Nghệ sĩ chạy sô mùa Tết
Trước, trong và cả sau Tết Nguyên đán là mùa hoạt động cao điểm nhất trong năm của giới nghệ sĩ, đặc biệt ở lĩnh vực sân khấu và ca múa nhạc. Thay vì được du xuân, chơi Tết, sum họp gia đình như bao người, nghệ sĩ lại bận bịu với việc tập luyện, biểu diễn ở nhiều nơi, cho nhiều sự kiện, chương trình… Biết rằng hoạt động nhiều có thu nhập, nhưng trên hết vẫn là tình yêu nghệ thuật, sự cống hiến hết mình của nghệ sĩ…
Dịp Tết Nguyên đán những năm gần đây, hội đánh bài chòi được tổ chức nhiều nơi cả trong và ngoài tỉnh, nghệ nhân bài chòi đã hy sinh niềm vui đón Tết để theo sát phục vụ sự kiện.
- Trong ảnh: Quang cảnh hội đánh bài chòi tại Ngày hội Người Bình Định ở TP Hồ Chí Minh lần II - Tết Ất Mùi 2015 (ảnh do hiệu Minh Tuấn cung cấp).
Kín mít lịch diễn
Đã nhiều năm hoạt động trong nhiều lĩnh vực: ca nhạc, tuyên truyền lưu động, hiệu bài chòi, nhưng với ca sĩ Minh Tuấn (Trung tâm Văn hóa tỉnh), dịp Tết Ất Mùi rồi là đợt diễn bận rộn nhất. “Cả ngày mùng 4 biểu diễn phục vụ ở Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn, chiều tối về Quy Nhơn để 3 giờ rưỡi sáng hôm sau đi diễn ở Lễ hội Đồi Mười - Hoài Nhơn, xong việc ở đó vội vã về, đến Cầu Bà Di bắt xe buýt lên Tây Sơn để tham gia tiếp hội đánh bài chòi. Nghỉ 3 ngày sau đó thì lo làm thủ công một số bộ thẻ bài chòi lưu niệm hình quạt bằng tre để mang đi làm quà tặng tại Ngày hội Người Bình Định tại TP Hồ Chí Minh lần II; 4 giờ rưỡi sáng mùng 9, các nghệ nhân khăn gói mang theo bộ chín chòi tre lên đường đi Sài Gòn phục vụ hoạt động hội đồng hương. Tối 12 tháng Giêng về đến Quy Nhơn, tối 13 hát tại chương trình văn nghệ kỷ niệm Ngày Biên phòng toàn dân và Bộ đội Biên phòng, nay rảnh thì… Tết qua lâu lắc rồi!”, Minh Tuấn hóm hỉnh kể.
Những ngày này, sân khấu Nhà hát tuồng Đào Tấn đang rộn ràng, khẩn trương không khí tập luyện. Số là, nghệ sĩ Nhà hát đang tập tiết mục “Quang Trung tiến quân”- tiết mục mở màn chương trình nghệ thuật “Khát vọng trẻ” (do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bình Định và Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức, chào mừng 84 năm Ngày thành lập Đoàn và 40 năm giải phóng Bình Định) sẽ diễn ra ở Quy Nhơn tối 21.3 tới. Vừa bố trí nhân lực, chuẩn bị cho những chương trình, “sô” mới nhận, vừa đảm bảo “tờ” đã ký, tiếp tục mùa diễn Xuân sẽ kéo dài đến hết Giêng, Hai nên nghệ sĩ Nhà hát tuồng Đào Tấn tự mình phải “quên” hẳn Tết đi.
