Phù Cát: Kiên quyết “khai tử” lò gạch thủ công
UBND huyện Phù Cát đã và đang chỉ đạo phòng chuyên môn, chính quyền các địa phương lập kế hoạch thực hiện việc xóa bỏ số lò gạch, ngói đất sét nung bằng phương pháp thủ công trên địa bàn huyện theo đúng quy định của UBND tỉnh.
Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2014, toàn huyện Phù Cát còn 22 lò gạch, ngói đất sét nung bằng phương pháp thủ công cần được tháo dỡ và chấm dứt hoạt động, tập trung tại các xã Cát Tân, Cát Nhơn, Cát Minh và Cát Hưng. Trong đó, 5 lò có công suất trên 650 ngàn viên/lò/năm và 17 lò có công suất dưới 650 ngàn viên/lò/năm.
Nghề sản xuất gạch, ngói bằng phương pháp thủ công góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Tuy nhiên, mặt trái của ngành nghề này là gây ô nhiễm môi trường và hàng năm, các lò sản xuất gạch, ngói tiêu tốn hàng chục ngàn mét khối đất sét, hàng ngàn tấn than đá, củi, bổi… để nung gạch.
Thực trạng này dẫn đến tiêu tốn nhiều nguyên liệu đất sét, ảnh hưởng tài nguyên khoáng sản, thay đổi hiện trạng độ phì nhiêu của đồng ruộng; đồng thời, gây thiệt hại về rừng và thảm thực vật. Bên cạnh đó, việc sử dụng than, củi để đốt lò đã thải ra môi trường hàng loạt khí độc hại, rất nguy hiểm cho sức khỏe, môi trường sống, như: lưu huỳnh dioxit, cacbon dioxit hoặc tạo ra những hợp chất hữu cơ có khả năng gây tử vong như metan, benzen và các hợp chất hữu cơ nhân thơm có khả năng gây ung thư.
Để từng bước tiến tới xóa bỏ số lò gạch, ngói nung bằng phương pháp thủ công, huyện Phù Cát đã ban hành văn bản đề nghị UBND xã Cát Minh, Cát Tân, Cát Nhơn, Cát Hưng hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch đất sét nung lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí tháo dỡ lò; hỗ trợ ổn định đời sống người lao động. Đồng thời, giao Phòng LĐTB&XH huyện phối hợp UBND các xã, cùng Trung tâm Dạy nghề huyện hướng dẫn chính sách hỗ trợ học nghề ở địa phương cho người lao động từ các lò gạch thủ công muốn chuyển đổi nghề theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Định đến năm 2020”.
Bên cạnh đó, giao phòng TNMT huyện, cùng các phòng, ban liên quan, UBND các xã tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch, ngói nung; kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý theo quy định. Tăng cường kiểm tra việc cải tạo đồng ruộng kết hợp tận thu đất sét làm nguyên liệu cho sản xuất gạch, ngói; kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định các hành vi vi phạm phương án sử dụng đất. Tổ chức chi trả tiền hỗ trợ tháo dỡ, chấm dứt hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công cho các đối tượng theo quy định.
Mới đây, UBND tỉnh cũng đã quyết định hỗ trợ kinh phí chấm dứt hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn huyện Phù Cát, với số tiền trên 163 triệu đồng, trong đó: kinh phí hỗ trợ tháo dỡ, chấm dứt hoạt động 115 triệu đồng; kinh phí hỗ trợ ổn định đời sống cho lao động hơn 48 triệu đồng. Theo UBND huyện Phù Cát, với nguồn kinh phí này, huyện sẽ tổ chức thực hiện hỗ trợ xóa bỏ các lò gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn theo đúng quy định.
C.LUẬN