Âm nhạc Bình Định: Đáp lời biển đảo quê hương
Tháng 6.2014, giữa thời điểm làn sóng âm nhạc cả nước hướng về biển đảo quê hương đang cao trào, Hội Nhạc sĩ Việt Nam (NSVN) phát hành tuyển tập “Những bài hát mới về biển đảo quê hương” (tập 1) có nhan đề “Dậy sóng Biển Đông”. Trong số 61 bài hát mới của nhạc sĩ (NS) trong cả nước được chọn đưa vào tuyển tập, âm nhạc Bình Định góp mặt hai tác phẩm, đó là “Biển quê ta” của NS Vũ Trung và “Bảo vệ chủ quyền biển đảo” của NS Thế Tuyên.
1.
Có thể nói, cùng với văn học, âm nhạc là môn nghệ thuật nhạy bén với đời sống, thời sự. Vì vậy mà, trong những tháng ngày trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta xuất hiện giàn khoan trái phép do Trung Quốc ngang ngược hạ đặt, hàng trăm bài hát mới của hàng trăm nhạc sĩ chuyên và không chuyên trên khắp cả nước về đề tài bảo vệ chủ quyền biển đảo đã ra đời.
Để các sáng tác âm nhạc mới của tác giả trong tỉnh đi vào đời sống, trong đó có sáng tác về biển đảo, “đầu ra” quan trọng chính là đội ngũ ca sĩ, hạt nhân văn nghệ quần chúng trong tỉnh.
- Trong ảnh: Một tiết mục Liên hoan Giọng hát hay Quy Nhơn mở rộng lần III - 2014.
“Cơn sóng lớn” từ biển Đông đã dội vào tâm hồn, kích thích sáng tạo, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người làm nhạc cũng như văn nghệ sĩ nói chung. Chỉ trong thời gian ngắn, kho tác phẩm âm nhạc về đề tài biển đảo quê hương, về chủ quyền biển đảo trở nên phong phú, chất lượng hơn rất nhiều. Trong đó, phải kể đến Cuộc vận động sáng tác ca khúc chủ đề về biển đảo quê hương (do Hội NSVN và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức) phát động từ tháng 4.2014, đã nhận được 361 tác phẩm của 225 tác giả! Các sáng tác mới này nhanh chóng được công bố, thu âm, biểu diễn, đi vào đời sống văn hóa, tạo nên “bản hòa âm” về biển đảo rất khí thế, sôi nổi…
2.
Đi trong dòng chảy sôi động đó của âm nhạc cả nước, các nhạc sĩ Bình Định cũng đã thể hiện vai trò, đóng góp tích cực của mình. Một trong những đại diện tiêu biểu là NS Thế Tuyên. Sau ngày 10.5 - ngày Trung Quốc mang giàn khoa HD 981 đặt vào vùng biển Việt Nam - liên tiếp trong hai ngày sau đó, NS Thế Tuyên đã viết liền hai ca khúc: “Hãy bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu” và “Nếu ngày mai anh đi về phía biển”. Mỗi ca khúc mang một vẻ đẹp riêng. “Hãy bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu” mang phong cách của một hành khúc, đậm chất tráng ca của nghệ thuật tuồng, giai điệu mạnh mẽ. Còn “Nếu ngày mai anh đi về phía biển” mang phong cách trữ tình, lãng mạn cách mạng, sử dụng chất liệu bài chòi, nhẹ nhàng, dân dã. Cả hai ca khúc, tác giả vừa gửi bản viết cho Hội NSVN, vừa cho tiến hành thu âm tại Bình Định, do các ca sĩ trong tỉnh thể hiện. Hai sáng tác mới ra đời đầy tốc ký này, sau đó đều đã mang về niềm vui cho tác giả: một được chọn in trong tuyển tập “Dậy sóng Biển Đông” (ca khúc “Hãy bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu”) và một đoạt giải Khuyến khích (công bố kết quả cuối năm 2014) của Hội NSVN (ca khúc “Nếu ngày mai anh đi về phía biển)!
