Anh “sếp”
* Truyện ngắn của Ðoàn Thị Minh Hiệp
Cứ phải gọi là “anh sếp” mới chịu cơ! Đó là cái cách gọi nhí nhảnh của tôi dành cho sếp của mình, đơn giản và dễ hiểu bởi cách ghép từ theo nghĩa vừa là anh trai vừa là cấp trên, cũng như kiểu người ta vẫn ghép câu nói trong tiếng Anh “no start” có nghĩa là “không sao” ấy mà!
Còn nhớ cái ngày về địa phương ký giấy xác nhận để kết nạp Đảng, nhìn thấy khuôn mặt của “ông chú râu ơi là râu” đáng sợ ấy chỉ cúi đầu mà không dám nói nên lời. Rồi sau đó lại về chính nơi ấy thực tập, sợ ghê luôn cái khuôn mặt hình sự và nụ cười luôn mang một vẻ nhấn nhá đúng điệu lãnh đạo. Vừa sợ nhưng cũng nể, vì chính những câu nói nhắc nhở các bộ phận chuyên môn làm việc của anh ấy. Cơ mà lúc thực tập cứ gọi “chú” mới ghê chứ (vì tuổi anh hơn đúng một con giáp). Ông dượng họ làm bảo vệ ở đó cười khì: “Trời, nó chưa có vợ mà con gọi chi bằng chú tội nó!”. Đố ai mà biết lúc đó cả văn phòng ủy ban các chị và các cô cười thế nào! “Anh sếp” chỉ cười, và chẳng biết anh lúc đó nghĩ gì mà bỏ đi lên lầu trên.
Ký ức hồi thực tập vẫn còn nguyên vẹn đó… Nhớ cái lúc đứng ra đứng vào đến năm vòng mà không dám xin anh chụp hình bàn làm việc, tủ đựng sách pháp luật và thông tin về lịch sử địa phương để làm báo cáo. Ác ghê, thấy mình thấp thỏm đến vòng thứ sáu mới gọi vào hỏi: “Làm gì ngó ra ngó vô ngoài đó vậy?”. Lí nhí mãi mới nói được: “Em muốn chụp hình văn phòng làm hình ảnh cho báo cáo thực tập”. Chụp rồi lại đứng lớ ngớ mà gãi cái đầu (dù không ngứa). Không thèm nhìn lên mình một lần, chỉ hỏi: “Chụp xong chưa sao còn đứng đó?” - “Dạ… Em xin tư liệu về lịch sử địa phương”. Thế thì mới chịu đứng lên lấy cái tập sách ra đưa và dặn cẩn thận là: “Xong trả lại ngay để sau này làm tài liệu soạn lịch sử Đảng bộ phường đó, mất là chết cả anh và em!”. Vội “dạ, dạ” rồi bay vèo về nhà mà tim còn đập mừng hớn hở. Có ai ngờ sau này mình lại chính là cái người lo chỉnh sửa bản in tập lịch sử Đảng bộ ấy nhỉ!
Ngày chia tay đợt thực tập cũng là lúc cơ quan tổ chức mừng ngày “Quốc tế phụ nữ Mùng Tám tháng Ba”. Thế là hiển nhiên nhận được một bông hồng màu vàng. Rồi thì chú phó chủ tịch phường bảo thi xong tốt nghiệp về làm ở văn phòng Đảng ủy vì đang thiếu người. Tôi nhìn anh rồi thộn mặt ra, không ừ, không dạ, không hứa hẹn, còn anh im lặng nhìn tôi đến đáng sợ! Ngày về xin giấy nhận xét địa phương để chuyển đảng viên chính thức, anh cặm cụi ký và tự đóng dấu, cũng cái kiểu không nhìn lên tôi mà nhìn tờ giấy rồi hỏi: “Em đã xin việc ở đâu chưa? Đã tốt nghiệp chưa?” - “Dạ, cuối tháng 5 em mới thi, tháng 6 mới biết kết quả. Em vẫn chưa xin việc, để xem bằng cấp sao đã.” - “Học thì phải tự tin chứ?” - “Dạ, thì em cũng cố gắng được bằng giỏi và hy vọng là thế”…
Cứ nghĩ đến lại buồn cười, nhận bằng tốt nghiệp xong lên cơ quan đi làm, chị làm việc ở văn phòng bàn giao và hướng dẫn nhiệt tình, mà chả biết sao hồi đó sợ anh đến vậy! Mọi thắc mắc có anh ngồi đó mà không dám hỏi, lại gọi và chạy đi hỏi chị làm cũ. Anh cũng thiệt tình không nói câu nào dù biết mình cần sự giúp đỡ, cứ phải hỏi anh mới nói (ác vậy đó!). Rồi được vài tháng là anh bảo “lì mặt rồi”, cứ như anh em, có người đến làm việc thì còn ra sếp ra nhân viên, chứ không là cười giỡn cứ “bé” hoặc “gái” mà gọi thôi. Có làm việc cùng nhau mới hiểu anh khó tính và chu đáo từng li từng tí thế nào. Anh nhắc nhở cách nói chuyện với những người đến làm việc, anh bảo: “Người mà mình tiếp xúc thường là đảng viên, đôi khi họ sẽ chú ý đến cách ứng xử của em mà phản ánh cung cách, thái độ làm việc, tiếp dân của em, nên phải chú ý”.
