Hoa ưu đàm
* Truyện ngắn của MỘC ANH
Trầm bị đánh thức bởi tiếng reo thảng thốt của vợ: “Anh! Hoa ưu đàm, hoa ưu đàm. Anh, dậy mau!”. Quàng tấm chăn mỏng, Trầm lao ra cửa. Lành đứng lặng bên song sắt, mắt nhìn thẳng vào những bông hoa trắng nhỏ li ti như sợi chỉ, đâm lên từ thanh thép lưới hàng rào. Trầm cúi xuống, lặng lẽ nhẩm đếm: “26. Đúng bằng số tuổi của em”. “Mình sẽ có con phải không anh? Mình không giống vợ chồng dì Thu phải không anh”, Lành nghẹn ngào. “Ờ! Có thể”. “Anh trả lời chắc chắn xem nào?”, Lành ngắt lời chồng. “Ờ! Chắc chắn”. “3.000 năm mới nở một lần đó. Anh hãy có niềm tin”, Lành nói như đang giảng Phật pháp.
***
Trầm hiểu là vợ anh đang khao khát đứa con. Cưới nhau đã bốn năm, mọi hi vọng tưởng như đã tắt lịm. Bỗng dưng ưu đàm lại chọn hàng rào nhà Trầm để nở. Kiểu gì Lành cũng rất hy vọng. Bỗng dưng Trầm thấy lo lắng. Biết là vậy nhưng Trầm vẫn giăng một tấm nylon trong suốt để tránh nắng cho hoa. Lành mừng lắm, chiều vội vàng ra chợ mua đầy một làn thức ăn tươi, còn chuẩn bị cả nước tắm cho Trầm.
Trầm biết là đã vô vọng. Trầm và Lành là đôi vợ chồng trẻ trung, đẹp đẽ, khỏe mạnh, xứng đôi. Trong trường hợp này, không ai biết nguyên do đến từ đâu. “Mình không đi khám anh nhé”, Lành từng nói với chồng. “Ừ! Sẽ không”, Trầm luôn trả lời một cách dễ chịu như thế.
Lành lầm. Trầm không hề dễ chịu như anh cố. Những hôm đóng cửa hàng sớm, Trầm hay ra biển. Ngồi trên bờ cát, anh nhìn những đứa con nít giỡn đùa với cát, với sóng, với nhau không biết chán. Trầm cũng muốn có một đứa như thế cho riêng mình, trai cũng được, gái cũng được. Nghĩ đến đó, Trầm lại buồn rũ rượi.
Từ lúc lấy nhau, vợ chồng Trầm đã chuẩn bị rất kỹ càng để chào đón đứa con ra đời. Lành không đi làm. Cô nhận hàng về may tại gia. Nhìn Lành ai mà không thích mắt. Mát da mát thịt, nói cười xởi lởi, chẳng ai nghĩ Lành là “gái độc”. Người ta không con buồn phiền khô héo, vợ chồng Trầm vẫn cứ béo tốt phây phây. Ấy là nhờ tay Lành khéo nấu nướng, bồi dưỡng. Mỗi buổi sáng thức dậy, nhìn căn nhà tinh tươm và những món ăn sẵn sàng ở trên bàn, Trầm cứ tưởng tượng ra cái khoảng trống bên cạnh cửa sổ. Nếu ở đó có một đứa bé sẽ hoàn hảo biết chừng nào. Nó sẽ cười toe khi nhìn thấy Trầm, chạy từ bên này qua bên kia trong khi mẹ nó bê tô cháo và tìm cách dỗ để nó chịu thua chiếc muỗng.
Nửa đêm, Trầm thức dậy. Sự kiện hoa ưu đàm giống như một liều thuốc an thần hữu hiệu, Lành không còn thao thức như mấy đêm trước nữa. Cô ngủ thật êm, trong giấc mơ môi còn mấp máy một nụ cười. Ngày cưới, dì Thu, người thay mẹ nuôi nấng Lành từ nhỏ vịn tay Trầm dặn dò: “Hai đứa cùng mồ côi, càng phải thương lấy nhau. Rồi có con cái, tương lai xán lạn hơn dì dượng”. Lành thúc Trầm: “Nói vợ chồng con thương dì dượng như cha mẹ đi”. Nhưng Trầm lơ, chỉ nói: “Dì là em gái mẹ vợ con, Lành coi dì như mẹ từ rất lâu rồi”.
