Ði chợ cá chua
Sáng sớm, cái tĩnh mịch của một góc làng quê An Xuyên (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ) bị phá vỡ bởi những thanh âm của “chợ cá chua”. Chợ họp từ tầm chưa nhọ mặt người và tan khi trời vừa hửng sáng. Quanh năm suốt tháng ngày nắng cũng như mưa, chỉ nghỉ đúng ngày mùng Một Tết.
Họp riết rồi thành chợ
Ấy là câu nói đầu tiên của bà Nguyễn Thị Thừa (64 tuổi, thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh) khi nói về chợ cá chua duy nhất ở Phù Mỹ. Mấy mươi năm bươn chải với nghề mua bán cá ở chợ thị trấn Phù Mỹ, bà Thừa bảo Mỹ Chánh là điểm tập kết mua bán đầu mối cá chua hàng buôn đưa từ Đề Gi lên, còn bán lẻ thì đủ khắp trong huyện Phù Cát và Phù Mỹ. “An Xuyên 3 gần biển và ao đìa, lại thuận đường cho người mua bán khắp nơi nên gần chục năm nay cứ nhóm riết, họp riết rồi thành chợ! Bây giờ cứ nói đến chợ cá chua chỉ còn mỗi điểm này”, bà Thừa nói.
Những người mấy mươi năm gắn với nghề chợ như bà Thừa đều bảo, điểm đặc biệt thứ nhất của chợ cá chua là chợ họp tầm chưa nhọ mặt người và tan khi trời vừa hửng sáng. Điểm đặc biệt thứ hai là trước đây, chợ chỉ bán một món hàng duy nhất là cá chua; sau này “ké” thêm các loại tôm, cua, cá, sò; rồi giờ “phình” đến cả hàng la ghim.
Tầm 3 giờ sáng đã bắt đầu nhộn nhịp. Ngã ba đường về An Mỹ (Mỹ Cát) và ra An Xuyên 3 (Mỹ Chánh) - nơi chợ cá chua nhóm họp trở nên chật kín. Các hoạt động bán mua diễn ra dưới ánh đèn nhí được người bán đeo trên đầu, chỉ đủ để người mua kẻ bán xem chất lượng cá và nhìn thấy đồng tiền đưa qua thối lại. Trời mưa rét cũng không làm chợ bớt nhộn nhịp đi. Hàng chục xe máy chở cá vào chợ, nhanh chóng được bốc dỡ, cân đong. Rồi một số cư dân sát lộ bán mua các tạp hóa lục tục mở cửa, cùng với những gánh hàng rong đồ ăn, thức uống từ đâu đổ về khiến chợ cá chua trở nên chật chội và ồn ào náo nhiệt hẳn lên.
Chỉ trong chốc lát, những thùng xốp nằm dọc lối đi đầy ắp cá, tôm các loại. Còn người mua tay giữ chặt những chiếc rổ lớn để đợi mua được mớ cá ngon đưa về các chợ bán lẻ. Mỗi khi khui một thùng cá mới, hàng chục người mua xúm lại. Ai cũng muốn nhanh tay để kịp lấy cá về cho buổi chợ sớm.
Cá chua trở thành “đặc sản” của chợ. Dù bây giờ chợ vẫn chỉ ba hàng cá chua nhưng phần lớn là bỏ mối sỉ nên số lượng cá tiêu thụ mỗi phiên đến vài trăm ký. “Tui bán cá chua chục năm nay rồi. Nhà tít Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) lận nên một - hai giờ sáng đã lục đục dậy xếp đồ, gọi điện thoại cho chủ đìa để bắt cá đưa lên chợ vừa kịp 3 giờ bán tới tảng sáng là hết” - chị Đinh Thị Thiết cho biết.
Đời chợ - đời người
Đường xa, lại cùi cụi đi nửa đêm nên chị Thiết thường đi chung với thím của mình - chị Lê Thị Chín (46 tuổi, cũng ở xã Cát Khánh). Chị Chín đặt mua từ hồi còn cá bột, loại cá nhỏ bằng ngón tay người ta bắt ở đầm đem về hồ nuôi, chờ đến khi lớn lên mới bắt đi bán lại. “Bán cá ở đây chủ yếu là các bạn hàng, biết giá rồi nên cũng không trả treo nữa. Mỗi dịp Tết, tui bán cả mấy tạ cá chớ ít đâu” - vừa cho cá vào bì nylon cho sạch sẽ, chị Chín vừa tâm sự.
Chị Chín bảo, bán lẻ thì nghỉ còn được chứ bỏ mối sỉ đã hứa có hàng rồi thì kiểu gì cũng phải giao đúng hẹn. Ngày nào cũng đưa cá chua lên đây bán, chỉ trừ mùng Một Tết, chứ bão bùng cũng đi tuốt. Thế nên, trong hơn chục năm bán cá chua, giờ mỗi lần nhắc lại đận bị bão quật cách đây vài năm, chị Chín hãy còn rùng mình: “Khuya, xếp cá vào thùng đã thấy gió ầm ầm. Nhưng ngặt cái tối hôm trước đã nhận mối của bạn hàng nên tui vẫn đi. Chất đầy cá lên xe máy rồi đi, đến đoạn đường trống thì gió mạnh lắc cả người lẫn cá ngã chỏng gọng. May mà có thành cầu chắn lại, không thì… Một người qua đường thấy thế mắng: “Sao liều dữ!”. Giờ nghĩ lại tui còn sợ” - trong cái gió còn se lạnh của ngày xuân, chị Chín rù rì kể.
