Tai nạn lao động tại các công trình xây dựng: “Mất bò” vẫn không lo “làm chuồng”
Thời gian qua, đã liên tục xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động tại các công trình xây dựng để lại hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, bất chấp việc đã bị “mất bò”, nhiều người, nhiều doanh nghiệp vẫn lờ tịt chuyện “làm chuồng”.
Những vụ tai nạn đau lòng
Khoảng 11 giờ 30 phút ngày 14.1.2015, tại nhà số 429 Nguyễn Thái Học, thuộc khu vực 7, phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn, trong lúc đang đứng trên giàn giáo ở phía trước ngôi nhà này, anh Phạm Văn Huề (42 tuổi, ở thôn Hanh Quang, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) dùng thước cuộn bằng kim loại để đo kích thước khung cửa kính thì bất ngờ có gió mạnh làm đoạn thước bị cuốn về phía sau, chạm vào đường dây điện trung áp 22KV chạy phía trước nhà gây nổ lớn. Anh Huề bị hất văng ra ngoài, rơi từ giàn giáo lầu 3 xuống đất.
Trước đó, khoảng 10 giờ ngày 2.9.2014, ông Đào Văn Lương (54 tuổi, ngụ xóm 3, thôn An Sơn 2, xã Phước An, huyện Tuy Phước, làm nghề thợ hồ) trong lúc tháo dỡ nhà cho một người cùng xóm thì bất ngờ bị bức tường ngã xuống đè lên người. Mặc dù mọi người đã nhanh chóng dỡ đống gạch vữa đổ nát để cứu nạn, nhưng do vết thương quá nặng, ông Lương đã tử vong ngay sau đó.
Cũng trong năm 2014, vào khoảng 19 giờ ngày 28.1, trong lúc các thợ hồ đang tập trung đổ bê tông trên tầng 3 của chùa Phổ Minh (ở đường Lê Thanh Nghị, thuộc tổ 6, KV9, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) thì giàn giáo cốp pha đột ngột lung lay, kéo theo khối xi măng, sắt thép của 120 m2 sàn chưa kịp khô ụp xuống. Hậu quả, có 3 công nhân bị thương rất nặng.
Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu bảo hộ
Tai nạn lao động tại các công trình xây dựng có nhiều nguyên nhân, nhưng dễ thấy nhất là do người lao động không được trang bị các thiết bị bảo hộ lao động; ý thức chấp hành của cả chủ công trình, người sử dụng lao động và của cả chính người lao động đều rất hạn chế.
Có mặt tại hiện trường vụ tai nạn lao động ở số nhà 429 Nguyễn Thái Học nhiều người không khỏi giật mình bởi sự bất cẩn của người lao động. Trước đó anh Huề đứng cheo leo trên giàn giáo ở tầng 3 mà không có bất cứ phương tiện bảo hộ nào; vị trí anh Huề đứng lại cách đường dây điện trung áp chưa đến 1m (!)
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, có tới hơn 80% thợ xây dựng là lao động thời vụ, việc làm không ổn định nên có tâm lý ngại tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. Những thợ xây thường là phụ hồ một thời gian rồi học nghề, nâng lên thành thợ, trình độ lao động chưa cao, thiếu kinh nghiệm. Trong khi đó, cai thầu là những người trực tiếp nhận người, nhận việc thì phần lớn lại thiếu trình độ quản lý, thực hiện tuyển dụng đơn giản; thậm chí là rất cẩu thả, thiếu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn; chỉ đến khi tai nạn xảy ra, trách nhiệm của chủ công trình mới được nhắc đến.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp xây dựng, nhất là các doanh nghiệp ngoài nhà nước đã tìm cách tiết giảm chi phí quản lý, chi phí mua sắm trang thiết bị bảo hộ, dẫn đến tình trạng công nhân thiếu dụng cụ bảo hộ hoặc không giám sát chặt chẽ trong thi công, dẫn đến tai nạn.
Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc, không chỉ riêng người lao động phải hết sức cẩn trọng trong lúc làm việc, mà quan trọng hơn là ý thức, trách nhiệm của chủ đầu tư. Cùng với đó, các cơ quan chức năng, địa phương cần kiểm tra thường xuyên, xử phạt nghiêm đối với những công trình xây dựng vi phạm về an toàn lao động.
XUÂN VINH