“Cánh chim rừng” không mỏi
Trong trí nhớ của các già làng ở xã vùng cao Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, sự xuất hiện của thầy giáo Nguyễn Ðình Tân gắn với nhiều sự kiện đáng nhớ, như thành lập lớp bán trú cho lũ nhỏ ở các thôn làng xa xôi, mở thêm lớp 5, bắt đầu các hoạt động của Ðội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. 18 năm bám trường, bám lớp, thầy Nguyễn Ðình Tân như cánh chim rừng không mỏi, bền bỉ, mải miết bay đến từng ngôi làng, từng gia đình, tham gia thắp sáng văn hóa khắp đại ngàn Vĩnh Thạnh.
Đêm. Ngọn lửa bập bùng trong căn nhà rẫy của bok Ưu, già làng K2 xua tan phần nào cái lạnh của vùng cao Vĩnh Sơn (cao hơn 1.000m so với mực nước biển). Ngồi nhắc chuyện đã qua, đôi mắt bok Ưu ánh lên niềm vui. Kế bên bok, thầy Nguyễn Đình Tân lặng thinh đắm mình về hồi ức những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời.
Neo nhiệt huyết tuổi trẻ giữa đại ngàn
Bok Ưu kể: “18 năm trước, trên đất Vĩnh Sơn chỉ có vài giáo viên người Kinh, không đủ dạy ở các điểm trường làng. Việc học hành của lũ trẻ thất bát lắm, chữ được chữ mất, rồi rơi rớt trên suốt đoạn đường nhọc nhằn đến trường. Vậy nên, năm đó, nghe có thêm giáo viên người Kinh lên, cả làng vui lắm”.
Bỏ thêm khúc gỗ vào bếp lửa, thầy Tân cười, nhớ lại quãng thời gian mới tốt nghiệp trung cấp sư phạm, nghe phong thanh học sinh miền núi đang cần giáo viên, vậy là không chút đắn đo, thầy xuống tận Sở GD&ĐT để xung phong về miền núi dạy học.
Thầy trải lòng: “Nhiều người bảo tôi ngông đấy, vì lúc đó chỉ tiêu biên chế các trường tiểu học ở thị trấn, thị tứ còn nhiều, trong đó có huyện Tây Sơn quê tôi. Tôi đủ điều kiện để xin được một suất. Nhưng nhiệt huyết của tuổi 22 khi đó, khát khao cống hiến sức mình cho vùng khó đã đẩy nhanh bước chân tôi về với Vĩnh Sơn - nơi tôi chưa từng biết đến và cũng không có hình dung gì về chuyện trường, chuyện lớp ở đây. Ngồi sau anh xe ôm đến nhận công tác, dọc đường đi chỉ thấy núi non, đèo cao, dốc thẳng, càng đi càng heo hút”.
Học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Sơn, dưới sự dẫn dắt của Tổng phụ trách Đội Nguyễn Đình Tân đã dạn dĩ, hòa đồng, tích cực trong mọi hoạt động ngoại khóa.
- Trong ảnh: Thầy Nguyễn Đình Tân (đầu tiên, bên trái) đang hướng dẫn các động tác múa cho thầy và trò điểm trường K4.
Rồi ngôi trường cũng hiện ra, nhưng chỉ có 2 phòng học trông rất cũ kỹ. Kế bên là dãy nhà ván từng là trụ sở của UBND xã, giao cho thầy giáo người Kinh ở. Từng tốp học trò đổ ra nhìn khiến thầy đâm bối rối không biết ai là phụ huynh, ai là học trò vì đa số họ đều đã lớn tuổi.
Sau đó là những đêm dài, dưới ánh sáng vàng vọt của bóng đèn tròn, gió len qua các khe gỗ, phả cái lạnh cắt thịt da vào người, thầy Tân ngồi soạn bài đến tận khuya, nhiều hôm với cái bụng kẹp lép.
Thầy giáo Nguyễn Ðình Tân là gương mặt tiêu biểu của ngành GD&ÐT huyện về nỗ lực vượt khó bám trường bám lớp, có nhiều nỗ lực trong chuyên môn, góp phần tạo chuyển biến chất lượng giáo dục ở vùng cao Vĩnh Sơn. Năm 2013, thầy Tân được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam công nhận đạt Huấn luyện viên cấp Trung ương. Thầy là 1 trong 2 gương mặt vào vòng chung cuộc trong đợt bình xét của Sở GD&ÐT để cử 1 đại diện cho giáo viên vùng sâu vùng xa, hải đảo của tỉnh, tham dự chương trình “Cùng em đến trường”, do Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý cơ sở Giáo dục phối hợp với Ðài Truyền hình Việt Nam thực hiện.
Ông Đào Văn Minh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh
Hỏi thầy vì lẽ gì mà neo tuổi xuân nơi này và có bao giờ hối hận với quyết định ấy, thầy đã khẳng khái lắc đầu ngay lập tức.
“Vì lẽ gì, vật chất chắc chắn không phải rồi, bởi đồng lương ít ỏi không đủ sống hồi đó. Tôi không có rẫy, nương hoặc ý định làm kinh tế ở đây. Chỉ còn một lẽ là thương đám học trò nói tiếng Kinh cưng cứng thôi. Sau này, tôi lập gia đình, sinh con, lại thêm một lý do để xem đây là quê hương thứ hai. Thực tế khó khăn phải đối mặt là ngoài sức tưởng tượng. Chỉ có điều là không bao giờ tôi có tư tưởng là sẽ rời bỏ nơi này”, thầy Tân tâm tình.
Đèo cao thì mặc đèo cao…
Tinh sương. Cái lạnh vùng cao vẫn còn lẩn quất đâu đó trong xó bếp, chái nhà. Dẫn chúng tôi đi dạo quanh khuôn viên Trường PTBT-THCS Vĩnh Sơn, thầy Tân chỉ, chỗ này trước kia là 2 phòng học. Vài tháng sau khi thầy lên, xã triển khai dạy bán trú. Thời đó chỉ hai phòng học là xây gạch, thầy trò chia nhau dãy nhà ván. Khuya, thầy trò nằm nghe gió rít từng hồi bên ngoài lớp ván mỏng manh. Quấn quýt nhau mãi nên quý mến, coi nhau như người thân trong gia đình. Khổ nhất là những hôm trời mưa lũ, đèo Vĩnh Sơn bị sạt lở, mắm muối trong nhà ăn hết, thầy Hiệu trưởng Đinh Hồng Rức lúc đó huy động giáo viên, học sinh toàn trường vào rừng bẻ măng le về luộc ăn cho đến khi đường thông.
Ăn ở khó, khổ vậy nên thầy trò ra sức dạy học thật tốt. Thế nhưng, ngôn ngữ là rào cản lớn để thầy trò hiểu nhau, để những bài giảng trên lớp khắc sâu vào đầu các em. Phải học tiếng Bana - thầy Tân nghĩ vậy và lên kế hoạch nhờ học sinh dạy ngược cho mình.
“Tôi kêu học sinh lại hỏi từng từ, lấy bút vở ra ghi lại cẩn thận, được khoảng mười từ thì ngưng. Lúc rảnh rỗi, tôi học thuộc, rồi chạy qua phòng học sinh ở thực hành”, thầy kể. Tích lũy dần như thế, khoảng 2 năm sau, thầy Tân có thể hiểu đầy đủ ý kiến học sinh và ngược lại. Nhờ vậy mà thầy đã nhiều lần nắm được thông tin từ những cuộc chuyện trò bằng tiếng mẹ đẻ của học sinh và đưa ra những can thiệp kịp thời, hiệu quả như vụ một học sinh cá biệt lớp 4 dọa giết bạn hay vụ phụ huynh bắt cô học sinh lớp 5 ở nhà lấy chồng…
Sau 5 năm đứng lớp, khi cơ số lớp tăng lên, giáo viên người Kinh cũng nhiều, Trường cần có một Tổng phụ trách Đội, và thầy Tân đã được chọn vì có năng khiếu hát, múa, chơi đàn tốt. Làm công tác đội còn khó hơn cả dạy. Ngoài lợi thế về ngôn ngữ, thầy Tân đi về các làng nghiên cứu và nhờ người già chỉ các điệu múa, lời ca, cách đánh cồng chiêng, đàn T’rưng. Từ khi có thầy Tân chuyên trách, phong trào Đội mạnh dần lên, nhiều lần tham dự các hội thi cấp huyện đã đạt giải cao.
Thầy còn là thành viên Ban Thường vụ Xã đoàn. “Hàng đêm, Đoàn Thanh niên đến các điểm làng gọi thiếu nhi ra hướng dẫn hát, múa. 1 tuần 3 bữa, nay làng này mốt làng kia. Nhiều lần lên tận làng O2 khi đó còn thuộc xã Vĩnh Sơn. Hàng chục năm vừa dạy trên trường, vừa tổ chức các hoạt động Đội; cả thời tuổi trẻ tôi đã lao vào công việc, hầu như không chịu lùi bước trước khó khăn nào”, thầy Tân tâm sự.
Trở lại Vĩnh Sơn những ngày cuối tháng 3, vẫn cái dáng thư sinh, nụ cười hiền, giọng nói sáng ấm, thầy Tân thông báo tháng 1.2015 vừa rồi đã được bầu làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Sơn. Mươi năm trước, thời còn là giáo viên dạy xóa mù chữ, trong ngôi nhà tranh, mái lá, xung quanh ván ghép, mười mấy bà con ngồi bên dưới nghe thầy đọc bài. Những đêm mưa to, nước nhỏ tong tong một bên bảng, bên này thầy say sưa viết những con chữ. Tiếng giảng bài át tiếng mưa. Rồi bà con lại thấy thầy trong những lễ hội, những buổi sinh hoạt cộng đồng đậm chất văn hóa địa phương. Giờ đây, ở cương vị một cán bộ lãnh đạo nhà trường, thầy Tân tiếp tục đặt mình vào những trăn trở, thử thách mới.
Trước mắt, từ đây đến cuối năm thầy Tân vẫn tiếp tục phụ trách công tác Đội và tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người thay thế mình làm việc này. Nhưng về lâu dài, thầy có nỗi niềm: “Trường có 29 giáo viên đứng lớp thì 20 người đã thuộc diện luân chuyển. Theo đề án mới, nam 3 năm, nữ 2 năm, giáo viên tuy chuyên môn đều tốt nhưng có ít thời gian tiếp xúc với học sinh. Có lẽ sắp tới, trường cần có kế hoạch xây dựng chất lượng mũi nhọn từ lớp 1, lấy đó làm bàn đạp đẩy chất lượng đại trà lên cao”.
Nhiều phụ huynh thương yêu so sánh thầy Tân như “cánh chim rừng” sải cánh khắp rừng núi Vĩnh Sơn, thắp ánh sáng văn hóa cho thôn làng. Luôn mang bên mình chiếc máy vi tính và chiếc 3G để có thể vào mạng cập nhật thông tin bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, thầy Tân chưa bao giờ cho phép mình ngơi nghỉ. Bởi, sự nghiệp trồng người, nhất là ở vùng cao nhiều khó khăn như Vĩnh Sơn, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, sự năng động, sáng tạo của người thầy.
Dừng chân ở điểm trường K4, nhìn thấy thầy Tân đang đứng giữa vòng vây học trò, say sưa hướng dẫn bài múa “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, tôi nghĩ rằng “cánh chim rừng” này sẽ còn tiếp tục tung đôi cánh miệt mài trong sự nghiệp “trồng người” nơi đại ngàn hùng vĩ.
NGỌC TÚ