Nuôi dưỡng tình yêu văn hóa truyền thống trong học sinh DTTS
Là hoạt động ý nghĩa mừng sinh nhật Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ 84 và tạo điều kiện cho học sinh trong trường giao lưu văn hóa, nâng cao ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống, tối 22.3, Trường PT DTNT tỉnh đã tổ chức chương trình Giao lưu văn hóa các Dân tộc thiểu số (DTTS).
Không gian văn hóa vùng cao ở phố
Chương trình Giao lưu văn hóa các DTTS của Trường PT DTNT tỉnh diễn ra tối 22.3 là hoạt động văn nghệ học đường đặc trưng không thể lẫn với bất cứ ngôi trường nào khác nằm trên địa bàn TP Quy Nhơn. Ở đây, hiện diện những bộ trang phục truyền thống của dân tộc Bana, Hre, Chăm; nhạc cụ là cồng chiêng, trống kơ -toang…; nhạc, vũ là các điệu dân ca Bana, Hre, Chăm ngọt ngào cùng điệu múa xoang nhịp nhàng, uyển chuyển. Để giảm sự cách biệt về không gian văn hóa và bù đắp nỗi nhớ nhà, nhớ bản làng trong lòng học sinh, tổ chức chương trình này, nhà trường đã cố gắng mang đến một không gian gần gũi nhất có thể cho các em. Địa điểm diễn ra chương trình không phải trên sân khấu trong hội trường, thay vào đó là khoảng sân rộng, một cây nêu được dựng lên uy nghi giữa trời đêm, một bếp lửa bập bùng ấm áp khi mở màn chương trình. Trong không gian này, tôi có cảm giác như đang được dự một đêm lễ hội, sinh hoạt cộng đồng tại một bản làng vùng cao…
Đinh Thị Hồng Trang (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh) hát dân ca Bana với sự hỗ trợ đệm nhạc cụ của các bạn cùng trường.
10 tiết mục văn hóa DTTS đặc sắc nhất của từng dân tộc được chọn giới thiệu, biểu diễn giao lưu tại chương trình. 4 đoàn học sinh: Bana Vĩnh Thạnh, Hre An Lão, Chăm và Bana Vân Canh, Bana Hoài Ân và Tây Sơn đều chọn thể hiện lễ hội đâm trâu, bao gồm nghi thức cúng Giàng, diễn tấu cồng chiêng, múa xoang mừng lễ hội. Thật xúc động khi thấy các học sinh nam nghiêm trang, chững chạc vào vai các bậc cao niên, già làng để thực hiện phần nghi lễ trong lễ hội đâm trâu. 3 học sinh nam dân tộc Hre An Lão: Đinh Văn Toàn, Đinh Văn Tiêng, Đinh Văn Lộc vừa nhịp cồng chiêng vừa hát bài “Thanh niên Việt Nam” bằng tiếng Hre đầy khí thế. “Chim sơn ca” Đinh Thị Hồng Trang (từng đoạt Huy chương Vàng ca khúc “H’ren lên rẫy” tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao học sinh các trường PT DTNT toàn quốc lần VII - hè 2014) ngọt ngào với bài dân ca Bana “Gặt lúa đông xuân”. Mai Thành Long và Đoàn Bá Chinh làm rộn ràng không gian với tiết mục song tấu trống kơ - toang…
Hướng về nguồn cội
Đinh Văn Ngát (dân tộc Bana ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh), học sinh lớp 12A1 là một trong số các thành viên tích cực, tham gia nhiều tiết mục cho đoàn Vĩnh Thạnh. Ngát cùng với 5 bạn nam khác: Duy, Toàn, Tam, Khuyên, Chánh - đảm nhiệm nghi thức cúng Giàng trong lễ hội đâm trâu, Ngát còn đệm chiêng cho hai tiết mục hát dân ca của đoàn Vĩnh Thạnh. Ngát bộc bạch: “Lễ hội đâm trâu là lễ hội truyền thống của người Bana, được tổ chức thường xuyên, do vậy các nghi thức trong phần lễ cũng như cách tham gia sinh hoạt hội dường như ai cũng biết. Đàn ông càng phải nên biết để còn có thể đảm nhiệm khi cần. Xuống đây ở nội trú học, rất ít dịp được tham gia lễ hội, sinh hoạt cộng đồng ở địa phương, chương trình này của trường vừa giúp chúng em đỡ nỗi nhớ làng vừa được thực hành đánh cồng chiêng, nhạc cụ, múa, hát, về làng không bị dân làng chê!”.
Năm học 2014 - 2015, Trường PT DTNT tỉnh có 350 học sinh người DTTS đến từ các huyện: An Lão (94 học sinh), Vân Canh (91), Vĩnh Thạnh (77), Hoài Ân (60), Tây Sơn (9). Bên cạnh nhiệm vụ chính, việc tuyên truyền, giáo dục và tạo điều kiện, sân chơi để học sinh nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của tộc người mình là điều nhà trường rất chú trọng. Phong trào văn nghệ học đường mang đậm “phong cách” văn hóa vùng cao cũng là màu sắc chủ đạo trong sinh hoạt văn hóa văn nghệ của nhà trường. Để hỗ trợ thực hiện hiệu quả mục tiêu trên, cùng với nhiều hình thức khác, từ hơn 10 năm trước, nhà trường đã sáng tạo tổ chức và duy trì định kỳ hàng năm chương trình Giao lưu văn hóa các DTTS, thường được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thật tâm sự: “Duy trì tổ chức chương trình này hàng năm, nhà trường mong muốn góp phần vào việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS trong tỉnh. Đề cao việc giáo dục cho học sinh ý thức hướng về nguồn cội, bởi điều này có tác dụng làm sâu sắc hơn tình cảm gắn bó với bản làng trong học sinh, từ đó thúc đẩy các em quyết tâm học tốt để sau này trở về hoặc đóng góp xây dựng quê hương”.
SAO LY