Dư âm “Khát vọng trẻ 9”…
Với chương trình nghệ thuật “Khát vọng trẻ 9 - Hào khí xuân Đất Võ” (do báo Thanh Niên và Tỉnh đoàn Bình Định phối hợp tổ chức), khán giả, người dân địa phương đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: từ háo hức, chờ đợi đến nô nức đi xem, hào hứng thưởng thức, cổ vũ, để rồi thao thức, tấm tắc mãi không thôi…
Sự lồng ghép khéo léo những màn biểu diễn võ thuật vào các tiết mục góp phần làm tươi mới và cuốn hút người xem.
Sức hút
Tối 21.3, biển người đã đổ về Quảng trường Trung tâm tỉnh để chờ đón xem chương trình này. Khắp các ngả đường dẫn về khu vực sân khấu đều chật kín người. 20h chương trình mới bắt đầu nhưng chưa đến 19h, khán đài 10.000 chỗ ngồi (vé phát miễn phí) đã không còn một chỗ trống. Khán giả nào cũng tiên lượng được sức hút và số lượng đông đảo người sẽ đến, nên đã tranh thủ đến sớm, thậm chí từ 16h, 17h để giành cho mình một vị trí đẹp và đỡ cảnh chen lấn. Bên cạnh đó, hàng chục ngàn khán giả khác không có vé ngồi trên khán đài, cũng vui vẻ chấp nhận đứng xem chương trình ở dưới lòng đường, hai bên cánh sân khấu và cả khu vực bên ngoài - xem qua màn hình led.
Chương trình Khát vọng trẻ 9. Thực hiện: BĐO
Theo Ban Tổ chức “Khát vọng trẻ 9”, ước tính 50.000 khán giả đã đến xem trực tiếp chương trình (dự kiến 30.000) - một con số kỷ lục của Khát vọng trẻ từ trước đến nay đã được xác lập tại Bình Định. Là chương trình thương hiệu nghệ thuật, lại miễn phí vào xem như một món quà thiết thực tặng nhân dân Bình Định nhân dịp sinh nhật Đoàn lần thứ 84 và 40 năm giải phóng tỉnh, thống nhất đất nước, “Khát vọng trẻ 9 - Hào khí xuân Đất Võ” thực sự là “thỏi nam châm” hút mọi người đến…
Ca sĩ Đức Tuấn đã có những kỷ niệm đáng nhớ khi tham gia Khát vọng trẻ 9.
Trong lòng khán giả
Hầu hết khán giả Bình Định rất hài lòng khi sự chờ đợi của họ được đền đáp xứng đáng bằng việc được thưởng thức những màn nghệ thuật đặc sắc, nhiều ý nghĩa. Sự xuất hiện của dàn ca sĩ, diễn viên nổi tiếng, là thần tượng của nhiều đối tượng khán giả, đặc biệt là những bạn trẻ luôn tạo được hiệu ứng mạnh mẽ từ các khán đài.
Trương Hồng Phát, sinh viên lớp Công nghệ kỹ thuật hóa học K37A - Khoa Hóa, Trường Đại học Quy Nhơn, chia sẻ: “Quá tuyệt vời, tôi chưa bao giờ được thưởng thức một chương trình nghệ thuật hoành tráng, quy mô như thế này. Sân khấu bài trí đẹp mắt, âm thanh, ánh sáng hiện đại nhiều màu sắc; những màn xếp hình phía sau tạo nên nét độc đáo và nhiều ý nghĩa. Không khí sôi động từ các khán đài và màn trình diễn của các diễn viên, ca sĩ, võ sinh làm cho chương trình cuốn hút từ đầu đến cuối… Tôi đã rất may mắn khi tìm được một chỗ trên khán đài để thưởng thức trọn vẹn các tiết mục”.
Thể hiện qua tên gọi, Khát vọng trẻ là chương trình nghệ thuật mang thông điệp của ý chí, sức mạnh tuổi trẻ, hướng đến người trẻ, gắn với các sự kiện, hoạt động của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Vì vậy, “gu”, “tông” của chương trình cũng mang phong cách trẻ. Tuy vậy, ở “Khát vọng trẻ 9 - Hào khí xuân Đất Võ”, một chương trình nghệ thuật được xây dựng, kết hợp hài hòa giữa cội nguồn truyền thống dân tộc, tinh túy văn hóa địa phương với chất trẻ, trở nên phù hợp với nhiều tầng lớp, lứa tuổi. Đối tượng khán giả đến với chương trình rất đa dạng, và họ đều tìm thấy ở đó một không gian, cảm nhận nghệ thuật phù hợp cho mình.
Sự mới mẻ, tươi trẻ ở một số tiết mục đem lại không khí sôi động từ các khán đài.
Bà Lê Thị Khả, 60 tuổi, quê ở thôn Vạn Ninh, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, được vợ chồng con trai đón vào Quy Nhơn “để má xem ca nhạc”, cảm nhận: “Ở tuổi cũng như sở thích của tui, tui rất mê những tiết mục ở hai phần đầu chương trình (Xuân khải hoàn và Bình Định đất võ trời văn). Ngay cả phần cuối (Khát vọng ngày mới), chắc là dành cho tụi trẻ, tôi cũng thấy hay, ý nghĩa. Nội dung đàng hoàng chứ không xô bồ như một số bài nhạc trẻ gần đây thịnh hành. Còn nghe các bài Hãy đàn lên, Lên đàng, cảm giác giống như ngày xưa còn trẻ nghe các bài hát cách mạng, kêu gọi toàn dân chiến đấu, lòng xúc động lắm! Người ta nói, thơ, nhạc làm dân vận còn hơn bao bài diễn văn, bao lời hiệu triệu mà, mong sao, tụi trẻ xem chương trình, thấy được trong đấy ý nghĩa, sự khích lệ để mà ra sức phấn đấu…”.
