Khơi dậy sức dân nhờ dân vận khéo
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã và đang được nhiều cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện với mong muốn tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy nội lực, sức dân tham gia xây dựng, phát triển KT-XH. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã thật sự tạo được niềm tin trong nhân dân đối với các chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước. Tuy vậy, công tác dân vận trong tình hình mới còn gặp không ít khó khăn, thách thức.
Khơi dậy sức dân
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, thời gian qua, công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt kết quả trên nhiều lĩnh vực. Các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, chỉ đạo kịp thời nắm tình hình và giải quyết những vướng mắc, bức xúc của nhân dân từ địa phương, cơ sở; xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Ban dân vận các cấp đã phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH, giữ ổn định an ninh chính trị, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Theo Ban Dân vận Thị ủy An Nhơn, công tác dân vận nổi bật trong năm 2014 trên địa bàn thị xã là vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đến nay xã Nhơn Lộc đạt 19/19 tiêu chí, hai xã Nhơn Phúc và Nhơn An đạt 15/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 6 - 13 tiêu chí. Chính quyền và các đoàn thể các cấp đã vận động nhân dân tham gia đóng góp sức người, sức của làm chuyển biến bộ mặt nông thôn mới, cụ thể là tự nguyện hiến đất để mở rộng nền đường và làm đường bê tông nông thôn trên 46.482 m2, tham gia đầu tư trên 2 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư 702 triệu đồng phát triển sản xuất. Thu nhập bình quân các xã xây dựng nông thôn mới trong năm 2014 là 20 triệu đồng/người/năm, tăng 4,26 triệu đồng so với năm 2013, điển hình là xã Nhơn Lộc đạt 26,3 triệu đồng/người/năm.
Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Hoài Ân, cho biết: Trong năm qua, hệ thống dân vận, mặt trận và các hội, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tập trung công tác vận động quần chúng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của huyện có nhiều thay đổi, bà con ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả. Năng suất lúa đạt khá cao, trên 50 tạ/ha và sử dụng các giống lúa lai, chăn nuôi theo hướng trang trại, chủ yếu là trâu, bò; phát triển trồng rừng sản xuất và tham gia quản lý bảo vệ rừng.
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Bà Phạm Thị Thanh Hồng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy, thừa nhận: “Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận từng lúc, từng nơi chưa thật sự sâu sát cơ sở; vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện tốt các phương pháp công tác dân vận trong thực thi nhiệm vụ. Việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương hiệu quả chưa cao. Tổ dân vận thôn hoạt động còn khó khăn, có nơi hiệu quả còn hạn chế…”.
Việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương hiệu quả chưa cao. Tổ dân vận thôn hoạt động còn khó khăn, có nơi hiệu quả còn hạn chế…
Bà PHẠM THỊ THANH HỒNG, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy
Theo Ban Dân vận Thị ủy An Nhơn, thị xã đã chọn xã Nhơn An xây dựng điểm mô hình tổ dân vận thôn tại 6 thôn. Qua thời gian ngắn đi vào hoạt động đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế như: Trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy xã về nội dung, phương thức hoạt động của tổ dân vận thôn còn thiếu tập trung, chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức và hoạt động, chủ yếu là thực hiện nhiệm vụ do Ban công tác Mặt trận thôn phân công. Mối quan hệ hoạt động giữa các tổ với nhau và với Ban dân vận Đảng ủy chưa chặt chẽ, còn thiếu sự trao đổi thông tin về nội dung công tác dân vận; các thành viên chưa được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác dân vận; đặc biệt là chưa có quy định cụ thể về kinh phí hoạt động của các tổ dân vận thôn.
Để công tác dân vận ngày càng hiệu quả, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh đề nghị: Tỉnh nên mở lớp đào tạo tiếng Bana để cán bộ làm công tác vận động quần chúng cấp huyện, xã theo học, thuận tiện trong tuyên truyền, vận động bà con dân tộc thiểu số; quan tâm điều chỉnh hệ số phụ cấp hàng tháng đối với chức danh phó trưởng ban dân vận đảng ủy, phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; hỗ trợ phụ cấp hàng tháng cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để động viên, khích lệ và phát huy vai trò của họ trong cộng đồng.
NGUYỄN PHÚC