồn Chim đi làm cách mạng. Không ít người bị địch bắt, bị cạo đầu bôi dầu hắc, rồi phơi nắng, bỏ cho chết khát... Năm 1968, đất Cồn Chim oằn mình chịu đựng nỗi đau khi hàng chục người dân và bộ đội, cán bộ cách mạng bị thảm sát tập thể tại hầm trú ẩn. Nơi đó, ngày nay được chính quyền xây mộ tập thể, trở thành nơi tưởng niệm về sự hi sinh của những người con can trường”.
Quá khứ đau thương và hào hùng một thời còn in đậm ở xóm nhỏ này. Đầu xóm, Bia tưởng niệm liệt sĩ (được tập thể xóm Cồn Chim lập năm 2003) ghi danh 71 người anh hùng xứ cồn đã hy sinh vì độc lập, tự do. Xóm nhỏ còn có hơn 10 hộ là gia đình có công với cách mạng, 16 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong nhiều ngôi nhà, Bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương Kháng chiến, Kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, Giấy chứng nhận thương binh, gia đình liệt sĩ... được treo trang trọng trên tường nhà như là minh chứng cho lòng trung kiên của người Cồn Chim với Tổ quốc.
Vỡ vụn giấc mơ “Hồng Kông 2”
Sau năm 1975, xóm Cồn Chim vẫn vỏn vẹn 30 hộ gia đình. Đến năm 1992, khi điện “vượt” đầm ra với Cồn Chim, số hộ của xóm đã tăng lên trên 100 hộ. Chính sách giao khoán, bảo vệ diện tích mặt nước cũng góp phần tăng số hộ dân của xóm. Người ta vẫn còn kháo nhau câu chuyện: người Cồn Chim bắt rể, có thêm nhân khẩu để được tăng diện tích mặt nước quản lý. Những hồ tôm thay thế dần màu xanh của rừng ngập mặn, bao lấy “ốc đảo”.
Bước sang những năm 1995, 1996, xóm Cồn Chim được người ta ví von là “Hồng Kông 2” bởi sự giàu có, trù phú từ những hồ tôm mang lại. Ông Nguyễn Văn Thơm (58 tuổi) hồi tưởng: “Hồi đó, ai nuôi tôm cũng giàu. Có người thu lãi cả trăm triệu đồng. Đồng tiền kiếm được sao mà dễ đến vô cùng! Cứ nghĩ, đầm còn mênh mông đó, chuyện kiếm tiền từ hồ tôm dễ như trở bàn tay và sẽ còn mãi mãi nên chẳng mấy ai trọng đồng tiền có được. Tụi trẻ vung tiền không suy nghĩ, ai cũng sắm sửa, khoác lên mình vẻ sang trọng”.
Vì mải mê chạy theo lợi nhuận, lợi ích trước mắt, người Cồn Chim quên mất gốc rễ làm nên nguồn tài nguyên trù phú. Hệ sinh thái đã bị hủy hoại. Môi trường bị ô nhiễm gây ra dịch bệnh cho thủy sản. Cây đước, đưng, sú, vẹt... một thời là nơi trú chân của tôm, cua, cá và chim trở thành hình ảnh xưa cũ. Cảnh vay vốn, nợ nần trở thành nỗi ám ảnh của người Cồn Chim.
“Đó chắc hẳn là bài học đắt giá cho bà con xóm cồn. Người dân Cồn Chim nay đã hiểu, không có rừng, không biết khai thác đi kèm với giữ gìn, nuôi dưỡng, kế mưu sinh sẽ kém bền vững. Vậy nên, khi Dự án “Phục hồi sinh thái và khai thác, sử dụng hợp lý nguồn lợi vùng Cồn Chim - đầm Thị Nại” được triển khai vào năm 2004, người dân đã bắt tay vào việc trồng lại rừng ngập mặn. Sau 10 năm, rừng đã xanh, chim đã về trú lại. Những người có tuổi như chúng tôi lại thấy được rừng của tuổi thơ ngày nào. Bây giờ, hơn ai hết, người Cồn Chim luôn ý thức việc giữ lấy màu xanh của rừng ngập mặn”, bà Lành tâm sự.
