Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng ở Tây Sơn
Huyện Tây Sơn có trên 1.500 người Bana sinh sống, phân bố ở 7 làng thuộc 3 xã, gồm 5 làng thuộc xã Vĩnh An và làng Cam (Tây Xuân), làng M6 (Bình Tân). Ðồng bào Bana có những nét đặc trưng về văn hóa, trong đó văn hóa cồng chiêng có giá trị đặc biệt trong đời sống tinh thần, luôn gắn với nghi thức các lễ hội truyền thống.
1.
Ngày nay, một số tập tục lạc hậu đã được bà con Bana giản lược hoặc bỏ bớt, dù vậy, tục đánh cồng chiêng trong các dịp lễ hội, ma chay, cưới hỏi là không thể thiếu. Bởi, cồng chiêng là linh hồn cốt lõi trong đời sống văn hóa của người Bana. Điều đáng quan tâm là hiện nay, số cồng chiêng còn lại ở các làng trên địa bàn huyện không nhiều, đa số mỗi làng chỉ còn một bộ, một số làng bị mất hẳn, không còn bộ nào. Nói về thực trạng mua sắm và sử dụng cồng chiêng đối với người Bana ở xã Vĩnh An, ông Đinh Ướp, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, cho biết: “Cồng chiêng thì cơ bản vẫn duy trì, tuy nhiên trước đây nhà nào người ta cũng mua để sử dụng trong gia đình hoặc trong công việc của làng, nhưng hiện nay thì rất ít. Hiện các làng đang mua sắm lại cồng chiêng. Cách đây 4 năm xã có đặt mua một bộ, năm 2013, UBND huyện hỗ trợ xã mua thêm 1 bộ ở Gia Lai. Cồng chiêng này nó có khác hơn so với cồng chiêng cũ, trước đây thì cái cồng có núm, chiêng không có núm, giờ thì cồng và chiêng đều có núm, còn nói về đánh cồng chiêng thì nhiều dịp chứ không phải riêng dịp Tết. Hiện tại, số cồng chiêng cũng như nghệ nhân cồng chiêng không còn mấy người, số người trẻ biết sử dụng cồng chiêng càng hiếm”.
Đến với làng Cam, xã Tây Xuân và làng M6, xã Bình Tân, nơi có gần 100 hộ dân người Bana sinh sống, tìm hiểu về việc sử dụng cồng chiêng trong các dịp lễ hội ở làng, người dân làng Cam cho hay, làng chỉ còn một bộ cồng chiêng phục vụ cho cả làng. Theo già làng Ba Cao, làng M6, có thời gian làng không còn bộ cồng chiêng nào, năm 2013 UBND xã Bình Tân hỗ trợ 25 triệu đồng cho làng mua cồng chiêng mới để bà con trong làng sử dụng trong dịp Tết, lễ hội. Già làng Ba Cao chia sẻ: “Lễ hội, ma chay, múa hát thì phải có nhịp điệu bập bùng của cồng chiêng mới có ý nghĩa. Lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số mà thiếu vắng tiếng cồng chiêng thì cũng mất đi “phần hồn” quan trọng nhất”.
Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại. Do đó, việc bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng là một vấn đề quan trọng trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Bana ở Tây Sơn. Chính vì vậy, năm 2012 huyện Tây Sơn đã hỗ trợ cho các xã như Vĩnh An, làng M6 (xã Bình Tân) để bà con mua mới 1 đến 2 bộ cồng chiêng, góp phần lưu giữ “phần hồn” của đồng bào Bana.
2.
Bảo tồn văn hóa cồng chiêng không chỉ là bảo tồn và phát triển thêm số lượng cồng chiêng mà còn phải bắt đầu từ việc nuôi dưỡng để từ đó thấm sâu vào ý thức người dân, nhất là trong giới trẻ về cái hay, cái đẹp của âm nhạc cồng chiêng trong những hoạt động thường nhật. Muốn làm được điều này thì phải làm tốt công tác bảo tồn “từ gốc”, chú trọng tuyên truyền cho đồng bào các làng, nhất là lực lượng thanh thiếu niên ý thức được giá trị văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình. Hiểu được điều đó, ông Nguyễn Văn Cưỡng, Hiệu trưởng trường THPT Bán trú Tây Sơn đã có sáng kiến đưa văn hóa cồng chiêng vào trường học. “Nhà trường xây dựng đội cồng chiêng cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Vĩnh An, trên cơ sở đó, bộ phận văn hóa, thể dục thể thao của nhà trường tiếp cận và tổ chức thành lập đội cồng chiêng, trong đó, đối tượng tham gia chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số khối 6,7,8. Đây là một hoạt động có ý nghĩa nhằm giữ gìn, phát huy di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, thể hiện tính nhân văn sâu sắc thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác chăm sóc, giáo dục, đào tạo con em người dân tộc thiểu số đang theo học ở trường”, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Cưỡng cho biết.
Thời gian qua, Câu lạc bộ cồng chiêng trường THPT Bán trú Tây Sơn đã đi vào tập luyện và hoạt động, tuy nhiên còn một số khó khăn về kinh phí cũng như tổ chức các kỳ sinh hoạt. Dẫu vậy, những việc làm trên của trường THPT Bán trú Tây Sơn là đáng ghi nhận, nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa cồng chiêng của đồng bào Bana ở Tây Sơn.
HOÀNG CHI