Lịch diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn Tết này gần như không nghỉ ngày nào từ mùng 2 đến nay. NSƯT Gia Thiện, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát, tâm sự: “Gần như năm nào cũng vậy, phục vụ ở chương trình Dạ hội Giao thừa xong, nghệ sĩ được đón Tết chỉ một ngày mùng 1, mùng 2 là bắt đầu ra quân. Trừ bộ phận hành chính, còn lại tất cả 38 nghệ sĩ đều đi diễn. Năm 2015 này Nhà hát có một số diễn viên trụ cột đến tuổi nghỉ hưu, vì vậy, mọi vở diễn, trích đoạn có họ tham gia, nghệ sĩ trẻ không có vai vẫn phải đi theo xem để tiếp cận vở, học vai. Nhà hát có nhiều nghệ sĩ quê gốc ngoài Bắc, các tỉnh miền Trung nhưng từ hồi nào đến giờ chẳng ai có “khái niệm” về quê ăn Tết cả, điều ấy chúng tôi đã quen…”.
Hạnh phúc trong sự bận rộn
Ca sĩ, anh hiệu Minh Tuấn xúc động kể: “Lần thứ 2 tham gia hoạt động Ngày hội Người Bình Định tại TP Hồ Chí Minh, tôi - người vừa mới rời quê hương ngày hôm qua - nhưng nhìn thấy dòng chữ “Tự hào là người Bình Định” được treo ở cổng chào nơi diễn ra, thì lòng xúc động vô cùng. Tham gia ngày hội, chúng tôi được đón tiếp nồng hậu, hô bài chòi trong sự tán thưởng, khích lệ của mọi người, ai cũng tự nhủ phải phục vụ hết mình để góp phần cho ngày hội thành công”.
Tết năm nay là cái Tết thứ 4 các nghệ nhân bài chòi dân gian Bình Định hy sinh niềm vui riêng vì mùa xuân của di sản bài chòi. Bởi lẽ, liên tục từ Tết Nhâm Thìn - 2012, Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn đã duy trì tổ chức hội đánh bài chòi phục vụ người dân vui Xuân. Khoảng mùng 2 khai hội đến “hết mùng”, rồi từ đó duy trì tổ chức định kỳ 3 tối cuối tuần. Đó là hội bài chòi ở Quy Nhơn, còn ở cấp tỉnh, 2 lần tổ chức (năm 2014 và 2015) hoạt động Hội đồng hương Bình Định ở TP Hồ Chí Minh, hội đánh bài chòi đều được “Nam tiến” để giới thiệu, quảng bá; trước đó, lần “Bắc tiến” đầu tiên (tại Hà Nội, Tết 2012), hội đánh bài chòi được Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cùng Sở VH-TT&DL phối hợp tổ chức, giới thiệu đến người dân, du khách thủ đô.
Mỗi dịp Tết cổ truyền, cứ hội đánh bài chòi dân gian Bình Định “đi” đến đâu, dù trong hay ngoài tỉnh, cũng có nghĩa là đội ngũ nghệ nhân gồm hiệu, nhạc công “gác lại” mùa xuân, niềm vui đoàn tụ sau lưng để chăm lo cho di sản của quê hương mình. Cá biệt như các nghệ nhân Nguyễn Thị Đức, Hoàng Việt, Quý Nhất, vừa đóng vai trò chủ lực tại hội đánh bài chòi ở Quy Nhơn (do Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn tổ chức) vừa tham gia ở TP Hồ Chí Minh, sau khi quay về, họ lại tiếp tục điều hành hội ở Quy Nhơn, hỗ trợ cho các nghệ nhân, cộng tác viên trẻ, mới chưa vững nghề bằng.
Tết là dịp thiêng liêng, ai cũng muốn trở về, được ở bên cạnh gia đình, người thân. Biết vậy, nhưng mỗi mùa Tết đến, trên “mặt trận” văn hóa nghệ thuật trong tỉnh, tại các sự kiện, chương trình lớn, nhỏ lại có mặt đông đủ lực lượng nghệ sĩ, nghệ nhân. Bởi, một điều đơn giản, như tâm sự của nghệ sĩ Hoàng Việt: “Ai cũng muốn nghỉ, xả hơi, chơi Tết thì lấy ai diễn, phục vụ nhân dân vui Xuân?!”. Đây không phải là suy nghĩ, thái độ làm việc của một cá nhân, mà là tinh thần chung của các nghệ sĩ trong mùa Tết.
SAO LY