KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC 20.3
Một gia đình văn hóa tiêu biểu
Gia đình ông Lê Thành Huấn (88 tuổi) và bà Phạm Thị Hoa (74 tuổi), thôn Mỹ Trung, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước là một trong những điển hình gia đình ấm no, hạnh phúc. Tình thương yêu, sự thấu hiểu giữa các thế hệ là nền tảng để các thành viên trong gia đình sống vui và tham gia tốt các phong trào xã hội ở địa phương.
“Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” là câu nói mà nhiều người dân thôn Mỹ Trung dùng để chỉ về gia đình ông Lê Thành Huấn.
Luôn hướng tới cộng đồng
Năm 18 tuổi ông Huấn đi bộ đội, khi phục viên ông về làm đội trưởng đội sản xuất 2, HTXNN Phước Sơn được 7 năm thì nghỉ. Tuy nhiên, với bản chất “anh bộ đội Cụ Hồ” còn sức thì còn làm việc cho tập thể, nên đến năm 1987, ông Huấn được bầu làm chi hội trưởng Hội bảo thọ (nay là Hội Người cao tuổi). Từ đó đến nay, gần 20 năm, dù tuổi đã cao nhưng ông Huấn vẫn khỏe, minh mẫn và nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Với kinh nghiệm tích lũy và uy tín của mình với cộng đồng, ông Huấn thường xuyên tham gia các cuộc hòa giải, khiếu nại khu dân cư luôn đạt kết quả tốt. “Dân còn tín nhiệm tôi ở lĩnh vực nào thì tôi vẫn tham gia phục vụ dân ở lĩnh vực ấy. Đã nhận làm thì tận tâm, tận lực, chu toàn nhiệm vụ, khi nào không còn đủ sức khỏe làm nữa thì thôi”, ông Huấn chia sẻ.
Trong các phong trào phúc lợi của địa phương, gia đình ông Huấn luôn đi đầu đóng góp và vận động bà con. Các con cháu ông cũng noi gương tinh thần gia đình. Dù lập nghiệp xa, nhưng tấm lòng luôn hướng về quê hương. Hằng năm con cháu ông luôn hỗ trợ cho quỹ chăm sóc người cao tuổi ở địa phương, quỹ khuyến học cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó…
Anh Lê Văn Bá, là cháu nội ông Huấn đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức những hoạt động gắn kết tình quê hương. Anh đứng ra tham gia thành lập Hội đồng hương sinh viên xã Phước Sơn (1997), Hội đồng hương huyện Tuy Phước (2010) và anh hiện là thành viên trong ban liên lạc Hội đồng hương tỉnh Bình Định. Cũng trong năm 2010, anh Bá đã cùng mọi người ủng hộ và quyên góp hơn 100 triệu đồng từ các “mạnh thường quân” tu tạo đường lên Cấm Đình ở thôn Phụng Sơn (xã Phước Sơn), để bà con đi thăm mộ và đưa người mất đến nơi an táng dễ dàng hơn.
Con cháu hiếu thuận, gia đình an vui
Vợ chồng ông Huấn có tất cả 8 người con, 4 trai 4 gái nhưng phần lớn đều lập nghiệp và sống ở xa. “Tuy các con ở xa là vậy nhưng gia đình tôi không lấy làm buồn, vì dù ở bất cứ nơi đâu, tấm lòng vẫn hướng về nguồn cội thì vẫn là cái phúc của nhà. Con cháu đều học hành đến nơi đến chốn, thành tài, thành đạt; anh em vẫn bảo ban tương trợ, đoàn kết yêu thương nhau, có việc cần là luôn có mặt sẵn sàng san sẻ. Những ngày giỗ chạp, tết nhất con cháu đều về đông đủ, chỉ riêng điều này không thôi cũng đủ làm tôi mãn nguyện”, bà Phạm Thị Hoa - vợ ông Huấn tâm sự.
Cô Lê Thị Thanh Hoa, con gái thứ 2 của ông Huấn đang sống ở TP Hồ Chí Minh trải lòng: “Không được ở gần bố mẹ, không thường xuyên chăm nom như các anh chị ở quê, nên mỗi dịp lễ tết, ngày giỗ ông bà, vợ chồng con cái gia đình tôi đều sắp xếp về quê. Mỗi lần gia đình đoàn viên ông bà lại khỏe hẳn ra. Thấy cha mẹ vui như thế, anh chị em chúng tôi lại động viên nhau giữ gìn nếp nhà”.
Nhiều năm liền gia đình ông Huấn được công nhận là Gia đình văn hóa tiêu biểu ở thôn, xã và hiện đang được đề nghị công nhận là Gia đình văn hóa tiêu biểu cấp huyện. Bà Phan Thị Thu Trang, Chủ tịch Mặt trận xã Phước Sơn nhận xét: “Gia đình ông Lê Thành Huấn luôn đi đầu trong công tác vận động tuyên truyền ở địa phương, các thành viên trong gia đình tích cực tham gia các hoạt động xã hội, góp sức xây dựng quê hương. Riêng bản thân cụ Huấn, mặc dù tuổi cao nhưng vẫn rất hăng say làm việc. Đây là gia đình văn hóa có nếp sống mẫu mực, luôn hướng về cộng đồng, xứng đáng làm gương cho những gia đình trẻ học tập”.
MỸ HẠ