Coi chừng “bà Hỏa” !
Trong vài tháng gần đây, tin tức về những vụ cháy nổ của nhiều nơi trong cả nước khiến chúng ta không khỏi lo ngại. Ở tỉnh ta tuy chỉ xảy ra một số vụ không quá nghiêm trọng nhưng nguy cơ về hiểm họa này thì không hề nhỏ. Hiện nay, thời tiết đang vào mùa khô nóng gay gắt nên nguy cơ cháy xảy ra rất cao và nếu cháy thì sẽ rất dữ dội và khó cứu chữa.
Cháy là một thảm họa có thể tránh được nếu tích cực, chủ động trong việc phòng tránh. Tuy nhiên, nếu để xảy ra thì mức độ thiệt hại là rất lớn và để lại những hệ quả đau lòng. Sau mỗi vụ cháy thì hậu quả chí ít cũng là nhà cửa tài sản bị thiêu rụi, còn lớn hơn thì thiệt hại về tính mạng con người.
Điểm lại các vụ cháy vừa qua có thể thấy “bà Hỏa” có thể xuất hiện và gây tai họa ở nhiều nơi từ bắc chí nam, đặc biệt là ở các đô thị lớn các khu công nghiệp và dân cư tập trung; “bà Hỏa” cũng có thể viếng thăm bất cứ nơi nào, từ nơi chợ búa, kho bãi, nhà xưởng sản xuất cho đến văn phòng công ty, chung cư, cửa hàng kinh doanh , nhà hàng, quán nhậu, vũ trường, đặc biệt là các khu dân cư tập trung nhiều nhà làm bằng vật liệu dễ cháy.
Theo số liệu tổng kết, trong 10 năm gần đây, trung bình mỗi ngày cả nước xảy ra 7 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 8 người, thiệt hại về tài sản là 1,15 tỉ đồng và 11,6ha rừng. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu do chủ quan trong sử dụng điện và các thiết bị điện (chiếm 36,5%), do bất cẩn trong sinh hoạt (chiếm 27,2%) và vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy (chiếm 8,8%); còn lại là những lý do khác như sự thiếu quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, hay mức xử phạt hành chính những hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng, kinh doanh chất nổ còn nhẹ… cũng là nguyên nhân khiến người ta coi thường nguy cơ cháy nổ.
Nhưng nhìn nhận một cách nghiêm túc thì nguyên nhân chủ yếu, hay nói cách khác là thủ phạm của hầu hết các vụ cháy là ý thức chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác của không ít cá nhân, đơn vị, tổ chức đối với hiểm họa này. Khảo sát thực tế ở nhiều chợ tại thành phố Quy Nhơn và các huyện, thị xã trong tỉnh có thể dễ dàng nhận thấy tiểu thương và ban quản lý các chợ vẫn chưa thật cảnh giác với “bà Hỏa” dù rằng nhiều vụ cháy chợ đã xảy ra vẫn còn nóng hổi những bài học “nhãn tiền” như các vụ cháy chợ Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Châu Ổ và nhiều chợ khác. Còn trong các gia đình, những thói quen bất cẩn khi sử dụng điện, gas, xăng dầu hay các loại vật liệu dễ gây cháy nổ… vẫn diễn ra hàng ngày.
Để không xảy ra cháy nổ, gây thiệt hại về người và tài sản, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân, ban quản lý các chợ, các chung cư… phải hết sức cẩn trọng trong việc sử dụng các thiết bị điện, gas, hàng hóa, đồ dùng sinh hoạt; đồng thời, cần phải chủ động chuẩn bị cácphương tiện chữa cháy tại chỗ. Bên cạnh đó là sự kiểm tra giám sát chặt chẽ, thường xuyên của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn, quản lý. Đặc biệt là lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp phải có những phương án phòng cháy, chữa cháy cụ thể cho từng địa bàn, từng loại cháy. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định nhất đến hiệu quả của công tác phòng cháy vẫn là ý thức của người dân. Nếu mỗi người dân còn xem nhẹ, chưa dành sự quan tâm đúng mức với vấn đề này thì “bà Hỏa” sẽ là một nguy cơ thường xuyên tiềm ẩn, luôn rình rập chực chờ và sẵn sàng gây họa khó lường khi có cơ hội.
Hải Đăng