Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN: Chồng chéo, bất cập!
Ðược coi là “khoán 10” trong khoa học, “cú hích” trong quản lý tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN), nhưng ngót 10 năm thực hiện Nghị định (NÐ) 115, việc chuyển đổi cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập diễn ra rất chậm.
NĐ số 115/2005/NĐ-CP ngày 5.9.2005 quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc diễn ra vào cuối tuần qua, Bộ KH&CN đánh giá, với tinh thần đổi mới và giao quyền tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tài chính và tài sản, tổ chức bộ máy và nhân lực… nhiều tổ chức KH&CN đã chuyển đổi thành công, khẳng định được vị thế, thương hiệu. Tuy nhiên, việc chuyển đổi vẫn rất chậm, cả nước mới có 488/642 tổ chức KH&CN thực hiện (chiếm 76%), trong khi lộ trình đã kết thúc từ… cuối năm 2013.
Chật vật khi… “ra riêng”
Tại Bình Định, hiện chỉ có Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin (CNTT - thuộc Sở KH&CN) chuyển đổi sang cơ chế tự chủ theo NĐ 115. Năm 2006, Trung tâm chính thức được chuyển đổi, với nhiệm vụ chính là đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực tin học, thực hiện các dịch vụ CNTT và thực hiện các dự án KH&CN hỗ trợ phát triển sản phẩm đặc trưng của tỉnh. “Mục đích chuyển đổi cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN theo NĐ 115 là rất tốt, tạo điều kiện cho những người làm công tác nghiên cứu khoa học phát huy năng lực sáng tạo của mình và dần gắn các sản phẩm khoa học với thị trường; bán sản phẩm để lấy kinh phí trang trải cho hoạt động của đơn vị” - ông Thái Hoàng Uẩn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển CNTT, cho biết.
Cũng theo ông Uẩn, sau khi Trung tâm chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hầu hết sản phẩm nghiên cứu được thương mại hóa thành công; những “rào cản” trong thương mại dịch vụ đã được “cởi trói” khi đơn vị được cấp phép hoạt động như một doanh nghiệp. Không chỉ đào tạo về tin học, Trung tâm còn liên kết với Trường Cao đẳng Y tế Bình Định tổ chức các lớp đào tạo về dược; song đến nay Trung tâm vẫn chưa được đầu tư mạnh tiềm lực, thậm chí chưa có cơ sở hoạt động độc lập. Doanh thu chính của Trung tâm trong hơn 10 năm qua tập trung chủ yếu vào nguồn thu từ đào tạo (mảng đào tạo Aptech); nhưng đã xin dừng vì không còn sức hút.
“Khó khăn lớn nhất là kinh phí, trong khi phần thu từ dịch vụ không nhiều thì Trung tâm không có tài sản độc lập để thế chấp cho các hoạt động nghiên cứu. Chưa được đầu tư mạnh tiềm lực, dù thực tế động thái này phải được thực hiện trước khi quyết định cho đơn vị “ra riêng”, tuy đơn vị duy nhất “trụ” lại với NĐ 115 đến thời điểm này, nhưng chúng tôi vẫn chưa chuyển được qua cơ chế tự chủ hoàn toàn” - ông Uẩn chia sẻ.
Nhiều chồng chéo, bất cập
Bình Định có đến 15 tổ chức đăng ký hoạt động KH&CN. Trong đó, năm 2006, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (thuộc Sở KH&CN) cũng thực hiện NĐ 115, song trước nhiều khó khăn gặp phải, chỉ 3 năm sau đã chuyển sang thực hiện cơ chế khác. Các tổ chức còn lại hầu hết chưa xây dựng được đề án chuyển đổi để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
“Ðể các tổ chức KH&CN chuyển đổi thành công sang cơ chế tự chủ theo NÐ 115, ngoài quyết tâm và nỗ lực của các đơn vị, Nhà nước cần xây dựng và ban hành các chính sách đồng bộ, nhất là tăng cường các điều kiện thuận lợi như xây dựng, triển khai một số chính sách giúp Luật KH&CN sửa đổi đi vào đời sống; cập nhật, gia tăng mức chi thường xuyên; thực hiện cơ chế quỹ KH&CN và khoán chi tới sản phẩm cuối cùng”
Tiến sĩ Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN, cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là hệ thống tiêu chí đánh giá tổ chức KH&CN công lập để làm cơ sở cho việc phân loại chưa được ban hành, dẫn đến lúng túng trong xác định đối tượng thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, doanh thu và nguồn kinh phí hạn hẹp, trang thiết bị thiếu và lạc hậu, số lượng cán bộ có trình độ, năng lực và kinh nghiệm đang dần mai một. Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ tổ chức KH&CN thực hiện quyền tự chủ vẫn chưa thực sự đi vào đời sống.
