Nên gia cố để đảm bảo an toàn cho cầu vỉ
Những thanh tre, tấm gỗ trên mặt cầu vỉ (bắc qua sông Lại Giang, nối thôn Vĩnh Phụng 1, xã Hoài Xuân với thôn Ðịnh Công, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn) đã bị gãy, mục nát, chắp nối tạm bợ, rất nguy hiểm cho người qua lại. Người dân địa phương mơ ước một cây cầu kiên cố hơn để an toàn trong việc đi lại hằng ngày.
Hơn 10 năm nay, hàng trăm người dân ở hai xã Hoài Mỹ, Hoài Xuân (huyện Hoài Nhơn) phải “nín thở” mỗi khi qua lại cầu vỉ. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Trước năm 2005, nhiều hộ dân của hai xã Hoài Xuân và Hoài Mỹ tự bỏ tiền, bỏ công sức để làm cầu vỉ nhằm phục vụ cho việc đi lại của mình. Cây cầu có chiều dài hơn 400m, rộng hơn 1m; được ghép lại bằng những thanh tre, thanh gỗ và chằng buộc bằng sợi thép. Do không được kiên cố nên cây cầu này chỉ tồn tại trong mấy tháng mùa nắng.
Theo quan sát của chúng tôi, mỗi ngày có hàng trăm lượt người và phương tiện qua lại trên chiếc cầu Vỉ, với mức phí 2.000 đồng/lượt. Cầu tạm bợ nên cứ mỗi lần qua cầu ai cũng thót tim; chỉ cần một chút bất cẩn là người và phương tiện có thể rơi xuống sông. Cầu tạm bợ, nhưng sử dụng đã lâu năm, lại không được duy tu bảo dưỡng nên nhiều thanh tre, tấm gỗ trên mặt cầu bị gãy, mục nát hay chắp nối tạm bợ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Chị V.T.T, một người dân ở thôn Song Khánh, xã Hoài Xuân, lo lắng: “Tôi qua lại trên cây cầu này đã nhiều lần rồi nhưng đến giờ vẫn cứ nín thở mà đi. Sợ lắm! Nhất là ở đoạn giữa cầu, nước thì chảy phía dưới gây ảo giác, còn mặt cầu thì lùng nhùng, bập bềnh. Đi không cẩn thận là ngã xuống sông liền. Mong sao tỉnh, huyện hỗ trợ, người dân đóng góp tiền, công sức để xây được chiếc cầu chắc chắn, sử dụng lâu dài”.
“Biết là nguy hiểm, nhưng hàng ngày chúng tôi vẫn thường xuyên qua lại cầu vỉ vì đây là con đường ngắn và tiện lợi nhất. Đơn cử, khoảng cách từ xã Hoài Mỹ đến thị trấn Bồng Sơn nếu đi vòng qua xã Hoài Đức phải mất quãng đường gần 8km; nhưng cũng từ địa điểm đó mà đi qua cầu vỉ thì khoảng cách này chỉ còn hơn 4km”, anh Trần Văn Vui, thôn Vĩnh Phụng 1, xã Hoài Xuân, cho biết.
Theo các cán bộ UBND xã Hoài Xuân, mặc dù chưa có thiệt hại về người sau hơn 10 năm sử dụng cây cầu, nhưng nhiều trường hợp tai nạn do té, ngã cả người và phương tiện khi đi qua cầu Vỉ, gây chấn thương và thiệt hại về tài sản cũng không ít.
Để tìm hiểu thêm về việc này, chúng tôi gặp ông Lê Nguyên Hải, cán bộ Văn phòng UBND xã Hoài Xuân, ông Hải cho biết: Cầu vỉ là công trình tự phát của người dân, phục vụ nhu cầu đi lại của họ nhưng không đảm bảo an toàn giao thông. Chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở người dân không nên qua lại trên chiếc cầu tạm bợ này để tránh các trường hợp tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Nhưng nói thật là cũng khó cho dân quá. Còn việc xây dựng một cây cầu vững chắc phải tốn nhiều tỉ đồng. Việc này huyện và các ngành liên quan cũng đã khảo sát, tính toán nhưng chưa khả thi.
Thiết nghĩ, trong khi chờ đợi có một cây cầu vững chắc kiên cố, người dân địa phương nên chủ động trong việc kêu gọi mọi người cùng đóng góp sức người, sức của, tham vấn giới chuyên môn cầu đường để có hướng gia cố, mở rộng cầu sao cho hợp lý, đảm bảo an toàn.
PHÚC LỘC