Đọng mãi dư âm
Khán giả, người dân cảm thấy mãn nhãn, hài lòng với “Khát vọng trẻ 9”, không chỉ vì chương trình quy tụ nhiều ca sĩ nổi tiếng hay tính chất hiện đại, quy mô…, mà còn bởi họ xúc động vì “hào khí” quê hương mình được tôn vinh.
Tuồng, trống trận Quang Trung, nhạc võ Tây Sơn, Võ cổ truyền Bình Định góp mặt, tạo “chỉ dẫn địa lý” và thêm tính thiêng cho chương trình mang chủ đề riêng diễn ra ở Đất Võ. Trong số đó, tiết mục ngâm lời thiệu bài “Thái sơn côn” do NSND Phương Thảo và các võ sinh Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định biểu diễn để lại ấn tượng mạnh bởi sự kết hợp khá mới mẻ. Võ sư Trần Duy Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, cho biết: “Bình Định là một trong những địa phương lưu giữ được nhiều bài thiệu võ nhất, đây cũng là đặc trưng riêng của Đất Võ. Ý tưởng của đạo diễn Thái Huân tuy mới nhưng thể hiện được sự độc đáo. Đây cũng là một trong những cách hay để bảo tồn những giá trị quý báu của tinh hoa võ cổ truyền Bình Định”.
Màn biểu diễn và giao lưu của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khiến khán giả trẻ phấn khích.
Một điểm nhấn khác, những ca khúc quen thuộc về Bình Định xuất hiện tại chương trình: “Mùa xuân Quy Nhơn - Mùa xuân Bình Định”, “Bình Định quê hương tôi”, “Quy Nhơn ngày trở lại”, qua sự thể hiện của những ca sĩ nổi tiếng, chân dung quê hương như càng đẹp hơn, gần gũi, thân thương hơn. Một luồng cảm xúc vừa quen thuộc vừa lâng lâng xúc động, tự hào khi xem các tiết mục về Bình Định là cảm nhận chung của người dân địa phương khi theo dõi, thưởng thức chương trình. Tâm trạng chung này của biển người - trên khán đài, chật kín Quảng trường Trung tâm tỉnh, chưa kể một số lượng lớn hơn xem truyền hình trực tiếp tại nhà - là chất xúc tác tuyệt vời để các nghệ sĩ biểu diễn thêm chiều sâu, thăng hoa, hết mình.
Đã ba lần đến Bình Định biểu diễn song chủ yếu hát cho các chương trình salon, tại Khát vọng trẻ 9 đêm 21.3 vừa qua là lần đầu ca sĩ Đức Tuấn hát một ca khúc về Bình Định trước hàng chục ngàn khán giả địa phương. Anh tâm sự: “Tôi hát ca khúc địa phương không nhiều nhưng thực sự lần biểu diễn này làm tôi xúc động. Tiết mục tôi đảm nhận - ca khúc “Mùa xuân Quy Nhơn - Mùa xuân Bình Định” của nhạc sĩ Dân Huyền, được sáng tác tháng 3.1975, ngay khi Quy Nhơn vừa giải phóng. Lần biểu diễn này cũng nhằm chào mừng 40 năm giải phóng Quy Nhơn, Bình Định - một sự trùng hợp đầy ý nghĩa. Đến Quy Nhơn lần này, tôi được một người bạn dân bản địa mới quen ở báo Thanh Niên, dẫn đi dạo Quy Nhơn. Bạn mời tôi tham quan quê hương bạn, còn tôi đi có chủ đích, ngay khi không có “thổ địa” dẫn đường cũng định bụng sẽ tự đi, để hiểu hơn về một vùng đất còn khá mới mẻ với mình, để “thấm” hơn những điều đã nói đến trong “Mùa xuân Quy Nhơn - Mùa Xuân Bình Định” 40 năm trước, để ngắm nhìn Quy Nhơn trong hiện tại… mà hát tròn đầy hơn”!
“Khát vọng trẻ 9 - Hào khí xuân Đất Võ” đã khép lại và đọng lại nhiều cảm xúc đẹp trong lòng khán giả, người dân Bình Định. Vài ngày sau đó, ký ức đêm “đại nhạc hội” còn xuất hiện đầy sống động trong những chuyện trò, bình luận rôm rả của người dân. Đó không chỉ đơn giản là sự cảm thán về một chương trình nghệ thuật hấp dẫn, mà quan trọng hơn, thông điệp từ sự kiện này được chuyển tải hiệu quả, ở lại sâu trong suy nghĩ của người dân Bình Định - nơi chương trình lần đầu tiên đặt chân đến.
SAO LY - LÊ CƯỜNG
Đàm Vĩnh Hưng hát giọng khàn khàn chẳng nghe được gì theo logic nhạc âm. Nhảy phụ họa thì không khác gì con ngựa. Sân khấu thiết kế trong 2 tuần để biểu diễn trong 90 phút. Thật quá lãng phí. Hãy làm gì đó thật sự có ích cho cuộc sống thì hay hơn.