Sản phẩm game Việt bị đánh cắp, phát hành ở thị trường Trung Quốc?
Nhóm làm game mobile của Việt Nam là BKGM Studio đã “tố” một nhà phát hành có tên Atom Boog đánh cắp sản phẩm của mình, đưa lên chợ ứng dụng Windowsphone của Trung Quốc.
Mượn trụ sở để làm game
Chiều 16.3, trao đổi với phóng viên VietnamPlus, Hồ Nam Khánh, Trưởng dự án Halloween Nightmare cho hay, nhóm BKGM gồm 13 thành viên, ở độ tuổi từ 20-24 tuổi và hầu hết vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trong quá trình ngồi trên ghế nhà trường, một số thành viên đã cùng nhau làm ra các sản phẩm game. Ra trường, tháng 6.2014, họ tụ tập lại thành một nhóm với hi vọng sẽ “làm được điều gì đó,” cho ra đời sản phẩm game của chính mình và có chỗ đứng trên bản đồ game Việt Nam cũng như thế giới.
Quyết tâm ấy lại càng được hun đúc khi trò chơi chú chim đập cánh của chàng trai Nguyễn Hà Đông hồi đầu năm 2014 gây sốt, tạo tiếng vang lớn trong cộng đồng quốc tế, khẳng định trí tuệ Việt trong mảng game mobile vốn rất nhiều đối thủ sừng sỏ.
“Tiền không có, bọn em phải nhờ mối quan hệ, mượn lại tầng 2 tại một ngôi nhà trong ngõ 80 phố Ngụy Như Kon Tum (Thanh Xuân, Hà Nội) làm trụ sở. Cả nhóm đùa nhau tiền lương đã có… bố mẹ cấp. Nhiều khi ‘say’ quá, bọn em ăn mì tôm để làm việc đến khuya,” Lê Việt Hà-một lập trình viên của dự án Halloween Nightmare chia sẻ.
Sau nhiều nỗ lực, nhóm lập trình trẻ cũng cho ra đời game đầu tiên với tên gọi Halloween Nightmare (ý tưởng kịch bản, đồ họa là của Hồ Nam Khánh) vào 27.11.2014. “Đứa con” này ra đời với nhiều kỳ vọng thu hút được người dùng khi nó kết hợp giữa lối chơi thú vị kết hợp với yếu tố rùng rợn và có giải đố.
Đến thời điểm hiện tại, Halloween Nightmare đã thu hút được hơn 20.000 lượt tải trên cả ba hệ điều hành: Android, iOS và WindowsPhone. Và, cả nhóm đã lóe lên tia hi vọng về kinh tế khi có chút ít quảng cáo.
Bị đánh cắp
Niềm vui chẳng tày gang, ngày 6.3 vừa qua, BKGM được thông báo trên chợ ứng dụng WindowsPhone của Trung Quốc có một game giống hệt Halloween Nightmare. Chỉ khác là, nhà phát triển của game này không phải BKGM mà là Atom Boog, tên game cũng được kéo dài thành Halloween Nightmare Adventure. Khi tìm kiếm thông tin về nhà phát triển này, BKGM không nhận được kết quả.
Đáng chú ý, vào thời điểm chiều 16.3, Halloween Nightmare Adventure xếp trong Top 15 game ăn khách nhất trên WindowsPhone ở Trung Quốc.
Khi phóng viên VietnamPlus dùng thiết bị chạy WindowsPhone và vào chợ ứng dụng của hệ điều hành này tìm kiếm tựa game nói trên, kết quả cũng cho ra hai trò chơi với logo giống hệt nhau.
“Ở phiên bản trên WindowsPhone, nhóm em đang miễn phí và không có quảng cáo. Song Atom Boog đã gỡ logo của BKGM, chèn quảng cáo vào game và phát hành tại thị trường WindowsPhone Trung Quốc để thu lợi,” Nam Khánh nói.
Để minh chứng game Halloween Nightmare là “đồ thật,” nhóm BKGM đã đưa cho người viết xem một cuốn tập cũ với nhiều nét vẽ phác họa game của Nam Khánh, thậm chí có những kịch bản còn chưa được sử dụng. “Bằng chứng ăn cắp rõ nhất chính là lời đọc dẫn truyện do thành viên của nhóm em đọc [bằng tiếng Anh-pv] vẫn được giữ nguyên trên Halloween Nightmare Adventure,” Khánh nói.
Để bảo vệ mình, BKGM đã “tố” việc vi phạm bản quyền với Microsoft vào chiều 14.3 và nhận được phản hồi của chợ ứng dụng Windows Store là sẽ xem xét xử lý vào sáng 15.3.
Lỗ hổng sở hữu trí tuệ
Nhóm BKGM cũng cho hay, bên cạnh việc chờ thông tin Microsoft, nhóm cũng đang tìm hiểu xem game Halloween Nightmare bị hack như thế nào bảo vệ mình cũng như chia sẻ với những người làm game Việt.
Trên thực tế, Halloween Nightmare cũng chưa được BKGM đăng ký bản quyền. Lý do mà nhóm đưa ra chính là việc chưa có kinh nghiệm trong vấn đề này. Đây cũng là một lỗ hổng mà không ít doanh nghiệp Việt Nam gặp phải.
Trong một lần trao đổi với phóng viên VietnamPlus, Bộ trưởng Bộ Khoa học Nguyễn Quân từng thẳng thắn cho hay, hiện doanh nghiệp Việt ít quan tâm đến sở hữu trí tuệ hoặc hiểu chưa đúng.
Bởi vậy, để tự bảo vệ mình, các tổ chức, cá nhân cần phải tuân thủ việc sở hữu trí tuệ cũng như bảo vệ mình bằng việc đăng ký bản quyền tác giả. Có như vậy, khi hội nhập trong một sân chơi lớn, doanh nghiệp mới thực sự bình đẳng và bảo vệ được sản phẩm của mình.
Theo Trung Hiền (Vietnam+)