Chuyện giá xăng, điện và bài toán phát triển bền vững
Ngay trong tuần giữa tháng 3, đã có hai sự kiện truyền thông đáng chú ý liên quan đến vấn đề năng lượng được dư luận quan tâm.
Sự kiện thứ nhất là việc hai mặt hàng tiêu dùng thiết yếu là xăng và điện đã được điều chỉnh theo chiều tăng. Giá xăng tăng từ 15 giờ ngày 11.3, với mức tăng khoảng 10%. Đây là lần đầu tiên giá xăng tăng trở lại sau 15 lần giảm giá với mức giảm trên 30% so với thời điểm cao nhất trước đó. Với giá điện, từ ngày 16.3 sẽ được điều chỉnh tăng thêm khoảng 7,5%.
Xăng và điện là hai loại nguyên liệu đầu vào trong cơ cấu giá thành của hầu hết các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; đồng thời cũng là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hàng ngày trong đời sống của toàn xã hội. Theo thông lệ, khi xăng dầu và điện tăng giá có thể khiến nhiều mặt hàng khác cũng tăng theo, sẽ gây ra những tác động dẫn đến tăng chi phí sản xuất, kinh doanh cũng như ảnh hưởng tới đời sống và tâm lý người tiêu dùng. Trong cơ chế thị trường, việc giá cả các hàng hóa, dịch vụ tăng, giảm theo quy luật cung - cầu là chuyện không thể tránh khỏi. Vấn đề đặt ra là các cơ quan quản lý cần có biện pháp tốt để tránh tình trạng “té nước theo mưa” tăng giá các loại hàng hóa bất hợp lý hoặc vô tội vạ sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống dân sinh.
Vấn đề thứ hai là sự kiện Giờ Trái đất 2015 sẽ diễn ra từ 20h30 đến 21h30 ngày 28.3.2015 trên toàn thế giới, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng, hướng đến việc giảm lượng khí thải điôxit cacbon là loại khí gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời qua đó đánh thức sự chú ý của mọi người về ý thức bảo vệ môi trường.
Năm nay, nhà tổ chức đã chọn chủ đề “Tiết kiệm năng lượng - Ứng phó với biến đổi khí hậu” làm thông điệp cho chiến dịch Giờ trái đất 2015. Đây là vấn đề chiến lược mang tính toàn cầu, liên quan đến sự phát triển ổn định, bền vững của mọi quốc gia và cả hành tinh Trái đất của chúng ta. Vì vậy, nếu không tiết kiệm, tiêu dùng năng lượng một cách hợp lý, thông minh thì không chỉ nhanh chóng dẫn đến thảm họa cạn kiệt tài nguyên mà còn gây biến đổi môi trường, làm đảo lộn, thậm chí triệt tiêu sự sống của cả hành tinh.
Vì tương lai phát triển của quốc gia, vì sự sống của hành tinh Trái đất mỗi người hãy hưởng ứng bằng hành động thiết thực tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết vào Giờ Trái đất 2015, diễn ra 20h30 đến 21h30 ngày thứ Bảy (28.3.2015), đồng thời nêu cao ý thức thực hành tiết kiệm điện trong thời gian tới. Việc tiêu dùng tiết kiệm năng lượng nên/phải là việc làm thường xuyên, gắn liền với mọi hoạt động của con người từ đời sống cho đến sản xuất, chứ không phải vì giá tăng hay khi nguồn cung thiếu hụt tức thời.
Tiết kiệm năng lượng chính là sự chung tay, góp sức bảo vệ môi trường trước diễn biến phức tạp của hiện tượng biến đổi khí hậu. Đó cũng chính là lời giải cho bài toán phát triển bền vững của mỗi người, gia đình, địa phương, quốc gia và cả hành tinh của chúng ta.
Hải đăng