Hoài Ân: Gian nan cuộc chiến với “vàng tặc”
Những năm gần đây, mặc dù chính quyền địa phương và ngành chức năng rất nỗ lực trong việc truy quét “vàng tặc”, nhưng tại nhiều khu vực núi rừng thuộc xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân), tình trạng đào đãi, khai thác vàng trái phép vẫn âm ỉ diễn ra.
Âm ỉ hoạt động
Hiện nay, điểm nóng khai thác vàng trái phép ở xã Ân Nghĩa tập trung chủ yếu tại các khu vực: hố Khế, hố Bông, hố Cộp (thôn Kim Sơn); hố Cà Điết, hố Côm, hố Mai (thôn Hương Quang). Phần lớn các điểm khai thác nằm trên núi cao, đi lại khó khăn, nguy hiểm; nhưng vì hám lợi, nhiều người bất chấp pháp luật vẫn vào rừng đào núi tìm vàng. Nhiều khu vực núi rừng thuộc xã Ân Nghĩa bị đào bới tung tóe, đất đá ngổn ngang; nhiều cây cối xung quanh các mỏ vàng bị triệt hạ để tạo mặt bằng thông thoáng hoặc làm lán trại.
Đáng nói, tình trạng khai thác vàng tự phát đã và đang gây thất thoát nguồn tài nguyên thiên nhiên, tác động xấu đến môi trường sinh thái. Bởi quá trình khai thác, đào đãi đã xả ra môi trường một lượng lớn bùn đỏ, các loại hóa chất độc hại, ảnh hưởng xấu đến con người và các loại động, thực vật xung quanh. Ngoài ra, việc đục khoét núi để đào đất, đá đãi vàng khiến khu vực này có nguy cơ sạt lở cao, nhất là vào mùa mưa, lũ.
Ông T., một người dân ở thôn Kim Sơn, cho biết: “Những người đào đãi vàng chỉ ham một ngày nào đó trúng đậm vàng, mà không thấy được cái nguy hại lâu dài. Ngoài việc đầu tư số tiền lớn để mua sắm thiết bị, người đào vàng còn đối mặt với nhiều hiểm nguy rình rập. Tôi thấy có ai trúng vàng ở khu vực này đâu? Chỉ có sập hầm, sốt rét đến vàng mắt và tai nạn là thường thấy!”.
Gian nan truy quét
Theo ông Trần Văn Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa, tình trạng đào vàng thường xuyên tái diễn là do nhiều lao động ở địa phương thiếu việc làm, nên tranh thủ vào rừng đào đãi vàng, chờ vận may. Ngoài ra, một bộ phận người dân nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Dù chính quyền địa phương và ngành chức năng nhiều lần tuyên truyền, vận động, truy quét nhưng họ vẫn lén lút vào rừng hoạt động.
Năm 2014, UBND xã Ân Nghĩa phối hợp lực lượng liên ngành của huyện Hoài Ân tổ chức 5 đợt truy quét, tiêu hủy 14 máy nổ Đông Phong, 14 cối xay đá, 22 lán trại, 6 bể chứa nước, 1 bình hơi ngạt, 1.900m ống dây nhựa dẫn nước… Bên cạnh đó, địa phương tổ chức tuyên truyền Luật Tài nguyên khoáng sản, Luật Bảo vệ rừng cho 250 người dân tại 5 thôn trong xã.
Đề cập đến công tác quản lý, truy quét và xử lý các đối tượng khai thác vàng trái phép, ông Nguyễn Minh Chánh - Trưởng Công an xã Ân Nghĩa, cho rằng: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm, Công an huyện Hoài Ân tổ chức nhiều đợt truy quét, nhưng kết quả chưa như mong muốn. Phần lớn các đợt truy quét cũng chỉ dừng lại ở việc tịch thu tang vật, tháo dỡ lán trại. Bởi các đối tượng khai thác vàng thường cử người nghe ngóng, theo dõi lực lượng làm nhiệm vụ, thấy động là tẩu tán tang vật hoặc bỏ của chạy lấy người”.
Có thể thấy, công tác kiểm tra, truy quét các đối tượng khai thác vàng trái phép không chỉ thực hiện trong ngày một ngày hai, mà đây là cuộc chiến lâu dài. Bên cạnh việc thường xuyên truy quét, chính quyền địa phương và ngành chức năng liên quan cần tăng cường tuyên truyền để người dân thấy được những tác hại do việc đào đãi vàng trái phép gây nên.
M.NHÂN - H.NHI
Chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện Hoài Ân chỉ đạo các ban, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân không vì lợi ích trước mắt mà vào rừng đào đãi vàng trái phép, gây ra hậu quả khó lường về cảnh quan, môi trường, tài nguyên quốc gia. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng địa phương sẽ thường xuyên tổ chức truy quét, chốt chặn những khu vực trọng yếu mà các đối tượng khai thác vàng trái phép thực hiện
Ông TRẦN VĂN THƯ, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa.