Còn nhiều thách thức trong công tác dân số năm 2015
Ngày 26.2, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc giao chỉ tiêu kế hoạch thực hiện Chương trình DS-KHHGĐ năm 2015. Đây được coi là bước khởi đầu cho hoạt động DS-KHHGĐ năm 2015, vốn được dự báo có nhiều khó khăn, thách thức.
Chỉ tiêu mức giảm tỉ lệ sinh đạt 0,3‰ là một thách thức thật sự với ngành DS-KHHGĐ tỉnh.
- Trong ảnh: Một ca sinh ở BVĐK TP Quy Nhơn.
Điểm đáng chú ý của chỉ tiêu kế hoạch thực hiện Chương trình DS-KHHGĐ năm 2015 là mức giảm tỉ lệ sinh đạt 0,3‰, trong khi chỉ tiêu Trung ương giao chỉ là 0,1‰. Theo Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nguyễn Văn Quang, chỉ tiêu giảm tỉ lệ sinh 0,3‰ đã được đề ra trong Nghị quyết của HĐND tỉnh, chỉ tiêu địa phương đề ra cao hơn mức Trung ương giao cũng là điều bình thường, với mục đích tạo động lực để thúc đẩy công tác DS-KHHGĐ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chỉ tiêu mức giảm tỉ lệ sinh đạt 0,3‰ là một thách thức thật sự với ngành DS-KHHGĐ tỉnh. “Năm 2014, mức giảm sinh chúng ta thực hiện cũng đạt 0,3‰, nhưng theo thời gian việc giảm sinh sẽ càng khó khăn. Bởi, Bình Định đã gần đạt mức sinh thay thế, mức sinh trung bình của chúng ta hiện nay là 2,22 con/mẹ, trong khi mức sinh trung bình lý tưởng là 2,1 con/mẹ”, ông Nguyễn Văn Quang phân tích.
Thêm một thách thức nữa là chỉ tiêu thực hiện các biện pháp tránh thaităng cao. Chỉ tiêu tổng số người thực hiện biện pháp tránh thai năm 2015 là 90.754 người, tăng gần 14.000 người so với năm 2014. Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc đặt ra chỉ tiêu cao cho việc thực hiện biện pháp tránh thai. Đầu tiên, đây là giải pháp chủ chốt để đạt chỉ tiêu giảm sinh trong những năm tiếp theo. Thêm vào đó, tăng đối tượng thực hiện biện pháp tránh thai cũng đồng nghĩa tăng số lượng người được miễn phí khi thực hiện các biện pháp tránh thai. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong tình hình xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ còn nhiều khó khăn.
Những vướng mắc trong quá trình thực hiện xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ đã tồn tại trong một thời gian dài. Trong đó, quan trọng nhất là giá dịch vụ KHHGĐ vẫn chưa được ban hành, khiến các địa phương và cơ sở y tế “bối rối”, không biết thu phí như thế nào mỗi khi người dân không thuộc diện miễn phí có nhu cầu thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Nhiều người công tác trong ngành Dân số hy vọng giá dịch vụ KHHGĐ sẽ sớm được Bộ Y tế ban hành cùng với khung giá dịch vụ y tế mới đang trong giai đoạn bàn thảo.
Chỉ tiêu mức giảm tỉ lệ sinh cụ thể của các địa phương trong năm 2015: TP Quy Nhơn, huyện Phù Cát, huyện Hoài Nhơn (0,2‰); huyện Tuy Phước, huyện Hoài Ân (0,35‰); thị xã An Nhơn (0,1‰), huyện Phù Mỹ (0,3‰), huyện Tây Sơn (0,4‰), huyện Vân Canh (1‰), huyện Vĩnh Thạnh (0,6‰), huyện An Lão (0,8‰).
Sau khi được giao chỉ tiêu kế hoạch thực hiện công tác DS-KHHGĐ năm 2015, Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố đã lên kế hoạch công tác của đơn vị, tham mưu cho UBND cấp huyện giao chỉ tiêu cụ thể xuống cấp xã. Đồng thời, các đơn vị cũng chủ động chuẩn bị thuốc, hóa chất, vật tư để phục vụ cho hoạt động trong năm.
Đến nay, kinh phí hoạt động từ nguồn phân bổ của Trung ương và vốn từ nguồn năm 2014 chuyển sang vẫn chưa được phê duyệt. Tuy nhiên, vốn sự nghiệp của tỉnh đã được phân bổ cho các địa phương, với mức thấp nhất là 72 triệu đồng, cao nhất là 90 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, các địa phương đã và đang tổ chức các hoạt động cần thiết như giám sát tình hình sinh con thứ 3, thăm hộ gia đình, quản lý thai phụ…
“Chúng tôi yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai đầy đủ, đúng tiến độ các hoạt động cần thiết, đồng thời tạm ứng kinh phí để chi trả. Sau khi tất cả các nguồn vốn được phân bổ, sẽ căn cứ vào các quy định tài chính để thanh toán tất cả các khoản chi bắt đầu từ ngày 1.1.2015”, ông Quang khẳng định.
“2015 là năm kết thúc của Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2012-2015. Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng chúng tôi tin tưởng sẽ thực hiện đạt các mục tiêu chiến lược như quy mô dân số, tỉ số giới tính khi sinh, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tỉ lệ giảm sinh… Trong đó, đáng chú ý là theo kết quả cuộc điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014, tỉ số giới tính khi sinh của Bình Định trong giai đoạn 2009-2014 đã giảm, trong khi cả nước vẫn tăng”.
Ông NGUYỄN VĂN QUANG, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ
MAI LÂM