Đọc “Sóng gầm Phước Lý” của Vũ Ngọc An
Đầu năm Ất Mùi 2015 này, chúng tôi đến thăm nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Vũ Ngọc An khi ông vừa từ Nhơn Lý về. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc An vui mừng thông báo, cuốn “Sóng gầm Phước Lý” (Nxb Văn học, 2015) được người dân ở xã bán đảo Nhơn Lý hết sức ủng hộ. Chúng tôi cũng thấy vui lây trước thành quả lao động nghệ thuật của một bậc cao niên, một người say mê viết lách và đặc biệt, giàu tình yêu quê hương xứ sở.
“Sóng gầm Phước Lý” không phải là công trình về văn hoá dân gian, một tiếp nối tự nhiên với các tập sách mà tác giả Vũ Ngọc An đã thực hiện trước đó như “Văn hoá dân gian miền biển Bãi Ngang” (2011), “Văn hoá dân gian bán đảo Phương Mai” (2012-2013) và “Bãi Ngang xưa và nay” (2013). Đây là một cuốn truyện ký về đất và người Nhơn Lý trong những năm tháng kháng chiến chống kẻ thù xâm lăng.
Sức hấp dẫn của cuốn sách, trước hết, ở nguồn tư liệu hết sức phong phú. Với lợi thế của một người có quá trình chứng kiến và trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt và đấu tranh của người dân quê hương Nhơn Lý của mình, tác gủa đã kể một câu chuyện đầy ắp thông tin, đầy ắp sự kiện; bi thương có, hào hùng có, khiến tất cả như hiển hiện, đầy tự hào về những năm tháng gian nan mà hào hùng của một vùng biển đảo Quy Nhơn, Bình Định.
Sau ngày giành được chính quyền, người dân Phước Lý (Nhơn Lý bây giờ) bắt tay xây dựng cuộc sống mới trong một tâm trạng hồ hởi, phấn khích, tin tưởng. Nhưng niềm vui ấy sớm phải khép lại khi kẻ thù gây hấn trở lại. Tàu chiến Pháp từ hướng hòn Đề Gi hướng thẳng vô bến vũng Bấc, phá tan khung cảnh thanh bình của một vùng quê nghèo khó. Từ đây, người dân Phước Lý cùng với nhân dân cả nước vừa sản xuất, vừa trực diện đấu tranh chống lại kẻ thù. Hiện thực này tạo nên mạch cảm hứng thể hiện của Vũ Ngọc An trong “Sóng gầm Phước Lý”. Ngòi bút tác giả tỏ ra khách quan với các sự kiện, nhưng đọc kĩ, chúng ta sẽ thấy mỗi lúc một rõ rệt niềm tự hào về quê hương bất khuất của ông. Ông say sưa kể về những du kích Phước Lý tiêu diệt ác ôn, hay chuyện nhân dân vượt biển vào tận Quy Nhơn đấu tranh, đòi chính quyền phải trừng trị kẻ ác, bồi thường thiệt hại… Qua việc tái hiện những cuộc đấu tranh như thế, tác giả giúp cho người đọc hôm nay nhận thức đầy đủ hơn về sức mạnh và vẻ đẹp của nhân dân. Tôi nghĩ, chính cái mạch ngầm cảm xúc trên đã khiến cho câu văn Vũ Ngọc An trong “Sóng gầm Phước Lý” thêm lôi cuốn người đọc. Cảm xúc, do đó, cũng là một yếu tố làm nên giá trị cuốn sách.
“Sóng gầm Phước Lý” là một cuốn sách nhỏ gọn, giới hạn phản ánh cuộc đấu tranh của nhân dân xã đảo trong khoảng thời gian từ lúc Cách mạng tháng Tám thành công cho đến năm 1964. Sự ra đời của cuốn sách ở thời điểm này thật ý nghĩa. Nó góp thêm một tư liệu quý về cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc của nhân dân, giúp ta hình dung rõ hơn về một Nhơn Lý hào hùng trong quá khứ.
Cá nhân tôi thực sự trân trọng và đánh giá cao cuốn sách này của tác giả Vũ Ngọc An. Hy vọng rằng, nếu có dịp nhuận sắc tác phẩm, tác giả nên bố cục sách thành nhiều chương; đồng thời, gia công hơn việc khắc hoạ nhân vật mẹ Diên để người mẹ Phước Lý này thực sự là một điểm nhấn, một hình tượng trung tâm của câu chuyện…
LÊ NHẬT KÝ
(Trường Đại học Quy Nhơn)