Đất lành chim đậu
Năm 2008, người Cồn Chim chấm dứt cảnh đi mua từng ghe nước uống chở từ thôn Hội Lộc (xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn). Nước sạch về đến xóm. Sau điện, nước, đầu năm 2015, 200m đường bê tông đầu tiên (với tổng kinh phí hơn 193 triệu đồng) đã được triển khai. Cùng với rừng đã phủ lên màu xanh hy vọng, người dân xóm Cồn Chim háo hức với sự thay đổi của làng xóm khi các công trình cơ bản lần lượt mọc lên. Ngay trên xóm, điểm trường mẫu giáo và tiểu học đã mọc lên để con đường đến trường của trẻ bớt chòng chành.
Người Cồn Chim hôm nay vẫn mải miết với nghiệp mưu sinh của cha ông. “Toàn xóm hiện có 150 ha diện tích mặt nước đầm nuôi trồng xen canh tôm, cá, cua. Một đêm đi biển, người dân xóm Cồn Chim có thể kiếm được vài ba trăm ngàn đồng để chăm lo cho gia đình. Là mảnh đất quanh năm đối mặt với gió bão, đời sống bà con vẫn còn bấp bênh nên chính quyền địa phương ưu tiên các chính sách hỗ trợ sinh kế, chương trình cứu trợ về với xóm”, ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn cho biết.
Từ một xóm cồn hoang sơ với khoảng trăm nóc nhà, hôm nay, Cồn Chim đã có trên 250 hộ dân. Có những người ngày đầu về làm dâu, rể xóm cồn đã rơi nước mắt vì cách trở đò ngang, ngước mắt lên chỉ thấy bốn bề là nước thì nay đã trìu mến gọi “ốc đảo” là quê nhà. 25 năm làm dâu xóm Cồn Chim, đã có 2 mặt con, chị Hồ Thị Dư (46 tuổi) chứng kiến bao đổi thay của xóm. “Như đất lành chim đậu, nhiều gia đình chuyển về xóm định cư. Đêm đêm, mặt đầm quanh xóm rộn ràng với đủ âm thanh của nhịp đánh bắt, mưu sinh. Phụ nữ cũng ra đầm, bám đầm, giúp chồng chăm con. Bữa có bữa không nhưng hầu như đầm chẳng để xóm đói bao giờ”.
“Viên ngọc” xanh đang được đánh thức
Ðược biết, cùng với Cồn Trạng, Cồn Giá và một phần thủy vực tự nhiên ở phía Nam và Tây Nam Cồn Chim thuộc xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận - huyện Tuy Phước, Cồn Chim đã và đang trong quá trình quy hoạch xây dựng để phát triển thành khu du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng chú trọng giữ gìn vẻ hoang sơ của đầm Thị Nại. Ngoài vẻ đẹp hệ sinh thái đa dạng với các loài thủy sản có giá trị cao, thảm cỏ biển ngày càng được phục hồi và phát triển, quần thể các loài chim, cò đặc hữu và các loài chim di trú theo mùa, Cồn Chim còn ở vị trí thuận lợi kết nối với các điểm đến du lịch lân cận như chủng viện Làng Sông, nhà thờ Gò Thị, chùa Linh Phong, đồi cát Nhơn Lý, đảo Hòn Khô… Vẻ đẹp văn hóa - lịch sử một vùng đất, những trải nghiệm các nghề truyền thống của ngư dân vùng đầm phá đang chờ du khách trong và ngoài nước khám phá. Và cư dân xóm Cồn Chim trong tương lai, biết đâu sẽ trở thành hướng dẫn viên, người kể chuyện sinh động cho du khách ghé “ốc đảo” này?
NGUYỄN MUỘI - TRỌNG LỢI