Anh thường dặn dò chỉ bảo tôi: “Còn công việc thì cần bố trí phân ra làm cho hợp lí, sắp xếp thời gian thật khoa học. Em còn làm kiêm công tác Đoàn cơ quan nên phải linh hoạt chứ!”. Những câu nhắc nhở của anh làm tôi “khôn” hơn tí, phải nói nhờ vậy cũng tiết kiệm được quỹ thời gian và cả tiền xăng xe đi lại nhiều lần của mình.
Còn nhớ như in cái lần mắt mũi đỏ hoe đến cơ quan ngồi khóc thút thít. Anh sếp lên thấy ngay cái mũi đỏ như quả cà chua lặng lẽ bỏ xuống dưới, được dịp khóc lén tôi khóc nỉ non. Anh đợi mãi đến khi tôi ngưng khóc rồi mới đi lên, cầm cái cây củi khô đứng trước mặt mà hỏi: “Ta là bụt đây, tại sao con khóc?”. Đố ai mà không bật cười lúc đó. Thế là cười khì và mếu máo kể chuyện bị mẹ la. Anh cười hiền như người anh trai, vỗ về và trêu: “Gái ơi là gái, sao không lớn nổi vậy em?”.
Tính anh tiết kiệm, cả cái bì thư đựng công văn gửi đến anh cũng để lại ngăn nắp để khi cần dùng như đựng hình thẻ đảng viên gửi cho khỏi mất, cái kẹp giấy rơi anh cũng nhặt bỏ vào hủ, giấy in hỏng anh cũng giữ mặt còn lại làm giấy nháp, những tờ lịch qua ngày thay vì vò bỏ sọt rác, anh dùng kẹp lớn bấm lại thành quyển sổ tay nháp hằng ngày để ngay góc cạnh điện thoại cơ quan, khi có người gọi đến trao đổi là sẵn sàng bút giấy ghi lại nội dung. Tôi học anh cách ăn nói, cách làm việc và cả cách bố trí thời gian và tính cẩn thận. Lần nào phát giấy mời định kỳ họp hàng tháng, được vài ngày anh lại bảo tôi gọi đến các bí thư xem thử đã nhận được giấy mời chưa. Còn giấy mời các hội nghị học tập Nghị quyết, thông tin thời sự hay chuyên đề tư tưởng Hồ Chí Minh… anh yêu cầu phổ biến đến các đảng viên trước hai ngày. Anh bảo: “Gọi trước để nếu các bí thư có quên thì còn có thời gian đi thông báo cho các đảng viên đi đầy đủ”. “Anh sếp” còn cẩn thận bảo tôi lập hẳn một trang danh sách đảng viên tham dự các buổi học và nhập số liệu đầy đủ. Anh bảo đó là căn cứ để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên cuối năm.
Một ký ức mà đến giờ tôi còn thấy biết ơn anh nhiều lắm! Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ, mọi thứ đã chuẩn bị đâu vào đó, ác thay sáng hôm đó mới 4 giờ tôi lại trở chứng đau sốt. Mẹ ba gọi y tá đến rồi đi làm, anh Hai quýnh quáng đợi đến 6 giờ không bớt là đưa đi bệnh viện. Tôi khóc òa, gọi anh mà không nói nên lời, nhờ anh bảo dượng ở cơ quan chuẩn bị nước, anh đem giúp mấy giấy khen xuống, tiền chi bồi dưỡng gửi mấy chị giúp, và hứa nếu 7 giờ hết đau em đến cơ quan. “Anh sếp” ừ nhưng đoán là mọi thứ sẽ lộn xộn lên nếu mình không đến. Cố gắng mãi đến 7 giờ 30 thì tôi cũng đỡ và rán đi đến cơ quan. Anh chỉ cười và bảo: “Ngồi đó dự đi cho khỏe, anh nhờ người khác bưng khay giấy khen và chi bồi dưỡng rồi”. Mắt tròn xoe tôi vừa nhìn anh cười vừa thấy cay cay khóe mắt, lòng ấm áp hơn.
Công việc lu bu đôi lúc tôi phát khóc vì còn phải sắp xếp thời gian đi học, cả những hoạt động xã hội và bên “Câu lạc bộ Nghệ thuật” nơi trường cũ. Anh luôn tạo điều kiện để tôi tham gia, sắp xếp được anh còn phụ tôi làm. Đôi khi có cảm giác làm việc với anh như làm việc với anh trai của mình, thấy vui lắm, kể cho bạn bè nghe về cái “anh sếp” vừa khó tính vừa nguyên tắc nhưng lại biết lắng nghe và luôn quan tâm mình. Giờ ngồi đọc say sưa những câu chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tôi chợt mỉm cười một mình, hóa ra bên cạnh tôi cũng có một tấm gương bự chảng là “anh sếp” đó thôi!
Ð.T.M.H