Đi lễ hội ngày nay, đâu rồi “trai thanh gái lịch”?!
Phản ánh, ghi nhận về mùa lễ hội vui Xuân đầu năm Ất Mùi - 2015 này, trên báo chí truyền thông tràn ngập hình ảnh “người Việt xấu xí”. Ống kính phóng viên lẫn các phương tiện chụp ảnh, quay video của người dân đi dự lễ hội đã ghi lại nhiều bức ảnh, đoạn phim có nội dung đáng buồn này.
Cảnh hỗn độn tranh cướp, giẫm đạp lên nhau, đè đầu cưỡi cổ nhau để “xin” lộc; cảnh gây gỗ, ẩu đả với những khuôn mặt đằng đằng sát khí, mình mẩy xăm trổ vằn vện, trong tay lăm lăm hung khí - là cây, gậy, thậm chí là dao!… Lễ hội thu hút mọi người dân, mọi tầng lớp đến, trong số đó có nhiều người trẻ. Điều đáng báo động là, trung tâm của những hình ảnh xấu xí kia lại cũng chính là những người trẻ, cụ thể là nam thanh niên.
Tại Hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) sáng 24.2, những người trẻ la hét ầm ĩ, văng tục, tranh nhau để cướp lộc thánh (là những hoa tre nhuộm màu); sau khi không cướp được thì một số phần tử quá khích đã trút giận: tung gậy, ra đòn với đoàn người bảo vệ kiệu.
Tại lễ hội cướp phết cầu may (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), dù ban tổ chức đã lường trước, không tổ chức màn tung cầu cướp phết nhưng cảnh bạo lực cũng diễn ra. Giữa lễ hội đông đúc, có lẽ vì mâu thuẫn cá nhân, một thanh niên cầm dao truy đuổi một nhóm đối tượng khác khiến nhiều người thót tim, lực lượng an ninh phải vất vả ngăn chặn.
Trong khi đó, cũng tại lễ hội này ở Tam Nông, Phú Thọ (lễ hội cướp phết Hiền Quan), hàng chục trai làng ngực trần, tóc nhuộm, không ngại “phi thân” đi trên đầu, cổ người khác để tranh phết. Ảnh ghi lại nhiều người đã ngất xỉu, bị thương vì tranh giành và bị giẫm đạp.
Tại hội Xuân Đỉnh (Hà Nội), với lý lẽ “đường của thánh, thánh đi”, đoàn người rước kiệu - những người tham gia tổ chức, thực hiện nghi lễ tại lễ hội, đáng lý phải đạo mạo, tôn nghiêm, cư xử đúng mực - đã dùng kiệu đâm vỡ kính ôtô để chắn trên đường dù chủ xe đã xin lỗi, năn nỉ.
Trầm trọng nhất, có lẽ là tại lễ hội Chém lợn (Bắc Ninh), sau khi đao phủ chặt một nhát đứt đôi con vật đáng thương, người trẻ hứng khởi tranh nhau lấy tiền phết máu lợn, để cầu may?!
…
Nhìn ở một khía cạnh bề nổi, nhiều lễ hội từ lớn đến nhỏ ở nước ta đang bị biến tướng. Ở đó mất đi cái không khí vui tươi, hồn hậu, dân dã của một hoạt động hội hè cộng đồng, giảm đi nét nền nã, thâm trầm, thiêng liêng, sâu sắc của những phong tục tập quán truyền thống, thay vào đó, bạo lực lên ngôi.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, với những lễ hội có tục cướp, tranh lộc, trước đây yếu tố tranh, cướp chỉ mang tính tượng trưng. Người nào lanh trí, có sức khỏe hoặc may mắn lấy được lộc (đôi khi lộc được tung lên như kiểu tung cầu và rơi vào tay người đón lấy trước tiên) thì lộc thuộc về họ, tuyệt đối không có chuyện lộc đã rơi vào tay hoặc một người nào đó đã lấy được mà còn bị người khác, nhóm người khác đuổi theo hung hãn đoạt mất.
Dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”. Hiện tượng tranh cướp lộc ở một số lễ hội kể trên, phải chăng phần nào phản ánh bản tính một bộ phận người Việt đang bị méo mó đi, trở nên tham lam hơn, ích kỷ hơn, quyết không để lộc, điều may rơi vào tay người khác, quyết dùng vũ lực, sẵn sàng sát thương đồng loại để đoạt điều may về cho mình?
Thi hào dân tộc Nguyễn Du ngày xưa đã có những câu thơ rất đẹp về chuyện người trẻ đi lễ hội: “Gần xa nô nức yến anh/ Chị em sắm sửa bộ hành du xuân/ Dập dìu tài tử giai nhân/ Ngựa xe như nước, áo quần như nêm…”. Ngày xưa, người trẻ biết thưởng thức văn hóa hội hè đa phần là nam thanh nữ tú, là những người tiên tiến, văn minh, được xem là “văn nhân”. Sự có mặt của họ làm lễ hội đẹp thêm. Còn ngày nay, người trẻ ở lễ hội lại là những phần tử “máu me”, “hầm hố”, quá khích. Lễ hội một phần vì họ mà xấu đi.
Thời đại này là thời đại của công nghệ, mọi thông tin, hình ảnh tốt, xấu đều nhanh chóng lan truyền trên toàn cầu bằng mạng internet. Và, không tránh khỏi, thời gian này, những hình ảnh phản cảm, bạo lực về lễ hội ở Việt Nam chắc chắn đang lan truyền, cả thế giới biết đến.
Nhìn những hình ảnh đó, bạn bè quốc tế sẽ nghĩ gì về lễ hội Việt Nam?
Những người trẻ, chủ nhân của đất nước này, đi lễ hội theo cái cách như vậy, họ sẽ giới thiệu gì về bản thân, về văn hóa dân tộc mình?
KHẢI THƯ