Lành không ngủ ngon như Trầm vẫn tưởng. Đã mấy hôm rồi, Lành nghĩ tới nghĩ lui... Lẽ nào Lành giống... Dì Thu cũng không thể có con. Nếu sự thật như vậy thì Lành phải làm sao cho phải. Đúng lúc ấy, mảng hoa ưu đàm xuất hiện. Chúng gieo vào lòng Lành hi vọng. Vả lại, dì Thu chỉ là em gái kết nghĩa của mẹ, đời nào, mà biết đâu nguyên nhân lại đến từ dượng.
Đêm qua, gió làm đổ một trào lá rụng, rồi mưa rì rào cho tới sáng. Những đốm hoa ưu đàm vẫn ở đó. Dì Thu đi chợ, dượng Đảm đi chở hàng, Trầm ra cửa hàng sớm, Lành sắp xếp gọn ghẽ cái góc bếp rồi ngồi vào bàn may. Vân vê chiếc cổ áo may dở trong tay, Lành quơ tìm cái gối may, kê đầu lên. Ở nhà mình cô quạnh lắm. Kỳ này Lành sẽ xin dì Thu ra chợ bán hàng. Lành sẽ làm quen với những anh bán rau, những chị bán thịt. Lành sẽ lựa hỏi tìm loại thuốc người ta vẫn hay đồn đại có thể chữa cho những cặp vợ chồng muộn con. Bỗng dưng Lành khóc, nước mắt ướt đầm cả gối. Đến trưa thì Lành cảm thấy mệt mỏi, toàn thân uể oải. Lành nằm vật ra giường. Dì Thu về ăn cơm trưa, hốt hoảng. Dì lôi trên chái bếp cũ ra mấy thang thuốc mua từ hôm nào: “Bệnh con chỉ có thuốc này mới trị được”. Nhận ra mấy gói thuốc dì mua từ lâu lắm, ép cô cháu gái uống không được, Lành se sẽ lắc đầu. “Thôi! Uống khỏe rồi ra chợ bán với dì”. Vậy là Lành chịu. Mỗi ngày ba bát, thuốc chỉ làm Lành thêm đỏ da thắm thịt.
Uống thuốc xong rồi, Lành nằm một mình, lại tủi thân. Cái gia đình chắp vá này nếu không có gì đổi mới, thí dụ như một đứa con nít rồi sẽ đi về đâu, cứ buồn bã phẳng lặng mãi như thế này sao? Điều làm Lành buồn nhất là cái buổi chiều hôm ấy, Trầm về, ấp úng: “Anh với dượng Đương đi sang đó một chuyến, vừa kết hợp lấy hàng về cho dì Thu bán, vừa tranh thủ xả stress kỳ nghỉ phép. Nhà hai phụ nữ, tối em nhớ cài cửa cẩn thận”. Quyết là đi, mặc kệ hoa ưu đàm xuất hiện, mặc kệ hai phụ nữ đơn chiếc ở lại. “Đây là thông báo chứ đâu phải là hỏi ý kiến”, Lành muốn hét lên. Mà có thể lắm chứ, họ muốn đi tìm của lạ. Miệng thì leo lẻo nói không sao mà trong lòng cũng thèm muốn một đứa con lắm chứ.
