TẢN MẠN
Những chị, em và các cháu …
Những người thân ấy, chúng tôi, chỉ gặp mặt được một lần trong năm vào khoảng rằm tháng Giêng. Vì mười tám là chạp mả ở đằng ngoại, phía chồng của tôi.
Nhà từ đường ở tại Khánh Lộc (Phù Cát) và bà con dòng tộc hay về quê vào dịp này nhưng nhiều hoặc ít, đông hoặc thưa lệ thuộc vào rất nhiều điều kiện. Đừng nói chi những người ở xa, nội trong tỉnh này mà có năm, con số vắng mặt khiến buồn lòng. Năm nay thật hên vì chạp mả trúng ngày Chủ nhật nên người đi làm, kẻ đi học được rảnh rang và so với từ trước đến giờ, là đông nhất. Có nhà đi xe hơi về, có nhà vợ chồng con cái đèo bồng trên những chiếc xe gắn máy. Có người leo tắc-xi, có người ngồi xe buýt… Thôi thì đủ mọi phương tiện di chuyển miễn được gặp, được cùng thắp nén hương quỳ lạy tiên tổ. Được ngồi lại với nhau trong mâm ăn, chuyền tay vài chén rượu và thăm hỏi, chuyện trò. Không ít người, mang tiếng là họ hàng và cùng sống trong một thành phố nhưng nào được mấy dịp đoàn tụ với nhau đâu chứ!
Chạp mả, đã như là cái cớ để bà con ở xa về Quy Nhơn chơi. Như là bà chị, mấy người em và các cháu của má chồng tôi. Và không về thì thôi mà đã có mặt tại đây thì không bao giờ chịu tách rời, luôn đùm túm bên nhau và chọn “giắt dăm” nhà tôi để ở. Dù hai đứa em kề cũng mời đón chân tình và cơ ngơi của các cô chú ấy, bề thế hẳn so với căn hộ này. Úy! Càng đông càng vui. Chúng tôi cũng nghĩ như mọi người nên chẳng chút ái ngại. Nhà chật mà cái tình của mình không chật, thôi chứ bận lòng chi cho mệt hử trời? Và khéo thu xếp thì nơi ăn, chỗ ở cho tám chín con người ta vẫn ngon ơ thôi mà.
Người dì lớn tuổi nhất đã tám sáu tuổi và người anh họ, được coi là nhỏ tuổi nhất, cũng đã gần sáu mươi. Ngần ấy người, quây quần sum vầy trong mái ấm nhỏ bé này và “ồ xổn” suốt ngày đêm. Đó là nói theo tiếng người mình và thứ tiếng này, mấy người thân của chúng tôi đã không ngừng sử dụng, trong suốt những ngày qua. Cái tiếng Bình Định chay, quê rình quê riết, lạc lõng ở đâu trên Đà Lạt, khập khễnh ở đâu trong Sài Gòn. Chứ ngay tại đây được nói được cười được giỡn hớt cùng chị cùng em cùng con cháu. Sao mà nó hay sao mà nó sướng? Những nào “hé’ âm cao, “úc núc” tròn um, “trật ề” tiu nghỉu với chỉ hai âm mà đầy nỗi tẻn tò, còn “chưng hửng” sao mà thảng thốt dữ hén?
