Để tiến tới BHYT toàn dân
Thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, rất tiến bộ và rất nhân đạo để cộng đồng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau khi ốm đau, bệnh tật. Chính vì vậy, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (Luật BHYT 2014) có hiệu lực từ ngày 1.1.2015, với nhiều điểm mới và tăng thêm nhiều quyền lợi cho người dân khám chữa bệnh; đồng thời hướng đến mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân trong những năm tới.
Theo Bộ Y tế, để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân thì điều kiện tiên quyết là phải thu hút được người dân tham gia BHYT. Số liệu thống kê tính đến tháng 12.2014 cho thấy, số lượng người tham gia BHYT mới chỉ đạt tỉ lệ bao phủ 71,6% dân số, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao (75%). Mặc dù Quỹ BHYT đã thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh đối với nhiều đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng khó khăn…, góp phần trực tiếp giảm chi phí khám chữa bệnh và tạo điều kiện cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, độ bao phủ của BHYT vẫn chưa đồng đều. Tại nhiều địa phương, nhiều địa bàn dân cư số lượng người dân tham gia BHYT rất ít, nhất là ở các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, nhất là các hộ nghèo và cận nghèo, người lao động thuộc doanh nghiệp tư nhân, nhóm đối tượng tự nguyện… tham gia BHYT với tỉ lệ thấp. Hiện mới chỉ có khoảng 2,5 triệu người, chiếm hơn 40% tổng số người nghèo và cận nghèo tham gia.
Thực hiện BHYT toàn dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa nhân đạo rất to lớn đối với đời sống cộng đồng. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng trước mắt là phải thực hiện cho được chỉ tiêu cụ thể về tỉ lệ bao phủ BHYT cho từng giai đoạn, trong đó phấn đấu đến hết năm 2015 đạt tỉ lệ bao phủ 75% dân số và đến năm 2020 đạt tỉ lệ 80%.
Để thực hiện được mục tiêu này, vấn đề đặt ra là các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể cần đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao nhận thức và phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện chủ trương BHYT toàn dân. Theo đó, cần thực hiện tốt các công việc như sau:
Khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém về nhận thức, trách nhiệm ở những địa phương, khu vực còn đạt tỉ lệ thấp về BHYT trong các hộ gia đình, nhất là ở vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn. Đưa chỉ tiêu BHYT thành chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, xem xét để có thể hỗ trợ 30% mức đóng còn lại để bao phủ BHYT cho 100% người thuộc hộ cận nghèo. Tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT; vận động mọi người tham gia kết hợp với những giải pháp cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng. Cùng với việc tăng tỉ lệ bao phủ BHYT, ngành y tế cần đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh BHYT. Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần, thái độ và đạo đức nghề nghiệp để bảo đảm chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người bệnh có thẻ BHYT ở cả hệ thống, cơ sở khám chữa bệnh nhà nước và tư nhân.
Cùng với việc thực hiện Luật BHYT 2014, việc thực hiện tốt chủ trương BHYT toàn dân với lộ trình và mục tiêu đã xác định sẽ tạo nên cơ sở nền tảng và động lực mạnh mẽ công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng hiệu quả hơn, phục vụ tốt cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
HẢI ĐĂNG