Còn chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết, gắn bó với cá chua suốt 23 năm nay, chỉ nghỉ khi nào ốm nặng và mùng Một Tết chị mới ở nhà. Ngày nào không ra chợ bán cá là chị nhấp nhổm không yên. Có khi nghe điện thoại khách quen đặt mua cá mà đi không được, vừa áy náy, vừa sợ mất đi mối hàng. “Tiền 4 đứa con ăn học phần lớn nhờ từ việc mua đi bán lại con tôm, con cá chua. Bởi thế, mất bữa chợ thử hỏi sao không tiếc, không lo” - chị Tuyết lí giải. Rồi chị vừa nói vừa cười giòn tan: “Một hai giờ sáng, tui đã kéo ông xã dậy chở đi chợ, từ Chánh Thiện đi chợ cá An Xuyên mất 4 cây số chứ ít đâu, để mua kịp hàng tươi; rồi ổng lại chở tiếp lên chợ thị trấn Phù Mỹ hàng chục cây số mới đúng giờ bán sáng. Thiệt khổ! Là do tui không biết đi xe máy”.
Hồi chị Tuyết mới vào nghề mua bán, cá chua giá chỉ 10.000 - 12.000 đồng/kg, giờ bình quân đã trên dưới 100 ngàn đồng, đến mấy ngày Tết vừa qua có lúc “vọt” lên hơn 140 ngàn đồng/kg. Nhưng, nhờ biết tính toán mức tiêu thụ mỗi ngày nên cá chua chị mua bán không khi nào bị ế. Chị bảo, khổ thì khổ lắm, nắng mưa gió bão gì cũng đi mua, đi bán. Nhưng 4 đứa con đều ăn học đến nơi đến chốn, 3 đứa đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định ở thành phố, đứa út đã học đại học năm thứ hai. Chỉ nghĩ tới bấy nhiêu đó, chị thấy mình như khỏe ra. Và cứ vậy, mỗi ngày, chị vẫn đôi giỏ cá chua đầy ắp đi - về, dù qua Tết này chị đã 53 tuổi.
Nhưng bán cá ở chợ An Xuyên thì không chỉ có cánh phụ nữ. Ông Nguyễn Xuân Hạnh (51 tuổi, ở thôn An Mỹ, xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ) là nông dân đa năng, làm đủ thứ: làm nông, làm muối, làm đìa. Riêng nguồn thu nhập từ cá tôm mỗi năm cũng được vài chục triệu đồng, nhờ đó nuôi được đứa con học đại học. “20 năm nuôi cá chua, cũng là từng ấy năm tui đi chợ này. Càng ngày càng thấy thuận tiện cho việc mua bán hơn” - ông Hạnh cho hay.
Ở chợ cá chua này, ông Nguyễn Văn Thành (gần 50 tuổi, ở thôn An Mỹ, xã Mỹ Cát) được nhiều chị em đồng nghiệp gán cho cái tên “Thị Thành” vì ông hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ còn hơn phụ nữ nhưng mua bán khôn khéo chẳng kém ai. Trên tay đưa lên đưa xuống mấy cái đã đón biết con cá chua nó nặng bao lạng, bao cân rồi. Lạ cái, mấy chục năm nhưng chưa bao giờ kẻ mua, người bán ở đây được diện kiến “dung nhan” bà xã ông Thành. Hỏi chuyện, ông cười tình thật: “Hổng phải vì bà xã tui muốn lánh nặng tìm nhẹ, mà do đẻ nhiều quá nên ốm yếu, hay bệnh tật, xe cộ lại không biết cưỡi. Bả ở nhà lo con cái, bếp núc, heo qué còn chưa xong, nói gì sớm hôm bán mua như thế này. Vậy nên, nuôi cá cũng tui, bắt cá cũng tui, mà bán cá cũng tui. Lúc đầu thì cũng dị dị, nhưng bán riết rồi quen, mua bán chứ trộm cắp gì mà sợ”.
Bán cá không phải là “độc quyền” của cánh phụ nữ.
- Trong ảnh: Ông Nguyễn Xuân Hạnh (51 tuổi, ở thôn An Mỹ, xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ) bán cá chua ở chợ An Xuyên.
Chợ mới tương lai
Từ lâu, vấn đề an toàn giao thông và vệ sinh môi trường quanh khu vực chợ cá nhóm trên đường đi qua thôn An Xuyên đã là bức xúc của người dân qua lại. Tuy nhiên, do chưa cân đối được ngân sách nên chợ cá tự phát này hoạt động kéo dài, chưa giải quyết được một cách căn cơ. Vừa qua, UBND tỉnh và UBND huyện Phù Mỹ đã cho chủ trương chuyển chợ cá này đến khu vực mới dưới cầu An Mỹ diện tích 3.500m2, cách đường tỉnh lộ 100m, với tổng kinh phí dự toán khoảng 1 tỉ đồng, nguồn vốn do ngân sách địa phương tự lực.
Theo ông Trần Văn Sang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, hiện nay công trình đã và đang được thiết kế, sẽ khởi công xây dựng vào đầu năm 2015, do UBND xã làm chủ đầu tư. Và như thế, người mua bán cá tôm sẽ có chợ bán mua trong tương lai gần.
Còn bây giờ, ngày nào cũng như ngày nào, chợ vẫn nhộn nhịp, tiếng cười, tiếng nói trong ánh đèn pin nhập nhoạng chỉ đủ soi tỏ mặt người, mớ tôm, mớ cá. Cuộc sống về đêm không bao giờ yên ả với mong ước về một cuộc sống khấm khá hơn.
THU HIỀN- XUÂN LỘC