Sai một li…
Vụ tai nạn đường sắt vừa xảy ra ở Quảng Trị vào đêm ngày 10.3 một lần nữa là lời cảnh báo, đúng hơn là hồi còi báo động, về tình trạng mất an toàn giao thông đường sắt ở nước ta đã đến hồi nghiêm trọng.
Theo thống kê của ngành đường sắt, trong 2 tháng đầu năm 2015 trên cả nước đã xảy ra 86 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm chết 37 người, bị thương 48 người. Trong đó, có 82 vụ do nguyên nhân khách quan, tức là do các phương tiện khác gây ra cho đường sắt. Bên cạnh số người bị chết, bị thương rất lớn như trên, các vụ tai nạn còn gây thiệt hại rất lớn về cơ sở vật chất và các thiệt hại kinh tế khác không thể thống kê đầy đủ.
Có thể lấy thiệt hại từ vụ tai nạn vừa xảy ra ở Quảng Trị cho dễ hình dung. Theo ngành đường sắt, ước tính thiệt hại của vụ tai nạn này là khoảng 23 tỉ đồng gồm chi phí sửa chữa đầu máy, toa xe đoạn đường sắt bị hư hỏng và chuyển tải hành khách từ các đoàn tàu bị ách tắc. Tuy nhiên, ngoài thiệt hại thống kê được thì vụ tai nạn gây thiệt hại vô hình lớn hơn rất nhiều khi hàng chục đoàn tàu chở khách và chở hàng bị đình trệ với gần 3.000 hành khách bị ảnh hưởng, hàng ngàn phương tiện đường bộ bị ùn tắc trên quốc lộ 1 đoạn qua khu vực tai nạn. Điều may mắn kỳ diệu là không có hành khách bị chết, bị thương nặng khi các toa tàu bị lật trong vụ tai nạn này.
Thực tế cho thấy, phần lớn các vụ tai nạn giao thông đường sắt là do các phương tiện khác gây ra tại các điểm giao với đường bộ và chủ yếu là ở các đường ngang dân sinh. Theo quy tắc giao thông thì đường sắt là đường dành riêng cho tàu chạy và cấm tất cả các phương tiện khác; tại các điểm giao cắt tất cả các phương tiện khác phải dừng tránh lưu thông khi có đoàn tàu đang tới hoặc có tín hiệu báo tại những nơi có gác chắn hoặc đèn báo hiệu. Song rất nhiều trường hợp đã không tuân thủ quy định này và hậu quả thì như đã nói. Rất nhiều trường hợp các lái xe ô tô chở khách, chở hàng hóa khi đi qua đường sắt ở những nơi không có gác chắn, nhất là các đường ngang dân sinh tự phát, đã chủ quan khi điều khiển cố vượt qua khi có đoàn tàu đang chạy tới rất gần. Với các trường hợp này, nếu ước lượng sai về tốc độ đoàn tàu hoặc gặp sự cố là dẫn đến hậu quả thảm khốc ngay lập tức.
Với hàng ngàn cây số đường sắt trải dài từ Bắc vào Nam, với vô số đường ngang đồng mức băng qua đường sắt, việc tổ chức gác chắn ở tất cả các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ là điều “bất khả”. Vì vậy, để bảo đảm an toàn thì việc tuân thủ các quy tắc giao thông với đường sắt một cách nghiêm túc và tự giác của mọi người điều khiển tham gia giao thông mang tính quyết định. Nếu không thì việc xảy ra tai nạn sẽ còn tiếp diễn với những hậu quả khôn lường.
Hãy nhớ, đừng để “sai một li...” để rồi đi luôn một cuộc đời thì có hối cũng không để làm gì!
H.Đ