Mấy bà dì của lũ tôi, nghe nói hồi trẻ cũng đẹp ác liệt nên người theo, kẻ đuổi thôi chứ kể số gì! Chị em, cháu con có biết cũng chỉ là sơ qua, đại khái. Vì đâu có mấy hồi được đông đủ vầy để kể chứ! Cuộc sống hiện tại thường ít vui, tình cảm lứa đôi sao nhiều lễnh lãng chưa kể lắm hồi trật trìa và chinh nghĩnh, chinh ngãng sao đâu. Nên chỉ cần một ai đó trong nhà gợi ra là lập tức, có ngay một chuyện tình được nhắc lại. Dịp may hiếm có vì không có mấy dượng và con cháu cật ruột đi kèm. Thôi thì thỏa thuê mà nhớ, để rồi, men theo dòng hoài niệm, kể khan. Yêu đương hồi ấy sao mà ngây khờ, lãng mạn chứ! Chuyện tình nào cũng đi mây về gió, trăng sao luyến lưu cùng mấy dòng mực tím và những áng thơ trao qua và gửi lại. Mà hay thiệt nghen. Vì đã mấy chục năm trôi qua với bao thăng trầm trong cuộc đời mỗi người, mà mấy dì, vẫn nhớ rất rõ và đọc vanh vách. Thơ hơi cũ nhưng tình mới rợi à nghen. Và tình ngày thơ dại ấy, đâu ngờ, vẫn khiến các dì tôi bồi hồi kể lại với những xúc cảm, y hình, như chưa hề bị mất đi.
Có quá nhiều chuyện, rất ấn tượng trong suốt mấy ngày đoàn ở lại nhà của chúng tôi. Như nói thôi bắt ớn tiếng ngoài mình, như kể thôi bắt ớn những chuyện ngày xưa. Và ăn không ngán ngay những bữa cơm rất đặc trưng Bình Định với cá thả ngót, ruốc Vũng, mắm cà… cùng những bữa ăn sáng, Ở đâu cũng có thể gặp nhưng ngon hử? Không chắc lắm đâu nghen. Sợ dầu ăn mấy chỗ bán không ổn, tôi đem theo chai dầu phộng và dầu đó đổ bánh xèo vỏ, thôi khỏi bàn. Rồi bánh xèo đó chấm mắm đục nghen, cũng thôi khỏi phải nói. Cam đoan là ăn bắt say và không hề ngán ngay. Rồi bánh bèo, bánh hỏi, bánh ướt mà cọng bún ngoài mình sao mà nó đậm vị nó mềm thơm. Để coi. Bún đó chan nước mắm nhỉ Hoài Hương hoặc Tam Quan mà không ra chợ, kiếm con các ngừ về nấu mẳn. Ăn bắt nhức răng mà đững kể lại cho nẫu nghe chi, nẫu thèm bắt sậc sừ. Tội nghiệp.
Các dì, cậu đều bịnh tùm lum và đem theo bên mình cả đùm thuốc. Nên rất ý thức chuyện mình có thể đổ bệnh bất cứ lúc nào. Năm nay còn về quê chạp mả được, nhưng biết đâu chừng năm sau? Chính bởi vậy, nên ai cũng nhận ra mấy ngày được bên nhau rất là hiếm hoi và vô cùng giá trị. Mấy ngày được ăn món mình thèm, nói tiếng mình thích, làm thứ mình ưa và kể nhắc về những điều mình trân trọng cất giữ. Trong hết thảy, không thể không kể tới rất nhiều kỷ niệm về những người thân trong gia đình dòng tộc với kẻ mất, người còn. Điều ấy làm buồn cũng có mà vui cũng có, trầm ngâm cũng có mà xôn xao cũng có. Khiến đôi khi làm mắt cay và rưng lòng nhưng lắm hồi làm miếng cơm trong miệng dẻo thơm hơn, chút mắm quẹt mặm mòi hơn. Những câu chuyện không dứt khiến bữa ăn thường kéo dài, giấc ngủ thường trễ muộn.
Một tuần trôi qua nhanh và rồi, bữa chia tay cũng tới. Ông anh lái xe và muốn rời Quy Nhơn sớm để tránh nắng. Nên chưa được 5 giờ sáng mọi người đã phải lên đường. Có dì khóc, có dì mếu máo, có chị buồn và ông cậu thì lửng sửng… Chúng tôi đừng miết ngoài hè và thầm mong chuyến trở về bình yên. Rồi mong ước thêm, còn những lần được gặp lại, khi tháng Giêng vừa mới bước qua rằm.
HUYỀN MINH