“Đến nay, vẫn chưa có cơ chế, chính sách trong hỗ trợ các đơn vị thực hiện dịch vụ KH&CN, như đào tạo nhân lực thực hiện dịch vụ KH&CN mới, đầu tư tiềm lực tạo ra sản phẩm mới… Trong khi đó, đầu tư phát triển dịch vụ KH&CN của các đơn vị chưa được chú trọng, còn mò mẫm nên tính cạnh tranh rất yếu” - ông Nhường cho biết thêm.
Ở khía cạnh tự chủ về nhân lực, ông Uẩn tâm tư: NĐ 115 cho phép thủ trưởng tổ chức KH&CN được quyền quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm, cử cán bộ đi công tác nước ngoài, nhưng trên thực tế các đơn vị chưa thực sự được trao quyền “tự quyết” về quản lý nhân lực.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc, các nhà quản lý và khoa học trong cả nước đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể về những chồng chéo, bất cập trong thực hiện NĐ 115, dẫn đến các tổ chức KH&CN khó “đứng vững” trên đôi chân của mình. Trong đó, các quy định pháp luật hướng dẫn nội dung thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm thiếu đồng bộ, thậm chí xung đột nhau. Quyền tự chủ tài chính bị hạn chế trong khuôn khổ định mức chi, không phù hợp với thực tế. Quyền tự chủ về tài sản bị “trói buộc” bởi các quy định về đất đai và quản lý, sử dụng tài sản nhà nước…
Ông Nhường nhấn mạnh, để các tổ chức KH&CN chuyển đổi thành công sang cơ chế tự chủ theo NĐ 115, ngoài quyết tâm và nỗ lực của các đơn vị, Nhà nước cần xây dựng và ban hành các chính sách đồng bộ, nhất là tăng cường các điều kiện thuận lợi như xây dựng, triển khai một số chính sách giúp Luật KH&CN sửa đổi đi vào đời sống; cập nhật, gia tăng mức chi thường xuyên; thực hiện cơ chế quỹ KH&CN và khoán chi tới sản phẩm cuối cùng.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc, bà Keiko Sato, Giám đốc điều phối Danh mục đầu tư-Ngân hàng Thế giới, chia sẻ: Nghiên cứu khoa học có rủi ro rất cao, nhưng lợi ích cũng rất lớn. Trước khi thực hiện quá trình chuyển đổi, phải xác định khả năng tài chính; chất lượng và năng lực cạnh tranh công nghệ của các đơn vị. Các tổ chức KH&CN cần được trao quyền về toàn bộ quá trình cải cách…
THU HIỀN
Nên giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các tổ chức KH&CN, nhưng cũng nên có những điều kiện ràng buộc sự hỗ trợ của ngân sách (đảm bảo tính hiệu quả của sự ứng dụng trong thực tế và đáp ứng % mức thu hồi, khi đem sản phẩm của KH&CN bán ra ngoài xã hội,..). Hiện nay, khối người lợi dụng cái bánh ngân sách này sử dụng một cách vô tội vạ, đề tài vẫn kết luận tốt, nhưng đem ra bán sản phẩm cho xã hội thì bị đánh giá 0 đồng. Theo tôi, tính hiệu quả ở đây là tính đến mức hiệu quả về kinh tế và kỹ thuật chứ không có nghĩa là hiệu quả về mặc xã hội hay nhân văn một cách chung chung. Làm sao để tạo nên những sản phẩm KH&CN thực cho xã hội, nếu cần có thể mất hàng tỷ, nhưng sau đó phải buộc sản phẩm này đem lại tiền lớn hơn nhiều vào những thời gian sau (T'>T) - chứ không, thì tiền của dân rất dễ bị xài một cách đau xót (cũng đã có những lời phát biểu với nhau: tiền chùa, tiền cho xài mất gì không xài: buồn lắm). Cũng xin đề ra những cơ chế hậu kiểm và nếu cần cũng đưa ra trước công lý những con sâu đang ẩn mình trong ....