Trại gia súc - gia cầm gây ô nhiễm khu dân cư
Gia đình ông Nguyễn Văn Mười (ở khu vực Quán Dưa, thuộc xóm 2, thôn Phú Kim, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) lập chuồng trại nuôi heo, bò, gà ngay trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến cả một vùng dân cư khổ sở đã nhiều năm. Người dân địa phương đặt ra nghi vấn phải chăng ông Nguyễn Văn Mười là cán bộ thú y, thường xuyên là thành viên các đoàn kiểm tra về môi trường nên vi phạm của gia đình ông được ngó lơ?
Theo phản ảnh của người dân thuộc khu vực Quán Dưa, hiện trại chăn nuôi gia súc - gia cầm của gia đình ông Mười có khoảng 200 con heo, 10 con bò, hơn 50 con gà, ngỗng. Những lúc gia đình ông Mười vệ sinh chuồng trại và cho gia súc, gia cầm ăn (mỗi ngày 3 lần), mùi hôi thối nồng nặc lan tỏa khắp một vùng rộng lớn, khiến người dân sống xung quanh không sao chịu nổi.
Chưa hết, trại chăn nuôi này không có hệ thống xử lý nước thải hợp chuẩn, nước rửa chuồng được xả thải trực tiếp ra môi trường khiến con mương dẫn nước nằm phía sau gia trại của ông Mười luôn đặc quánh, đen ngòm, bốc mùi hôi tanh. Chỉ bằng cảm quan cũng có thể khẳng định, đây là nguồn gây ô nhiễm, là môi trường khiến nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Đặc biệt, gần đây, ông Mười còn cho tập trung phân heo, bò chưa hoai tại khu vực nằm phía Tây khu dân cư để làm phân bón cho ruộng cỏ phục vụ chăn nuôi nên mùi hôi thối càng lan rộng, mức độ ô nhiễm trầm trọng hơn.
Do trại chăn nuôi kể trên không hợp vệ sinh nên ở khu vực Quán Dưa nạn muỗi mòng, ruồi, nhặng thường xuyên cao ở mức bất thường, khiến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Bà Trần Thị Thúy Vân - người có nhà sát vách chuồng nuôi heo của gia đình ông Mười, than thở: “Chỗ bà con hàng xóm, nói thì sợ mất lòng, nhưng không nói thì không được. Nhà tui nằm sát chuồng heo của ổng nên ngày nào cũng lãnh đủ mùi hôi thối. Do ngày nào cũng hít thở nguồn không khí bị ô nhiễm nên người nhà tui thường mắc bệnh về hô hấp. Tui đề nghị địa phương và ngành chức năng sớm có biện pháp xử lý triệt để tình trạng này”.
Chia sẻ nỗi khổ với bà Vân, bà Trần Thị Nguyệt, một người dân ở xóm 2 nghi vấn: “Ông Nguyễn Văn Mười là cán bộ thú y của xã Cát Trinh, thường tham gia đi kiểm tra tình trạng ô nhiễm môi trường ở những hộ chăn nuôi tại địa phương. Vậy mà nhiều năm nay, chính gia đình ông lại nuôi heo, bò, gà, ngỗng ngay trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường nặng nề nhất, mà không hề bị xử lý gì hết. Phải chăng chính quyền và cơ quan chức năng đã nể nang, bao che, ngó lơ để ông Mười vi phạm kéo dài?”.
Liên quan việc này, ông Nguyễn Ngọc Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Trinh, giải thích: “Khoảng đầu tháng 3.2015, xã nhận được đơn của người dân xóm 2 phản ảnh tình trạng gia đình ông Mười chăn nuôi heo, bò, gà gây ô nhiễm môi trường. Ngày 13.3, xã đã lập đoàn tới hiện trường kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy phản ảnh của người dân là chính xác. Sau đó, gia đình ông Mười có hứa khắc phục; đến nay (ngày 19.3), họ cũng đã khắc phục được một phần chứ chưa hết do số lượng gia súc, gia cầm quá nhiều, không thể bảo đảm vệ sinh triệt để. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục yêu cầu ông Mười giảm số lượng vật nuôi, có biện pháp xử lý triệt để nạn ô nhiễm, diệt ruồi, nhặng. Nếu gia đình ông Mười không thực hiện hoặc làm không đúng yêu cầu, UBND xã sẽ có biện pháp xử lý kiên quyết”.
Báo Bình Định sẽ tiếp tục theo dõi và đưa tin về tiến trình và kết quả xử lý vụ gây ô nhiễm kéo dài này.
C.LUẬN
Đọc qua bài viết tôi thấy anh Mười này dở quá! Làm nông nghiệp mà không biết gì về Biogas sao? Với số lượng 200 con heo đó, anh làm hầm biogas thì tuyệt vời, vì lợi đủ chuyện. Trước nhất là xử lý phân và nước thải thành khí gas để nấu nướng thoải mái. Thứ hai là có bã thải ra bán cho nông dân trồng cây rất tốt. Thứ ba là giúp giữ vệ sinh môi trường, giảm tối đa mùi hôi. Nếu phân bò không có chỗ xử lý ủ thành phân hoai mục được thì đưa luôn vào hầm Biogas luôn càng tốt. Vậy tại sao anh lạc hậu thế, để cho bà con lối xóm kêu trời ?