Một tác giả khác rất thành công với đề tài biển đảo, đó là NS Vũ Trung. Với “Biển quê ta”, bài hát được chọn đăng trong tuyển tập “Dậy sóng Biển Đông”, bằng sự nhạy cảm nghề nghiệp, tác giả - đại tá, nhạc sĩ Vũ Trung đã sáng tác trước khi sự kiện hạ đặt giàn khoan HD 981 xảy đến. Trong “Biển quê ta”, hình tượng nghệ thuật được nói đến là người chiến sĩ - những người lính chọn biển là nhà. Người lính trong ca khúc này - làm nhiệm vụ giữa biển khơi và luôn mang trong mình nỗi nhớ đất liền, quê nhà da diết - song, cũng chính những con người hết sức giản dị, chân chất ấy lại ẩn chứa trong mình sức mạnh vô biên, sự chịu đựng bão tố vì nghĩa lớn. “Ta hiểu vì sao, mỗi lần biển động, ngàn vạn cháu con lại ngược bão giông. Trải tuổi xuân nơi đầu sóng ngọn gió, đối mặt với phong ba, lặng lẽ âm thầm. (…). Những người ngã xuống, tự nguyện ngàn năm, tự nguyện ngàn năm, giữ biển quê ta!”.
Cùng đề tài, NS Thế Tuyên còn có các bài: “Ru đảo bình yên”, “Hát về lính thợ đảo xa” - kết quả sau chuyến đi Trường Sa của ông hồi tháng 6.2010; nhạc sĩ Vũ Trung có “Lời tạm biệt”, “Còn đâu mười sáu chữ vàng”… Trong đó, thành công nhất phải kể đến là ca khúc “Giữa biển Đông vang Tiến quân ca” của NS Vũ Trung, tác phẩm đoạt giải B Cuộc thi sáng tác ca khúc về biển đảo Việt Nam do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội NSVN và Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp tổ chức.
3.
Ngoài hai ca khúc có mặt trong tập “Dậy sóng Biển Đông” và các ca khúc khác đoạt giải, Bình Định còn nhiều ca khúc mới, hay khác về đề tài biển đảo. Dịp kỷ niệm Ngày truyền thống âm nhạc Việt Nam 3.9.2014, Chi hội NSVN tại Bình Định đã tổ chức đêm giới thiệu các sáng tác về đề tài biển đảo của tác giả trong tỉnh, tại đây gần 20 ca khúc mới đã có dịp ra mắt. Đó là NS Đào Minh Tâm với “Hành trang của người lính đảo”, NS Nguyễn Hữu Thuần với “Trường Sa ơi”…
Về đề tài biển đảo, tuy NS Bình Định hưởng ứng tích cực và cho ra đời nhiều sáng tác, song điều đáng tiếc là nhiều ca khúc vẫn chưa được phổ biến, ngay cả trong tỉnh. Vài năm gần đây, tại chương trình văn nghệ chào mừng các dịp lễ và nhất là trong phong trào văn nghệ quần chúng trong tỉnh, người biểu diễn đều chọn những ca khúc về biển đảo để thể hiện. Tuy vậy, quanh đi quẩn lại vẫn là những ca khúc nổi tiếng, quen thuộc như Nơi đảo xa, Gần lắm Trường Sa… Nguyên nhân dễ hiểu là, các ca khúc nổi tiếng vừa hay, do các ca sĩ chuyên nghiệp thể hiện “mẫu” và có trên mạng, được đưa vào chương trình karaoke…, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận, học hỏi thể hiện. Trong khi ca khúc địa phương nói chung, trong đó có ca khúc về đề tài biển đảo, chất lượng nghệ thuật vẫn chưa hoàn hảo bằng và còn gặp nhiều khó khăn trong công tác phổ biến. Đây là mối trăn trở của nhiều nhạc sĩ…
SAO LY