Nền tảng hạnh phúc là yêu thương và sẻ chia
Ngày 20.3, Sở VH-TT&DL - cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh đã tổ chức giao lưu - tọa đàm nhân Ngày Quốc tế Hạnh Phúc (20.3) với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”. Tham dự buổi tọa đàm có đại biểu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể và đại diện 20 gia đình công nhân, viên chức, lao động thành đạt tiêu biểu của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL (thứ 6, từ phải qua) trao hoa và quà lưu niệm cho đại biểu các gia đình công chức, viên chức, lao động thành đạt tiêu biểu của tỉnh.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Văn Minh cho biết, năm 2015 là năm thứ 2 Việt Nam tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Đây cũng là một trong những hoạt động gắn với chuỗi liên tiếp các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26.3, kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1975 - 2015). Thông qua cuộc giao lưu - tọa đàm, Ban tổ chức mong muốn mỗi cán bộ, công chức, viên chức, lao động ở các Công đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh sẽ trở thành một tuyên truyền viên trong cộng đồng về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, phòng chống bạo lực trong gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ hạnh phúc.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các gia đình thành đạt tiêu biểu đã đưa ra ý kiến, quan điểm của mình trong quá trình xây dựng hạnh phúc gia đình, hạnh phúc cộng đồng. Các ý kiến thống nhất cho rằng hạnh phúc luôn là một phạm trù hấp dẫn thu hút sự quan tâm của nhiều người, là đích đến trong những cuộc kiếm tìm trong cuộc đời mỗi người và có nhiều cách để xây dựng hạnh phúc.
Chị Trần Thị Kim Oanh (Phó giám đốc Trung tâm giống vật nuôi tỉnh) quan niệm: “Hạnh phúc là một quá trình chứ không phải là kết quả”. Muốn hạnh phúc gia đình bền vững thì nền tảng phải vững chắc. Để làm nên nền tảng ấy chính là các thành viên trong gia đình, phải luôn lắng nghe, thấu hiểu và thông cảm cho nhau. “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” là quan điểm sống, là điểm tựa xây dựng hạnh phúc của gia đình anh Hoàng Văn Khả (Trưởng Khoa Ngoại tiết niệu - BVĐK tỉnh). Anh Khả chia sẻ: “Hạnh phúc gia đình mình đơn giản chỉ là bữa cơm tối muộn. Với nhiều người quan niệm hạnh phúc rất to tát, nhưng với tôi khoảng thời gian sau 9 giờ tối luôn là lúc tôi cảm thấy thoải mái hạnh phúc nhất. Đây là lúc cả nhà ngồi bên nhau, để chia sẻ ý kiến của các thành viên trong gia đình về một vấn đề gì đó, để con gái tâm sự với ba mẹ những điều chưa rõ, nghe vợ kể về chuyện gia đình... Sau bao bộn bề của cuộc sống, gia đình luôn là điểm tựa vững chắc, là nơi muốn trở về nhất”. Chị Nguyễn Thị Phương Minh (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân) cho rằng, sự hy sinh làm nên hạnh phúc. “Chồng hy sinh cho vợ, vợ làm mọi việc cũng vì gia đình, ba mẹ làm tất cả là vì con cái. Có thể nói gia đình chính là lý do, là tiền đề để tạo nên hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ là có thể làm cho người khác cười, cho người khác bớt khổ, cho họ có niềm tin”, chị Minh tâm đắc.
Xoay quanh vấn đề xây dựng hạnh phúc gia đình, có nhiều câu hỏi được mọi người quan tâm nhất là trong xã hội hiện đại. “Người ta thường nói “phía sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ”. Vậy để giúp người phụ nữ thành công không chỉ ở gia đình mà còn trên phương diện xã hội, những người đàn ông sẽ như thế nào?”. Đây là câu hỏi của chị Võ Thị Thanh Bình (Thanh tra viên Sở TN& MT) thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nhiều ý kiến đưa ra và đều thống nhất rằng, chỉ có sự “yêu thương và chia sẻ” mới giúp chúng ta thấu hiểu, tôn trọng các giá trị, cũng như công việc của nhau. Từ lối sống của bố mẹ, hướng cho con cái đến sự bình đẳng, công bằng trên mọi phương diện của nam và nữ.
Bên cạnh nỗ lực của mỗi cá nhân trong gia đình, các ý kiến cũng cho rằng: Hạnh phúc không chỉ gói gọn trong phạm vi cá nhân, gia đình, dòng họ mà còn được tạo ra ở cộng đồng, xã hội rộng lớn với những hành động thiết thực, ý nghĩa.
MỸ HẠ
Ngày hạnh phúc được lấy ý tưởng từ quốc gia Bhutan, một vương quốc nhỏ bé nằm sâu trong lục địa miền đông Himalayas, vốn được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố như sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Bhutan đã ghi nhận uy thế của hạnh phúc quốc gia hơn là thu nhập quốc gia từ những năm đầu tiên của thập kỷ 70 thế kỷ 20 và nổi tiếng với việc thực thi mục tiêu tổng hạnh phúc quốc gia thay vì tổng sản phẩm quốc nội. Liên hiệp quốc đã chọn ngày 20.3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, độ dài của ngày và đêm bằng nhau - biểu tượng của sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ.
Hiện nay, Việt Nam là một trong 139 quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc cam kết ủng hộ mạnh mẽ ngày này bằng cách nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân.