Nông dân được vay đến 500.000 USD để phát triển sáng chế
Trong dự án do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, nông dân có sáng chế mang tính thực tiễn cao có thể vay đến 500.000 USD để phát triển các sản phẩm mới.
Các doanh nghiệp và cá nhân đăng ký tham dự Dự án Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp Việt Nam (VIIP), sau khi giành giải thưởng, sẽ được hỗ trợ theo phương thức "vừa cấp phát tiền, vừa cho vay". Số tiền cấp phát chiếm 30% tổng vốn đầu tư được duyệt nhưng tối đa không vượt quá 250.000 USD, khoản cho vay lên đến 500.000 USD, chiếm 50% tổng vốn đầu tư được duyệt, Thời báo Kinh tế Việt Nam hôm qua dẫn lời bà Phạm Hoàng Ngân, cán bộ dự án VIIP, cho biết.
Dự án VIIP do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với kinh phí hơn 55,6 triệu USD, được thực hiện trong thời gian 5 năm từ 2014 đến 2018. Theo bà Ngân, dự án rất chú trọng đến khả năng ứng dụng rộng rãi của ý tưởng mới, công nghệ mới. Mọi doanh nghiệp nhỏ và vừa, cá nhân và cả nông dân nếu có ý tưởng sáng tạo, muốn nghiên cứu sáng chế đều có thể nộp hồ sơ đăng ký tham gia để nhận được hỗ trợ tài chính. Những hồ sơ nào chứng minh được tính thiết thực của sáng chế sẽ được phê duyệt.
Những tiêu chí để lựa chọn những sáng chế công nghệ được hỗ trợ tài chính gồm: công nghệ đang sẵn có ở Việt Nam, nông dân sẵn sàng và dễ dàng sử dụng, có tiềm năng ứng dụng và làm giảm giá thành, đáp ứng nhu cầu của người dùng có thu nhập thấp.
Bà Ngân cho hay, nông nghiệp và thủy sản là trọng tâm của dự án hướng đến. Nguyên nhân là mức độ đầu tư cho nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp và thủy sản hiện nay không cao dẫn đến tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn rất lớn, sản phẩm bán ra chất lượng thấp, mặt hàng đơn điệu, tính cạnh tranh kém, giá trị thấp. Do vậy đổi mới sáng tạo công nghệ là yếu tố tiên quyết để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và thủy sản, nâng cao đời sống của người dân. Dự án sẽ ưu tiên hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nhằm làm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các loại nông và thủy sản.
Hiện 4 hợp phần của dự án đang được triển khai. Trong đó Hợp phần 1 là phát triển các công nghệ đổi mới với ba nhóm tiểu dự án. Nhóm 1 gồm các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có những giải công nghệ để giải quyết các thách thức phát triển quốc gia, nếu đăng ký sẽ được hỗ trợ theo phương thức cấp phát tiền 100%, mức hỗ trợ tối đa là 700.000 USD. Nhóm 2 là tiếp nhận và nâng cấp các công nghệ hiện có trong nước và toàn cầu phù hợp với Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đăng ký tham gia sẽ được hỗ trợ tối đa 300.000 USD. Nhóm 3 là sáng kiến đổi mới công nghệ cá nhân, nhóm cá nhân trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề với mức hỗ trợ đến 30.000 USD, phương thức hỗ trợ cấp phát 75% kinh phí.
Hợp phần 2 là giai đoạn thực thi mục tiêu nâng cấp, mở rộng quy mô và thương mại hóa các công nghệ đổi mới, trong đó nâng cấp công nghệ, nghiên cứu phát triển công nghệ mới và thương mại hóa sản phẩm. Hợp phần 3 tăng cường năng lực, nâng cấp một số phòng thí nghiệm, chuyển giao kiến thức, đào tạo chuyên gia kỹ thuật, kết nối với các tổ chức toàn cầu cho các cơ quan tham gia thực hiện dự án và một số viện nghiên cứu. Và cuối cùng là Hợp phần 4 quản lý, giám sát và đánh giá dự án.
Thời gian nộp hồ sơ đợt 1 sẽ kết thúc vào ngày 31/3 năm nay, sau đó sẽ nhận hồ sơ đợt 2, theo bà Ngân.
Các sáng chế nhiều triển vọng của nông dân
Trong số hàng trăm ý tưởng nghiên cứu, những thành công trong sáng chế được gửi đến VIIP có một số sáng chế tiêu biểu của các nông dân, hứa hẹn mang lại giải pháp hiệu quả cho ngành chế biến nông thủy sản thời gian tới.
Anh Nguyễn Kim Chính ở Phù Cát, Bình Định, có sáng chế máy tuốt lạc. Máy tuốt này kết cấu đơn giản, gồm 2 trục lô bằng sắt có các gân xoắn, có thể điều chỉnh khoảng cách hai trục này tùy theo kích cỡ quả lạc. Máy khi hoạt động không bị sót hoặc vỡ hạt do số lượng và độ xoắn của gân được bố trí phù hợp. Máy có thể tuốt được 200 kg quả lạc/giờ, tương đương 5 lao động bóc thủ công. Giá thành ở mức 6 triệu đồng/chiếc. Hiện anh Chính vẫn đang cải tiến các sản phẩm khác nhằm thuận lợi hóa công việc của nhà nông.
Anh Nguyễn Huấn, công tác tại Phòng kinh tế thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp có sáng chế hệ thống tách chất thải, chất cặn bã trong ao nuôi cá tra công nghiệp. Anh Huấn nghiên cứu và áp dụng nguyên tắc "môi trường tĩnh", tạo một hố miệng hình chữ nhật, hình vuông hoặc tròn, dạng hình phễu có đáy nhỏ, sâu 1,5m ở giữa ao. Hố này chiếm 5- 8% diện tích ao nuôi, trên bề mặt dùng lưới ngăn không để cá rơi vào. Nước được cấp theo dòng xoáy theo thiết kế ống dẫn nước quanh ao, chất thải được lắng tụ ở giữa ao nhờ bể chứa giữa đáy và được dẫn ra ngoài qua đường ống dẫn ở giữa ao. Chất thải trong quá trình nuôi cá tra, các chất bùn, phù sa qua quá trình bơm nước từ bên ngoài vào sẽ được lắng tụ ở hố trung tâm, giữa đáy ao nhờ lực hướng tâm của dòng chảy. Phương pháp này tiết kiệm lưu lượng nước cấp từ 1/3 đến 2/3 so với ao nuôi truyền thống, chất lượng nước ổn định, không bị cặn bã tích tụ trong ao lâu ngày. Nhờ vậy cá tăng trưởng nhanh, ít bệnh, ít tốn thuốc trị, tạo môi trường sạch.
Theo Khánh Lynh (VnExpress)