Họ đi biền biệt 1 tuần, 2 tuần, rồi một tháng. Thỉnh thoảng mới gọi về, mà không thèm gọi di động, cứ tương điện thoại bàn, làm Lành đang dở tay cũng phải sống chết chạy vào nhà. Mảng hoa ưu đàm vẫn lung linh như trêu ngươi Lành. Cái hôm dượng Đương về, xuất hiện ở chợ, Lành mừng quýnh quáng, định chạy bổ về nhà nhưng câu thông báo của dượng làm Lành chết lặng: “Thằng Trầm bảo còn chút công việc nên ở lại thêm một vài tuần”. Lành khóc như mưa như gió. Dì Thu kéo vào: “Mày làm vậy người ta tưởng nhà có chuyện”.
Tận hai tuần sau Trầm mới về, người gầy rộc, chậm chạp như phải bùa ngải. Đêm đầu tiên sau khoảng thời gian hai vợ chồng xa nhau, dường như anh né tránh, kêu mệt đi ngủ sớm, tiếng thở đều đặn làm Lành tủi thân. Lẽ nào Trầm trót ham mê của lạ ở xứ người, rồi mất sức, rồi nảy sinh ý nghĩ chán chường, ruồng bỏ vợ. Mảng hoa ưu đàm cũng dần khô héo như Lành. “Nó sẽ chết và hết mọi hi vọng”, Lành nghĩ. Đã thế, ba người họ, dượng Đương, dì Thu và Trầm như có điều gì giấu Lành. Ba con người ấy như lột xác, như gạt Lành ra khỏi đồng minh.
Một buổi tối trăng thanh gió mát, bẵng đi sau khoảng thời gian Lành giận hờn, Trầm kéo vợ vào lòng. Lành dịch ra, nhưng cuối cùng sự dịu dàng của Trầm đã thắng.
Và rồi cái việc Lành mang bầu trở thành một sự kiện của xóm chợ. Mở mắt ra đã có người hỏi thăm. Dì Thu về dưới quê chưa lên, Lành bụng bầu đã lùm lùm phải cáng đáng sạp vải, vừa ra chợ, chưa kịp dọn hàng đã có khách quen tay bắt mặt mừng: “Mới hôm nào vừa gặp ông Đương với anh Trầm trong bệnh viện mà giờ đã có tin mừng rồi”. “Bệnh viện nào chị?”, Lành ngơ ngác. “Còn giả vờ giả vịt, hôm ấy tôi đưa người nhà đi chữa bệnh, gặp, ông Đương còn nhanh mồm nhanh miệng ghé sát tai bảo: “Đi mổ để lấy lại phong độ đàn ông cho thằng Trầm”. Khách chưa đi khuất, Lành nhờ người trông sạp, tất tả chạy về nhà.
Hai người đàn ông của gia đình đang ngồi nhậu. “Kỳ này bà ấy về dưới quê, biết chuyện thể nào anh em họ hàng cũng kéo lên chúc mừng. Có lẽ phải tính trước dăm mâm con ạ. Rồi phải làm cái lễ, cảm tạ trời phật đã cho ba mẹ tìm được con. Cũng may nhờ cái cuộc tiểu phẫu. Ba chứng kiến từ đầu đến cuối, mới nhìn thấy cái bớt ở gần ngay chỗ ấy. Thất lạc bao năm rồi ba mẹ cũng tìm được con. Đúng là ông trời có mắt, sắp đặt cho gia đình mình sum vầy”.
Lành khựng lại. Dì Thu từng kể chuyện có một đứa con thất lạc. Ngày ấy dì có với dượng một đứa con khi dượng đã có gia đình. Dù không thể có con, người vợ trước vẫn không chịu buông tha cho dượng. Lại thêm việc để đứa con hai tuổi lạc mất, dì sinh điên sinh dại. Bất hạnh là sau này, khi đã đến được với nhau, dì và dượng lại đã xế chiều, không thể sinh con được nữa. Không lẽ...
“Mà đúng là con trai ba, khôn lanh thật. Còn đi cấy nấm giả hoa ưu đàm cho con vợ tràn trề hi vọng. Ôi! Cứ nghĩ đến thằng cháu đích tôn bi bô là ba lại thấy như trẻ thêm 10 tuổi”.
Lành cứ đứng lặng như thế, miệng mỉm cười mà nước mắt hai hàng dài.
M.A